Nội bộ EU tan tác vì Nga

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU) đang tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, họ có thể rơi vào tình trạng bất lực trước sự phản đối của nhiều nước thành viên trong liên minh. Nội bộ EU đang tan tác vì Nga.
Nội bộ EU tan tác vì Nga

Theo tin được một quan chức cấp cao của EU cung cấp ngày hôm qua (18/3), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu - ông Donald Tusk - một nhân vật chống Nga mạnh mẽ, đang thảo luận một đề xuất với giới lãnh đạo Pháp và Đức theo đó sẽ gắn những biện pháp trừng phạt Nga vào việc thực hiện nghiêm túc, thoả thuận ngừng bắn ở Ukraine. Đề xuất của ông Tusk được cho là một biện pháp thoả thiệp trong bối cảnh nội bộ EU mâu thuẫn sâu sắc về chính sách trừng phạt Nga. Một số nước có tư tưởng diều hâu ra sức đòi trừng phạt Nga thêm nữa trong khi nhiều nước khác lại phản đối điều này.
 
Trong một dấu hiệu cho thấy Liên minh Châu Âu đã không còn mặn mà với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, 7 nước thành viên EU được cho là sẽ bác bỏ bất kỳ quyết định nào về việc kéo dài thêm các biện pháp từng phạt nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Danh sách những nước kiên quyết phản đối chính sách trừng phạt Nga gồm có Cyprus, Italia, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Áo và Tây Ban Nha. Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades đã đến thăm thủ đô Moscow hồi tháng 2. Thủ tướng Italia Matteo Renzi có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin hồi đầu tháng này trong khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras dự kiến đến thăm thủ đô Moscow vào tháng Tư tới.
 
7 nước trên đều là những nước ủng hộ miễn cưỡng cho các biện pháp trừng phạt kinh tế đang được EU áp đặt lên Nga hiện giờ. Và chừng nào thoả thuận ngừng bắn mong manh ở miền đông Ukraine còn được duy trì như hiện nay thì các nước trên sẽ không chấp nhận việc tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Khối liên minh chống trừng phạt được cho là sẽ thể hiện quan điểm của họ tại hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra ngày hôm nay (19/3) ở thủ đô Brussels, hãng tin Bloomberg đưa tin.
 
“Khả năng cao nhất là họ sẽ không đồng ý tăng cường các biện pháp trừng phạt vào thời điểm này  mà sẽ hoãn đưa ra quyết định cho đến thời điểm cuối cùng có thể - nghĩa là lúc gói lệnh trừng phạt hết hạn”, ông Ian Bond - một cựu nhà ngoại giao Anh thuộc Trung tâm Cải cách Châu Âu ở thủ đô London, đã nhận định như vậy.
 
“Nhóm chống trừng phạt dường như ngày càng tự tin và tin tưởng vào quyết định của họ”, ông Steven Blockmans - một nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu ở Brussels, cho hay.
 
Bản thân Ngoại trưởng Latvia - nước đang nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, cũng tin rằng sẽ không có bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào nhằm vào Nga được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần này ở Brussels.
 
Trước việc nội bộ EU mâu thuẫn sâu sắc như vậy về chính sách với Nga, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Tusk đang làm việc với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande về một đề xuất mang tính thoả hiệp về tương lai chính sách trừng phạt của EU. Ông Tusk tin rằng, đề xuất này sẽ giành được sự ủng hộ của tất cả 28 nước htanfh viên EU.
 
"Phương hướng của đề xuất là xây dựng mối ràng buộc mạnh mẽ giữa việc thực thi nghiêm chỉnh thoả thuận Minsk và những biện pháp trừng phạt đang được áp đặt lên Nga. Các biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi thoả thuận Minsk được thực hiện đầy đủ”, một quan chức giấu tên của EU cho hay.
 
Sẽ cần phải có sự nhất trí của tất cả các nước thành viên EU nếu liên minh này muốn kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga sau thời hạn kết thúc vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, việc này là không dễ khi các nước EU bất đồng về việc tiếp tục trừng phạt Nga.
 
EU tổn thất bao nhiêu từ cuộc đối đầu với Nga?
 
Một quan chức của Uỷ ban Quan hệ Quốc tế Duma Quốc gia Nga (Quốc hội Nga) – ông Alexey Pushkov cho biết, tổn thất của Liên minh Châu Âu gây ra do mối quan hệ ngày một xấu đi với Nga ước tính là vào khoảng từ 21 đến 40 tỉ euro.
 
"Tổn thất kéo dài là kết quả của sự đổ vỡ trong mối quan hệ đối tác chiến lược và tổn thất đó là rất lớn, không chỉ với Nga”, ông Pushkov cho hay.
 
Dẫn những số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, ông Pushkov nhấn mạnh, Liên minh Châu Âu đã mất khoảng 21 tỉ euro từ các biện pháp trừng phạt. Theo các nhà kinh tế Nhật Bản, EU mất khoảng 30 tỉ euro, ông Pushkov cung cấp thêm. "Nhiều chuyên gia Châu Âu nói rằng, chúng tôi đang nói về khoản tổn thất 40 tỉ euro. Tổng tổn thất mà những người nông dân Châu Âu phải hứng chịu từ lệnh cấm vận thực phẩm của Nga đối với các nước Châu Âu là vào khoảng 12 tỉ euro năm 2014”, ông Pushkov nhấn mạnh.
 
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2014, nhập khẩu của EU vào Nga giảm 12%, tương đương khoảng 10 tỉ euro. "Nếu trong năm 2013, nhập khẩu trong cùng kỳ từ tháng 1 đến tháng 8 đạt 80 tỉ euro thì năm 2014 con số này đứng ở mức 70 tỉ euro", ông Pushkov nói thêm.

Theo: VnMedia