Theo nội dung vừa được Bộ Tài chính công bố trưa 19/3, phương pháp xác định thuế mới sẽ căn cứ thêm cả yếu tố tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ký biểu thuế FTA được xác định theo quý với cách tính là dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau.
Những số liệu trên sẽ do Tổng cục Hải quan tổng hợp, xác định qua hệ thống hải quan điện tử để đảm bảo tính chính xác, tin cậy.
"Việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước," đánh giá của ngành tài chính nêu.
Giải thích về sự chênh lệch giữa thuế nhập khẩu ưu đãi xăng dầu hiện hành (MFN) trong cách tính giá và mức thuế thực tế nhập khẩu từ một số nước ASEAN, Hàn Quốc, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, mức thuế MFN cao hơn.
Tuy nhiên, theo giải thích, để được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì hàng hoá nhập khẩu từ các nước này phải đảm bảo điều kiện về xuất xứ (C/O), về điều kiện vận chuyển,... Bởi vậy, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, thực tế thời gian qua, không phải tất cả hàng hoá đều nhập khẩu từ các nước có ký Hiệp định FTA đều được hưởng theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
"Cụ thể trong năm 2015, số thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) đã thu từ xăng dầu nhập khẩu là 35.923 tỷ đồng, nhưng thực tế số thuế hoàn theo chứng từ doanh nghiệp nộp bổ sung C/O mẫu D (theo Biểu thuế Atiga) là 3.502 tỷ đồng, chiếm 9,75% tổng số thuế đã nộp," đại diện Bộ Tài chính đưa ra con số.
Về quyết định giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng dầu từ 10-13% về mức 7% ngày hôm qua (18/3), một số ý kiến cho rằng, mức thuế này vẫn cao hơn mức thuế nhâp thực tế 0-5% từ một số nước vào Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, thực tế hàng hoá nhập khẩu từ Singapore, Hàn Quốc về tới Việt Nam cần tốn thêm khoản chi phí về vận chuyển và bảo hiểm chiếm khoảng 6-7% giá xăng dầu nhập khẩu.
Bởi vậy, mức thuế như trên theo lãnh đạo cơ quan quản lý là "cơ bản đã đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước."
So sánh mức thuế MFN tính giá cơ sở xăng dầu hiện tại với mức thuế nhập khẩu thực tế từ một số nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đưa ra sự so sánh về giá xăng dầu Việt Nam và thế giới, đại diện Bộ Tài chính dẫn công bố của Global Petrol Price, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam ngày 16/3/2016 đứng thứ vị trí thấp 27/180 nước. Cụ thể, giá xăng Việt Nam là 0,65 USD/lít, thấp hơn Campuchia là 0,79 USD/lít, Thái Lan là 0,88 USD/lít, Trung Quốc là 0,91 USD/lít, Lào là 1,17 USD/lít.
"Lý do các nước trong khu vực cao hơn nước ta chủ yếu là do cơ cấu thuế, phí của họ trong giá xăng dầu cao hơn vì xăng dầu nhập khẩu đều có giá chung của thế giới," lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra lý do
Theo VietNam+