Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới
Phát biểu tại Hội thảo "Chiến lược Dữ liệu cho phát triển ứng dụng AI và thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) Ninh Bình" sáng 24/10, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phan Tâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu như một loại tài nguyên đất đai, có thể khai mở nhiều giá trị mới.
Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, trong tương lai hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn.
Theo ông Phan Tâm, việc xây dựng thể chế để phân tách quyền sở hữu dữ liệu, định giá tài sản dữ liệu, phân chia lợi ích theo đóng góp là rất quan trọng. Đối với các cơ quan nhà nước, cần nhận thức được trách nhiệm cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp khai thác sử dụng.
Trên thực tế, nhà nước đã rất tích cực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu mở. Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã đưa dữ liệu mở là một nhiệm vụ mà cơ quan nhà nước phải công bố để cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, chia sẻ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng Phòng Hạ tầng và Dữ liệu số (Cục Chuyển đổi số Quốc gia) đã nêu quan điểm chiến lược về dữ liệu của Việt Nam, bao gồm các yếu tố:
Thứ nhất, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân.
Thứ hai, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia thu thập, xây dựng, phát triển, khai thác, sử dụng và làm giàu dữ liệu. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Thứ ba, đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân doanh nghiệp dựa trên dữ liệu.
Thứ tư, thị trường dữ liệu là yếu tố đột phá; từng bước tạo lập và thúc đẩy mở thị trường dữ liệu, lấy thị trường dữ liệu làm động lực phát triển dữ liệu.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Trọng Khánh, phát triển, sử dụng dữ liệu phải đi đôi với đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo chủ quyền số của Việt Nam. Đồng thời phải phát triển nguồn nhân lực làm chủ công nghệ xử lý và khai thác dữ liệu. Đây là những yếu tố quyết định để triển khai thành công chiến lược dữ liệu quốc gia.
Chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm quốc gia về dữ liệu, ông Nguyễn Trọng Khánh cho biết có 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Xây dựng thể chế; Xây dựng hạ tầng dữ liệu; Xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Công thức cơ bản để thành công với AI là gì?
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình nói rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là yêu cầu sống còn cho sự phát triển của tỉnh trong quản trị chiến lược phát triển, hướng tới tầm nhìn năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Ông Huấn cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực Chuyển đổi số nhưng so với yêu cầu thực tiễn đặt ra thì vẫn còn khoảng cách, nhiều mặt có nguy cơ tụt hậu, đang là lực cản cho phát triển.
Vì vậy, theo ông Huấn, chuyển đổi số toàn diện ở Ninh Bình được đặt ra cấp thiết khi lựa chọn mô hình phát triển dựa trên nền tảng các ngành kinh tế mới nổi dựa vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, theo đó không chỉ cần hạ tầng số mà cả thay đổi căn bản phương thức quản trị xã hội.
Kiến giải với Ninh Bình tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia - NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tỉnh vốn có lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, thì nên phát triển thêm một nấc cao hơn là du lịch y tế. Rất nhiều Việt kiều và người nước ngoài có nhu cầu kết hợp du lịch và chữa bệnh, nếu Ninh Bình khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này thì có thể có hướng đi mới cho ngành du lịch và y tế của tỉnh.
Cũng tại Hội thảo, Phó Giám đốc NIC đã có bài chia sẻ về tiềm năng và cơ hội mà trí tuệ nhân tạo có thể mang đến cho nền kinh tế số Việt Nam.
Dẫn nghiên cứu từ Google, ông Thịnh cho biết, dự tính đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỉ đồng (74 tỉ USD), trong đó AI có thể được ứng dụng để phát triển một số ngành đem lại lợi thế cao như nông nghiệp và thực phẩm, môi trường, giáo dục và đào tạo, y tế, sản xuất.
Ông Thịnh cũng nhấn mạnh thêm rằng không có một chiến lược AI nào có thể phù hợp với tất cả các quốc gia hoặc mỗi địa phương cũng như mỗi doanh nghiệp, nhưng công thức cơ bản để thành công là chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI cũng như phát triển dữ liệu.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia cũng đã có các bài tham luận về khai thác dữ liệu và ứng dụng công nghệ AI cho đổi mới quản trị địa phương và cải cách hành chính ở cấp tỉnh; cơ chế thu hút nguồn nhân lực tri thức cao cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Hội thảo Chiến lược Dữ liệu cho Phát triển ứng dụng Trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy Chuyển đổi số Ninh Bình do Cục Chuyển đổi số quốc gia phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI) và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình tổ chức.