Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021 diễn ra chiều 6/11, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng việc giá nguyên liệu trên thế giới như xăng dầu, than… liên tục tăng mạnh sẽ khiến giá tiêu dùng trong nước tăng cao.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết các cơ quan quản lý đã có những giải pháp linh hoạt, hiệu quả để giảm áp lực của việc tăng giá thành. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trên thế giới tăng 59-76%, nhưng nhờ sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 40-53%.
Với giá điện, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ không tăng trong năm 2021. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá mặt hàng này trong thời gian tới như thế nào còn tùy thuộc vào tình hình thực tế trên thế giới và thị trường trong nước.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/11 (Ảnh: VGP) |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng 9 nhưng tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020 - đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ.
Trên cơ sở này, ông Đỗ Thắng Hải dự báo CPI cả năm 2021 sẽ vào khoảng 2%. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương cho rằng áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước phục hồi mạnh mẽ nhờ đạt được miễn dịch cộng đồng.
Để kiểm soát lạm phát và đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong bối cảnh giá nguyên liệu trên thế giới được dự báo tiếp tục tăng, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng các cơ quan quản lý cần nỗ lực đàm phán để có được nguồn nguyên liệu thô thông qua tăng cường hợp tác từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ký kết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, ổn định sản xuất, qua đó kiểm soát lạm phát và đảm bảo ảnh hưởng ít nhất đến đời sống của người dân.
5 giải phát trong chương trình phục hồi kinh tế
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nội dung cơ bản của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đề xuất 5 nhóm giải pháp trên cơ sở tham khảo các bài học kinh nghiệm của quốc tế, đặc biệt là thời kỳ suy thoái kinh tế giai đoạn 2009-2011.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: VGP) |
Nhóm giải pháp thứ nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế - xã hội được bình thường. Đây là giải pháp căn cơ, điều kiện cần để thực hiện các giải pháp khác.
Nhóm giải pháp thứ 2 liên quan đến an sinh xã hội, đây là vấn đề thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, phát triển hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đặc biệt là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nhóm giải pháp thứ 3 liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 thời gian qua để có cơ hội phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cũng như có các nguồn lực cần thiết để phục vụ cho chặng đường dài sắp tới.
Nhóm giải pháp thứ 4 mang tính dài hơi liên quan đến thúc đẩy đầu tư công, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, đầu tư công trung hạn, có đề xuất các điểm nhấn trong việc thúc đẩy đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Nhóm giải pháp thứ 5 mang tính chất quản lý, điều hành, đặc biệt hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro cũng như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Về nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có liên quan đến sử dụng nguồn lực như Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác để xây dựng cân đối nguồn lực hợp lý nhất. Chương trình đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền quyết định”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói./.