Qatar Al Jazeera - hãng thông tấn phổ biến trong thế giới Ả Rập - đã phân tích về thắng lợi của Việt Nam và thất bại của Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
VietTimes xin chuyển ngữ, dưới đây là phần hai của bài viết:
Sự tự tin của tướng Christine De Castries
7h20 ngày 20/11/1953, tại căn cứ Không quân ở Hà Nội, tiểu đoàn trưởng người Pháp “Bial” bắt đầu hành động. Mấy giờ sau, ông ta bắt đầu cho lính đổ bộ xuống cánh đồng Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn dù Pháp nhanh chóng chiếm được quyền kiểm soát đồng bằng trong trận đánh đầu tiên.
Sáng 25/11, đường băng cũ của sân bay Nhật Bản xây dựng từ Thế chiến hai được tái sử dụng, một cầu hàng không chở quân tiếp viện toàn diện được thiết lập tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong thung lũng rộng khoảng 6 km, dài 15 km, bao quanh là núi non, nằm ở độ cao 1.200 mét, có những ngọn đồi ở giữa tạo thành một hàng rào bình phong phòng thủ độc đáo với tầm nhìn rộng mở.
Bộ Tổng tham mưu quân Pháp dùng nó làm trung tâm phòng thủ, với một sân bay quan trọng ở giữa và các cứ điểm phòng ngự ở ngoại vi, được thiết kế để hỗ trợ lẫn nhau khi bị tấn công và được đặt bằng những cái tên của phụ nữ như "Isabelle", "Claudine" và "Elian", “Anne-Marie”...
Kế hoạch quân sự của người Pháp tưởng chừng thành công vì đối phương không thể vận chuyển hỏa pháo hạng nặng vào vùng núi trống trải. Ngay cả khi đối phương có bố trí được một số khẩu pháo một cách thần kỳ thì chỉ huy pháo binh của Pháp cũng có thể ngăn chặn ngay lập tức. Chỉ cần giữ được vận tải đường không, bộ binh Pháp tự tin đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương.
Tình báo Pháp cho thấy lực lượng đối phương đang hoạt động mạnh, dường như toàn bộ quân đội Việt Nam đang kéo đến Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu quân đội Việt Nam chuẩn bị mở cuộc tấn công quy mô lớn, còn tướng Pháp Christine De Castries đã sẵn sàng chờ đối phương tới để giao tranh.
Tập đoàn cứ điểm ẩn trong rừng núi
Điện Biên Phủ cách thủ đô Hà Nội 300 km, nằm giữa núi rừng, quân Pháp không thể đi bằng đường bộ tới được. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của hàng vạn dân công, Quân đội Việt Nam của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xây dựng được hàng trăm cây số đường bộ để xe đạp, xe tải quân sự nhập khẩu từ Liên Xô vận chuyển số lượng lớn vũ khí đạn dược tới.
Ngoài ra, tại các ngọn núi xung quanh Điện Biên Phủ, các chiến binh Việt Nam khiêng trên vai các bộ phận pháo hạng nặng của Trung Quốc đã được tháo dỡ, sau đó lắp đặt lại chúng trên các sườn đồi, đặt trong các hầm trú ẩn được ngụy trang cẩn thận và vươn tầm bắn tới sân bay của căn cứ Pháp.
Trên các điểm cao xung quanh, tướng Võ Nguyên Giáp triển khai hệ thống pháo phòng không, sẵn sàng bắn vào máy bay quân Pháp bất cứ lúc nào.
Trước trận chiến, các tướng quân đội Việt Nam có hơn 30.000 binh sĩ được trang bị các khẩu pháo lớn để cắt đứt nguồn cung cấp của địch bằng cách pháo kích các sân bay. Bộ Tổng tham mưu Pháp đã biết về những hành động này nhưng không thông báo cho các doanh trại nên chỉ huy cứ điểm Christine De Castries không hiểu đầy đủ về đối thủ và không thể thích ứng với các mối đe dọa đang thay đổi.
Cuộc tấn công dồn dập, cờ Pháp bị hạ
Đêm 13/3/1954, quân đội Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy bắt đầu tấn công dồn dập vào quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Hàng nghìn quả đạn pháo nã xuống cứ điểm, nhắm vào các binh sĩ tinh nhuệ và phá hủy các công sự, trận địa pháo binh của đối phương.
Bộ binh Việt Nam lần lượt tấn công các công sự của quân Pháp. Trong vòng vài giờ, cờ Pháp không còn bay trên pháo đài, các tiền đồn của Pháp đã bị đạn pháo phá hủy. Sau đó, số lượng lớn bộ binh Việt Nam ồ ạt tấn công và hệ thống phòng ngự của Pháp sụp đổ.
Tình thế lúc đó cho thấy quân Pháp sẽ thua trận này, và không còn máy bay nào có thể hạ cánh ở sân bay Điện Biên Phủ. Lựa chọn duy nhất của tướng De Castries là thả dù viện trợ quân sự. Chứng kiến sự kháng cự của đồng đội yếu dần, các phi công Pháp liều lĩnh đến giúp đỡ các binh sĩ dưới mặt đất.
Quân đội Pháp tiếp tục đưa quân tới tăng viện bằng những chiếc máy bay vẫn còn khả năng bay được. Họ biết rằng những phi công này có thể sẽ bị chết, đồng thời đưa ra những lời chiêu mộ lính tình nguyện ở Hà Nội. Nhưng hầu hết những người này chưa từng tham gia chiến đấu hoặc nhảy dù.
Có lẽ những người này cũng ý thức được rằng Pháp đã thua trận này và họ sẽ phải nhảy vào địa ngục. Họ không đến đó để bảo vệ nước Pháp, cũng không vì Đông Dương mà liều mình để cứu các chiến hữu.
Cuộc chiến vượt quá khả năng của Pháp
Người Pháp đã yêu cầu sự hỗ trợ của không quân Mỹ. Dù các hàng không mẫu hạm Mỹ đang có mặt trong khu vực nhưng các máy bay ném bom không rời khỏi khu chứa máy bay.
Trận chiến tiếp tục với nhịp độ như vậy trong 56 ngày cho đến khi một vụ nổ lớn dưới lòng đất phá hủy trung tâm chỉ huy Pháp lúc 16h ngày 7/5/1954. Tướng Christine De Castries thông báo qua vô tuyến điện rằng đối phương sắp công phá pháo đài trung tâm.
Đến lúc 17h30, lính Pháp trên toàn cứ điểm chấm dứt chiến đấu, kéo cờ trắng đầu hàng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn thất thủ.
Một vấn đề được đặt ra: nếu cố gắng hết sức liệu quân Pháp có thể giành được chiến thắng trong trận chiến đó hay không? Dường như rất khó. Để có thể giành thắng lợi, quân Pháp cần phải tạm dừng tất cả mọi hành động trên lãnh thổ Việt Nam và chuyển tất cả các lực lượng tới Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, trận chiến này không phải là một sai lầm chiến lược của Pháp, mà nó vượt quá mọi khả năng tác chiến mà người Pháp có thể vận dụng lúc đó.
Mặt khác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiến đấu để giải phóng Tổ quốc và đặt hết hy vọng vào trận chiến này. Tướng Võ Nguyên Giáp đã kêu gọi tất cả các đơn vị tác chiến quyết tâm chiến đấu.
Cuộc chiến giữa hổ và voi
Vào lúc cuộc giao tranh ác liệt nhất, quân Pháp tăng gấp đôi binh lực và khôi phục hoạt động ở một số khu vực trọng yếu, nhưng họ buộc phải rút lui và để mất các trận địa. Quân đội Việt Nam ngay lập tức lợi dụng điều này.
Cuộc chiến tranh này cũng không được hoan nghênh ở Pháp và kết thúc trong thất bại, và năm 1954, cụ thể là ngày 21/7, Hiệp định Geneva được ký kết, kết thúc cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp tại đây…
Ở Pháp, sự thất thủ của Điện Biên Phủ khiến người ta như trút được gánh nặng, cho thấy hầu hết mọi người đều cho rằng cuộc chiến tranh này là bất hợp pháp và vô đạo đức. Những người lính tham gia chiến dịch quân sự này khi trở về đất nước đã bị các nhà hoạt động phản đối chiến tranh phản ứng.
Về phía người Việt Nam, họ phải đối mặt với một đội quân được vũ trang mạnh mẽ nhưng đã tìm ra điểm yếu của đội quân đó. "Con hổ" đã đánh bại "con voi" khi quốc gia châu Á không mấy nổi bật đã đánh bại nước Pháp và giành được tự do...
Theo Chinese.aljazeera.net