Với 468 đại biểu đồng ý trong tổng số 477 đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong phiên họp ngày 22/6. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Tại lần sửa đổi này, Luật Giao dịch điện tử bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu, việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Nếu quy định trên triển khai thành công, việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp sẽ đơn giản hơn nhiều.
Người dân sẽ không cần phải mang chứng minh nhân dân/căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế hay bằng lái xe đi thực hiện thủ tục hành chính nữa, mà tất cả có thể tích hợp trên cùng một tấm thẻ, hoặc tích hợp trên điện thoại.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết chi tiết về những điều chỉnh trong luật liên quan việc quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung (Điều 40).
Ông Huy dẫn một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương có bao gồm cơ sở dữ liệu của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, cơ quan của Quốc hội, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hay không; trên cơ sở đó có quy định về việc quản lý cơ sở dữ liệu cho phù hợp.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương không bao gồm cơ sở dữ liệu của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, cơ quan của Quốc hội, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Các cơ quan, tổ chức này có thể xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu ngành để chia sẻ, kết nối, khai thác, sử dụng chung với các cơ quan nhà nước khác phù hợp với Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số được quy định tại Điều 42 dự thảo Luật.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và chỉnh lý luật theo hướng giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia với cơ sở dữ liệu của cơ quan khác của Nhà nước, trong đó có các cơ quan nêu trên để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với nguồn lực và yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong các ngành, lĩnh vực.
Về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chi tiết hơn dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu để tránh trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông với nhiệm vụ về chứng thực của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu quy định tại điều 32 của Luật là việc bảo đảm thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ mà không bị chỉnh sửa, xoá trên môi trường điện tử.
Trong khi đó pháp luật về chứng thực, công chứng hiện hành quy định các hoạt động chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký trong giấy tờ; chứng thực hợp đồng; công chứng, chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng trên môi trường thực.
Do đó, hai loại dịch vụ này là khác nhau và quy định trong dự thảo Luật về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến nội dung này sẽ không chồng lấn chức năng, nhiệm vụ với Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về hoạt động chứng thực - ông Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu tại phiên họp Quốc hội sáng nay.
SMS, OTP, chữ ký hình ảnh,... không là chữ ký điện tử
Có ý kiến đề nghị bổ sung các loại hình chữ ký điện tử khác ngoài chữ ký số mà đáp ứng đủ các điều kiện để bảo đảm chữ ký an toàn, giá trị pháp lý.
Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo dự thảo Luật, chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông tin trong thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu thì lúc đó mới được coi là chữ ký điện tử.
"Hiện nay, các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS),… không phải là chữ ký điện tử.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn triển khai nghiệp vụ trong ngành ngân hàng, hải quan, và nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, Luật đã quy định việc sử dụng các hình thức xác nhận này được thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan" - ông Lê Quang Huy cho biết./.