Thổ vồn vã Nga, "trở giáo" với Mỹ-NATO

VietTimes -- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vừa tuyên bố ông có chứng cứ chứng minh phương Tây đang hậu thuẫn cho IS. Trong khi, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thống nhất về việc ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đã tìm được tiếng nói chung trên nhiều vấn đề sau giai đoạn khủng hoảng quan hệ
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đã tìm được tiếng nói chung trên nhiều vấn đề sau giai đoạn khủng hoảng quan hệ

Ông Tayyip Erdogan khẳng định mình có các hình ảnh và video chứng minh các nước phương Tây đang hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân gồm cả IS, cũng như lực lượng người Kurd như YPG và PYD, những đối tượng đã thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công bạo lực vào Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua.

Lời tuyên bố trên được đưa ra khi ông Erdogan kêu gọi Mỹ dẫn độ kẻ thù chính trị của mình - giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội cầm đầu trong âm mưu cướp chính quyền vào tháng 7 vừa qua.

Ông Gulen từng là một đồng minh trước khi trở thành một kẻ thù, ông ta đã phủ nhận mọi lời buộc tội và Mỹ đã từ chối trả vị giáo sĩ này trở về Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 28/12, 29 cảnh sát đã bị đưa ra xét xử với tội danh không bảo vệ được tổng thống trong ngày diễn ra cuộc đảo chính. Phiên tòa diễn ra sau một cuộc đàn áp lớn với 41.000 người bị bắt, giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng  khẩn cấp.

Tuyên bố của ông Erdogan đã cho thấy vị lãnh đạo Hồi giáo này đang sử dụng mưu đồ đảo chính thất bại để dọn sạch phe đối lập trong nước và đưa ra một chương trình nghị sự thiên về Hồi giáo hơn. Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu chống lại IS ở Syria đang vấp phải sự kháng cự ngày càng tăng, dẫn đến việc rất nhiều binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ chết và bị thương.

Ông Erdogan ngày 28/12 đã công khai cáo buộc phương Tây đang ủng hộ cho các nhóm khủng bố, trong khi ông kêu gọi Qatar và Ả Rập Xê- út tham gia vào cuộc đàm phán với Nga về hòa bình ở Syria.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã trực tiếp can thiệp quân sự vào cuộc chiến Syria
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã trực tiếp can thiệp quân sự vào cuộc chiến Syria

Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê út và Qatar là những nước chính hậu thuẫn các nhóm phiến quân đang tìm cách lật đổ tổng thống Syria Bashar Assad, đồng minh thân cận của Matxcơva và Tehran.

Lời tuyên bố của ông Erdogan được đưa ra giữa lúc căng thẳng với Nga sau khi đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ  bị ám sát bởi một cảnh sát người Thổ ngay tại thủ đô Ankara.

Nhưng ông Erdogan cũng tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia nếu bất kỳ tổ chức khủng bố nào cũng được mời tham gia cùng. Ông đang muốn ám chỉ đến các nhóm người Kurd tại Syria đã liên kết với quân nổi dậy người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và bị Ankara xem là khủng bố.

“Phương Tây đã buộc tội chúng ta hậu thuẫn cho IS. Bây giờ họ lại đi hỗ trợ cho các nhóm khủng bố bao gồm cả IS, YPG và PYD. Điều này rất rõ ràng. Chúng ta đã xác nhận các bằng chứng với cả hình ảnh và video,” ông Erdogan khẳng định với báo giới tại cuộc họp báo ở Ankara.

Các sĩ quan cảnh sát bị buộc tội có liên quan đến cuộc đảo chính là những trường hợp đầu tiên bị đưa ra xét xử ở Istanbul, nhưng các vụ xử quy mô nhỏ liên quan đến những kẻ tình nghi liên quan đảo chính đã bắt đầu ở các tỉnh. 60 người đã tham gia xét xử ở thành phố phía tây nam Denizli. Nhưng buổi xét xử ở Istanbul, trong một tòa án khổng lồ bên ngoài nhà tù Silivri ở thành phố mới là buổi xét xử đáng chú ý nhất. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 248 người đã bị giết bởi âm mưu đảo chính.

Những kẻ bị buộc tội bị kết án âm mưu lật đổ chính phủ cũng như là thành viên của nhóm do nhà thuyết giáo Gulen cầm đầu. Trong số 29 cảnh sát tham gia xét xử, 21 người phải đối mặt với án chung thân và 8 người khác có thể bị kết án 7 đến 15 năm tù vì tội tham gia vào các nhóm khủng bố.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã dẹp tan cuộc đảo chính nhằm vào ông Erdogan
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã dẹp tan cuộc đảo chính nhằm vào ông Erdogan
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường, góp phần lật ngược tình thế cuộc đảo chính hồi tháng 7/2016
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường, góp phần lật ngược tình thế cuộc đảo chính hồi tháng 7/2016 - Sự cố đã đảo ngược quan điểm của ông Erdogan đối với Nga và phương Tây

Ba phi công lái máy bay trực thăng cảnh sát đã bị buộc tội phớt lờ mệnh lệnh bảo vệ nơi cư trú ven biển của ông Erdogan ở Istanbul. Những người khác cũng bị cáo buộc là đã không báo cáo hoặc không hỗ trợ đồng nghiệp đối phó với cuộc đảo chính.

“Chúng ta sẽ đảm bảo kẻ có tội sẽ bị trừng phạt và phải chịu hình phạt nặng nhất có thể dưới khuôn khổ luật pháp,” luật sư Orhan Cagri Bekar đại diện cho các nạn nhân của cuộc đảo chính phát biểu.

Chủ tịch hiệp hội luật sư Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Sari cho biết các phiên xét xử sẽ có ảnh hưởng rộng lớn đến đất nước này. “Sẽ không còn một lực lượng nào dám can thiệp vào đất nước chúng ta và cố gây ra một cuộc đảo chính nữa. Đó là điều mà phiên tòa sẽ phải làm,” ông Sari tuyên bố.

Cuộc thanh trừng diễn ra hết sức tàn khốc và bộ nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 1.096 người bị nghi ngờ có liên hệ với giáo sĩ Gulen đã bị bắt giữ chỉ riêng trong tuần trước. Ông Erdogan cho rằng công chúng yêu cầu mạnh mẽ cho việc trừng phạt, thậm chí còn yêu cầu tái áp dụng hình phạt tử hình. Tuần trước ông còn tuyên bố rằng vụ ám sát đại sứ Nga là do một viên cảnh sát trung thành với Gulen ra tay.

Sau phiên xét xử đầu tiên ở Istanbul, một số buổi xét xử khác sẽ tiến hành vào 20/2 với 47 người bị nghi ngờ ám sát ông Erdogan trong một khu nghỉ dưỡng.

Tòa án ở Silivri có ảnh hưởng rất lớn đối với người Thổ Nhĩ Kỳ sau khi tòa án này diễn ra các phiên xét xử những kẻ tình nghi trong một âm mưu đảo chính được biết dưới tên Ergenekon vào năm 2013. Vụ đảo chính đó cũng do Gulen hỗ trợ và 275 cảnh sát, nhà báo, luật sư và học giả đã bị truy tố với cáo buộc lật đổ ông Erdogan.

Lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang chiến đấu ở Syria và IS mới đây đã đăng một video cảnh thiêu sống tàn bạo hai binh sĩ Thổ. Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus tuyên bố: “Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở trong tình trạng chiến tranh với IS”.

Bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik cho biết vẫn còn 3 lính Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang bị IS bắt giữ mà không đưa thông tin gì thêm.

Các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây đã buộc tội Ankara vì đã nhắm mắt làm ngơ trước sự phát triển của IS. Lời cáo buộc này đã bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ mạnh mẽ và Ankara cũng đã liệt IS vào danh sách khủng bố kể từ năm 2013.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria mang tên Lá chắn Euphrates đã trở thành một vấn đề nhạy cảm và việc chính phủ muốn đảm bảo nhận được sự ủng hộ của công chúng bởi con số thương vong ngày càng tăng.

37 lính Thổ đã chết trong chiến dịch quân sự khi giao chiến với IS. Trong khi đó, ngày 28/12, các phương tiện truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chính phủ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng thuận với các điều khoản ngừng bắn trên toàn quốc ở Syria.

Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có dấu hiệu xích lại gần hơn. Thậm chí, không quân Nga đã lần đầu tiên không kích phiến quân IS để yểm trợ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria.