Thổ Nhĩ Kỳ tập trung binh lực lớn trên biên giới Syria, điều gì sẽ xảy ra?

VietTimes-- Thổ Nhĩ Kỳ tập trung một cụm binh lực tương đối lớn ở biên giới với Syria, thể hiện khả năng can thiệp tiềm năng vào chiến trường chống khủng bố của đất nước này. Hãng tin Mặt trận Phía Nam đăng tải video cho thấy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng cho hành động quân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ tập trung binh lực lớn trên biên giới Syria, điều gì sẽ xảy ra?
Trang South Front (Mặt trận Phía Nam) phân tích khả năng quân đội Thổ Nhĩ Kỳcan thiệp vào chiến trường Syria.
 Cán cân lực lượng ở miền Bắc Syria thay đổi với tốc độ chóng mặt. Quân đội Syria và lực lượng vũ trang địa phương được sự yểm trợ của Không quân Nga đã cắt đứt nguồn tiếp vận vũ khí trang bị, hậu cần kỹ thuật chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ, bao vây chặt lực lượng Hồi giáo cực đoan tại thành phố Aleppo.

Thực tế này bắt nguồn từ những kết quả không kích của Không quân Nga đã triệt tiêu nguồn tài chính của IS và lực lượng Hồi giáo cực đoan từ năm 2015. Điều này cho thấy, những sự kiện diễn ra trên chiến trường có thể dẫn đến sự sụp đổ của các lực lượng nổi dậy Hồi giáo ở Syria. Cũng có nghĩa là chương trình của các thế lực nước ngoài quan tâm nhằm lật đổ chính quyền Assad phá sản hoàn toàn.

Tình thế hiện nay đã rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành địa bàn cho các thế lực khác nhau trên thế giới cung cấp những nguy cơ đe dọa bằng phong trào cực đoan ở Trung Đông, thành một phần quan trọng trong mạng lưới cung cấp cơ sở vật chất, cho phép các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria có thể buôn lậu vật chất chiến tranh, vũ khí trang bị và quân tiếp viện.

Những thành viên trong giới tinh hoa Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ kinh doanh tốt thông qua buôn lậu dầu ăn cướp với các lực lượng Hồi giáo cực đoan Syria và Iraq. Người ta có thể thấy tham vọng lớn về một đế chế vĩ đại của ông Erdogan ở Trung Đông, đóng  vai trò quan trọng trong cuộc xung đột. Tổng thống  Erdogan tin rằng sự sụp đổ của Syria sẽ tạo điều kiện cho Ankara thiết lập chính quyền được bảo hộ hoặc thậm chí giành được phần phía bắc của đất nước Ả Rập này.

Sự thành công của các lực lượng chống khủng bố ở Syria đã phá hủy hy vọng thực hiện kế hoạch đế chế Ottoma. Đứng trước tình hình lực lượng then chốt – Lữ đoàn duyên hải số 2 của người Turkmen thuộc nhóm Quân đội Tự do Syria FSA và các lực lượng Hồi giáo cực đoan khác được bảo trợ có thể bị tiêu diệt, chế độ ông Erdogan có vẻ như sẵn sàng cho một hành động can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria với tuyên bố chống IS và bảo vệ người Turkmen Syria mà không cần bất kỳ sự uỷ quyền hợp pháp nào của quốc tế.

Các nhà quan sát xác nhận một lực lượng quân sự khá lớn của Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung ở vùng biên giới với Syria. Hơn nữa, Nga đã cung cấp video chứng minh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành hàng loạt các vụ pháo kích qua biên giới vào các căn cứ của lực lượng vũ trang địa phương NDF, xâm phạm chủ quyền Syria.

Nhìn nhận từ góc độ chiến lược chiến dịch, với lực lượng lớn, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể tấn chiếm một phần vùng lãnh thổ Syria, tạo điều kiện cho việc hình thành vùng đệm dọc biên giới nhằm hỗ trợ lực lượng Hồi giáo cực đoan đang hoạt động trong đất nước Syria. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Damascus hoàn toàn có thể tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc xâm lược vào đất nước mình.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với phản ứng của nhà nước Syria, đến thời điểm này vẫn chưa có những động thái nóng đáp trả những hành vi có tính đe dọa chủ quyền này.

Điểm quan trọng theo chốt trong tình hình hiện nay là lực lượng quân sự Nga đang có mặt ở Syria và sự cố Su-24 do không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Điều này cho phép các hệ thống phòng không mặt đất và phòng không hải quân Nga, các máy bay tiêm kích Nga có đủ khả năng vô hiệu hóa lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tình huống đó chính quyền Syria có thể giương cao khẩu hiệu chống xâm lược và khủng bố, đoàn kết dân tộc và triển khai một mặt trận thống nhất chống lại lực lượng can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng không quân chiến lược tầm xa của Nga và tên lửa chiến lược có thể sẽ gia tăng mật độ tập kích vào trận địa của lực lượng Hồi giáo cực đoan, bất kể là có sát đến lực lượng bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Việc gia tăng hỏa lực không kích sẽ tạo điều kiện cho các lực lượng chống khủng bố thực hiện một cuộc phản công hủy diệt không chỉ là khủng bố mà cả lực lượng bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ.

Tình trạng này dẫn đến 2 kịch bản chính:

Kịch bản 1: Nếu Quân đội Syria và các lực lượng dân quân tình nguyện, sự hỗ trợ của Iran và Nga không thể nhanh chóng đẩy lùi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khỏi lãnh thổ Syria, chính quyền ông Erdogan sẽ buộc phải tăng cường lực lượng quân sự tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và lôi kéo sự hỗ trợ tình báo cũng như lực lượng không quân NATO tham chiến.

Điều này có nghĩa là EU lao vào chiến tranh và trực tiếp đối đầu với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chiến đấu trên mặt trận Syria và mặt trận người Kurd ở chính đất nước mình. Xung đột dễ dàng dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Kịch bản 2. Nếu Quân đội Syria với  lực lượng vũ trang địa phương, quân tình nguyện Iran và không quân Nga đánh bật lực lượng can thiệp Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Syria. NATO sẽ phải đối mặt với thực tế rằng Syria đã giành được chiến thắng trước Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng khủng bố bị cắt hoàn toàn từ các nhà cung cấp tài trợ và chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Kịch bản này có thể ngăn chặn sự leo thang chiến tranh trên toàn cầu.

Các nước NATO sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Iraq và biến Iraq trở thành địa bàn chống phá Syria. Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại Ukraine và Trung Á vì bất ổn tại các khu vực này sẽ được sử dụng để tấn công đồng minh chính của Syria: Nga và Iran.

Nhưng kịch bản này rất tồi tệ đối với EU, NATO sẽ thực sự sa lầy ở Iraq, tổn thất binh lực, kinh tế và tất nhiên không thiếu được các cuộc tấn công khủng bố trên toàn châu Âu và nội chiến ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cả hai kịch bản đều có kết cục xấu đối với Thổ Nhĩ Kỳ và trực tiếp chính quyền ông Erdogan, các nhà quan sát hy vọng rằng, Ankara đang thực hiện một hành động nghi binh để củng cố tinh thần của các nhóm Hồi giáo cực đoan nhưng không liều lĩnh đến mức mang lửa về đốt chính đền nhà.

Tác giả Paul Antonopoulos. Phó Tiến sĩ Chính trị với luận án về "Cạnh tranh địa chính trị Ả rập Xê ut - Iran trong chiến tranh ở Syria." Nguồn: Báo Al-Masdarnews

TTB