Chiến dịch Cành Oliu của Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác gì một cuộc tấn công vào các lực lượng liên minh với Mỹ, nói cách khác là một cuộc tấn công vào Mỹ. Chiến dịch này chính là hệ quả của việc xung đột lợi ích giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vì mục đích của “Cành Oliu” là khuấy động cách Mỹ kết thúc cuộc nội chiến Syria.
Cách nước Mỹ kết thúc cuộc nội chiến ở Syria sẽ đem lại một đất nước chia rẽ giữa chế độ Syria và người Kurd. Tuy nhiên đây lại chẳng khác gì một cơn ác mộng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, khi trong 5 năm qua, tất cả những gì nước này làm (từ hỗ trợ cho IS đến bắt tay với Nga) chỉ là nhằm bóp nghẹt lực lượng dân quân người Kurd và ngăn chặn sự hình thành một nhà nước Kurdistan ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nói cách khác, trái ngược với hy vọng của phương Tây, cả Nga và Syria đều không phải là mục tiêu của chiến dịch can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, vì nước này chỉ nhằm ngăn chặn các mục tiêu mà Mỹ mong muốn thực hiện.
Chiến dịch Cành Oliu sẽ không phá hoại liên minh Nga- Thổ
Dù xâm chiếm Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng không sợ sẽ phá hoại liên minh bốn bên bao gồm Nga, Thổ, Syria và Iran. Cho dù cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ kiểm soát một phần Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không có hứng thú với việc biến Afrin thành lãnh thổ của mình hay định thiết lập sự kiểm soát quân sự trực tiếp ở khu vực này.
Mặc dù truyền thông luôn đưa tin theo hướng chiến dịch Cành Oliu của Thổ là nhằm vào Nga vì Afrin nằm ở phía tây sông Euphrates, nơi Nga đã kiểm soát không phận kể từ khi đưa quân đến Syria vào năm 2015 để hỗ trợ chế độ Syria. Tuy nhiên, chiến dịch này không khiến liên minh Nga- Thổ rạn nứt mà đây sẽ là kết quả của việc thấu hiểu sâu sắc lẫn nhau giữa Ankara và Mátxcơva.
Rõ ràng chiến dịch này sẽ nhằm vào Mỹ hơn là vào Nga hay Syria. Afrin là cửa ngõ ở vùng núi Amanos, nơi lực lượng du kích người Kurd và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đụng độ nhiều lần. Và theo các nguồn tin thì lực lượng dân quân người Kurd hiện diện ở Afrin được Mỹ tài trợ một lượng lớn vũ khí kể từ năm 2016, bao gồm các bệ phóng tên lửa, súng cối 80 và 120mm, súng phóng lựu đạn MK19, tên lửa chống tăng BGM-71 TOW, phương tiện trinh sát, tên lửa phòng không FGM-148 Javelin,…
Rõ ràng, một trong số những mục đích đằng sau việc cung cấp vũ khí này là cho phép các lực lượng dân quân người Kurd thiết lập sự kiểm soát và hình thành chính phủ của họ. Và việc thành lập chính phủ như vậy sẽ tạo ra những bất lợi trực tiếp đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả Nga cũng đã phải cảnh báo về hệ quả của những bước đi này. Chỉ một vài ngày trước khi Thổ Nhĩ Kỳ khởi động Chiến dịch Cành Oliu, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã khẳng định “Sự thật là quân Mỹ đang can thiệp sâu vào việc tạo ra những chính phủ mới trên lãnh thổ Syria".
Do đó, nếu mục tiêu là ngăn chặn sự chia rẽ đất nước Syria thì Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria rõ ràng đang ở cùng một phe.
Bên cạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Thổ trong việc tổ chức thành công Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria tại Sochi vào ngày 29-30/1 - một bước cần thiết để ổn định Syria, một sự thật không thể bị bỏ qua là quân Thổ đang tiến vào Afrin, quân đội Syria đang tiến vào Idlib (nằm ở phía tây Afrin) và bao vây Latakia, nơi tập trung các căn cứ hải quân và không quân của Nga. Idlib còn là nơi Nga và Thổ đã cùng hợp tác với nhau để đánh IS và giải phóng tỉnh này vào tháng 10/2017.
Và, nếu tất cả mọi thứ diễn ra theo kế hoạch, nếu Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát được Afrin và quân đội Syria kiểm soát được Idlib thì mong muốn thành lập khu vực riêng của người Kurd của Mỹ sẽ là bất khả thi. Do đó dù có bị gán mác là vi phạm chủ quyền của Syria thì Chiến dịch Cành Oliu vẫn không phá vỡ được liên minh Nga, Thổ, Syria và Iran.
Mỹ đối phó ra sao?
Ít nhất đến thời điểm này thì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải tính đến nhân tố Mỹ. Sự dàn xếp bí mật giữa Nga và Thổ rõ ràng đang gây bất lợi cho Mỹ vì nó sẽ không chỉ ngăn chặn sự thành lập khu vực riêng của người Kurd mà còn đe dọa việc thành lập lực lượng an ninh biên giới gồm 30.000 lính Kurd.
Rất có thể Mỹ sẽ không còn động lực nào để tiếp tục can thiệp vào Syria. Và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thú nhận là “sẽ phải làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ”, chứng tỏ là Mỹ sẽ phải chờ đợi để giải quyết việc này.
Do đó, nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi với Thổ Nhĩ Kỳ thì nước này sẽ không ngần ngại gây sức ép cho Mỹ trong việc ngừng hỗ trợ cho người Kurd, nếu không Mỹ sẽ phải đối mặt với thất bại lớn trong kế hoạch duy trì sự hiện diện quân sự trực tiếp và gián tiếp ở phía bắc Syria.
Tia hy vọng duy nhất của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một thành viên NATO. NATO ủng hộ nỗi lo ngại về tự vệ của Thổ, đây là hệ quả của việc NATO lo lắng về một cuộc chiến tranh lạnh mới rất có thể sẽ diễn ra giữa khối này với Nga và Trung Quốc trong những năm tới. Cả Mỹ và NATO đều hiểu Thổ Nhĩ Kỳ cần thiết ra sao trong cuộc chiến này, và việc có được Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khó khăn gì, miễn là Mỹ thỏa thuận về việc ngừng hậu thuẫn cho người Kurd.
Tuy nhiên, cho đến bây giờ, điều nực cười nhất trong quan hệ Mỹ- Thổ là máy bay của cả hai nước đều cất cánh ở căn cứ Incirlik nhưng lại thực hiện những nhiệm vụ đối đầu nhau ở Syria. Và nếu Thổ Nhĩ Kỹ buộc Mỹ rời khỏi căn cứ này thì Mỹ sẽ mất thêm một căn cứ ở Trung Đông. Rõ ràng các lựa chọn đối với Mỹ đều không hề tốt đẹp, và vấn đề của Mỹ lúc này là chọn một cái đỡ tồi tệ hơn.