Thổ Nhĩ Kỳ có thể "sập bẫy" Mỹ khi bắn hạ Su-24 Nga

Ngày 30/11, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố cả ông và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ không xin lỗi Nga về việc chiến đấu cơ của nước này bắn hạ máy bay Su-24 của Nga vì đây là hành động "làm tròn bổn phận bảo vệ không phận".
Su-24 Nga bốc cháy khi trúng tên lửa tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ
Su-24 Nga bốc cháy khi trúng tên lửa tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ

Tuyên bố trên của ông Davutoglu được đưa ra trong bối cảnh Ankara đã có những nhượng bộ nhất định trước Moscow sau khi hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế và ngoại giao, cũng như thái độ hờ hững của Mỹ và NATO trước việc đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu sức ép rất lớn từ Nga. Theo chuyên gia Srdja Trifkovic, cựu giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Rockford, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gánh chịu hậu quả rất lớn từ hành động bột phát của mình, bắt nguồn từ "kế chia để trị" thâm sâu của bên thứ ba.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Francois Hollande ở Moscow hôm 27/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã thông báo trước với Mỹ về thời gian, địa điểm hoạt động của chiếc Su-24 không kích phiến quân tại biên giới Syria vào ngày 24/11, và "chúng tôi bị bắn trúng đúng tại địa điểm đó, thời gian đó", ông khẳng định.

Đó là căn cứ để ông Putin cho rằng việc chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 là "một hành động phục kích đã được lên kế hoạch từ trước". Bộ Quốc phòng Nga cũng công bố dữ liệu radar cho thấy hai chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ đã bay lòng vòng ở khu vực biên giới, như để chờ chiếc Su-24 bay ngang qua là khai hỏa tên lửa để bắn hạ.

Tổng thống Putin còn đưa ra một nhận định mà hầu hết các tờ báo Mỹ đều không đăng tải: "Hoặc là người Mỹ đã không kiểm soát được đồng minh của mình đang làm gì, hoặc là họ đã cung cấp những thông tin này cho đồng minh với những hàm ý không lẫn vào đâu được". Chính phủ Mỹ đã không chính thức lên tiếng bác bỏ cáo buộc này của ông Putin, theo chuyên gia Trifkovic.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế này nhận định rằng Mỹ sẽ không bao giờ công khai yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc máy bay của Nga. Tuy nhiên, việc trao thông tin chi tiết về đường bay của chiếc Su-24 cho Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động đầy "ẩn ý", trong khi vẫn có thể đứng ngoài trách nhiệm về vụ việc.

Ông Trifkovic cho rằng Mỹ nắm rất rõ tính cách quyết đoán của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, đặc biệt là trong bối cảnh Ankara đang cảm thấy ngày càng mất vị thế ở Trung Đông sau chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria. Thế nên, hành động trao thông tin của Mỹ chẳng khác nào một cái gật đầu ngầm đối với những hành động tiếp theo của ông Erdogan, mà Mỹ dễ dàng đoán trước được hậu quả của nó.

Mục đích của Mỹ khi thực hiện hành động này là thực hiện "kế ly gián", tạo ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, gây thiệt hại cho cả hai bên, và dần dần hướng hai quốc gia từng là đối tác, bằng hữu với nhau này vào thế đối đầu vĩnh viễn, theo chuyên gia Trikovic.

Đây chính là những gì mà chính quyền của cựu tổng thống George Bush thực hiện trong cuộc khủng hoảng ở Nam Ossetia năm 2008. Tổng thống Gruzia hồi đó là Mikhel Saakashvili không hề được Mỹ bật đèn xanh cho một chiến dịch quân sự ở Nam Ossetia, nhưng ông này cảm nhận được cái "gật đầu ngầm" để phát động cuộc tấn công vào tháng 8/2008.

Thế nhưng khi mọi việc diễn biến theo chiều hướng xấu đi, và Nga phát động đợt phản công tiến vào lãnh thổ Gruzia chỉ sau một thời gian ngắn giao tranh, Mỹ đã ngó lơ, đẩy ông Saakashvili vào tình thế "sống chết mặc bay". Kết quả là Nga đã công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia, trong khi ông Saakashvili mất chức sau cuộc bầu cử năm 2012 và hiện bị chính phủ mới ở Gruzia truy nã với một loạt tội danh hình sự. Ông Saakashvili phải trả giá cho sai lầm của mình, nhưng quan hệ giữa Nga và Gruzia vẫn căng thẳng cho đến ngày nay.

Bỏ rơi

Sau khi bắn hạ chiếc Su-24 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã lập tức liên hệ với các thành viên NATO để thông báo về vụ việc, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ về chính trị và ngoại giao từ các đồng minh. Ankara cũng gửi một văn bản lên Liên Hợp Quốc, khẳng định nước này đã bắn rơi Su-24 Nga xâm phạm không phận trong 17 giây.

Thế nhưng Nga đã lập tức đưa ra các bằng chứng cho thấy chiếc Su-24 không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí còn tố ngược lại rằng F-16 Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến qua biên giới Syria để phóng tên lửa vào máy bay Nga. Trước sức ép của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ trưng ra một hình ảnh radar cho thấy chiếc Su-24 đã băng qua một mỏm đất rộng khoảng 2,5 km của nước này để giải thích cho hành động bắn hạ của mình.

Ngay lập tức, giới chuyên gia hàng không và quân sự thế giới đã lên tiếng phản bác, cho rằng một chiến đấu cơ siêu âm như Su-24 không thể bay quãng đường 2,5 km trong tận 17 giây được, và nếu có, quãng thời gian quá ngắn này cũng không đủ cho F-16 lấy đường ngắm, khóa mục tiêu để phóng tên lửa. Tình thế ngày càng trở nên bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, và lý do "bảo vệ không phận" không còn được nhiều người chấp nhận, theo ông Trifkovic.

Chỉ một ngày sau đó, Reuters dẫn lời một quan chức quân đội Mỹ giấu tên cho hay căn cứ vào các bức ảnh nhiệt, ông này tin rằng chiếc máy bay Nga bị trúng tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ trong không phận của Syria, sau khi băng qua vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian ngắn. Điều này chứng tỏ tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ đã phát nổ trong không phận Syria, một hành động xâm phạm lãnh thổ nghiêm trọng theo luật pháp quốc tế.

Dường như tuyên bố này vẫn chưa đủ gây bất lợi cho những luận điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, tướng Tom McInerney, cựu tư lệnh Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD), cho rằng hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ là "hiếu chiến quá mức" và "được lên kế hoạch từ trước".

Ngay sau đó, Nga đã có những phản ứng được giới phân tích đánh giá là "đúng mực và khôn khéo", khi ngừng dự án xây dựng đường ống khí đốt Turkish Stream đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, chấm dứt hoạt động du lịch tới nước này, và hạn chế nông sản có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sự cố trên càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ đánh mất ảnh hưởng của mình ở Trung Đông và vùng Balkan vào tay Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: NPR

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: NPR

Theo chuyên gia Trifkovic, sau khi trúng "kế ly gián" này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngày càng phải phụ thuộc vào Mỹ để chống lại những sức ép từ phía Nga. Trên chiến trường Syria, Ankara có thể sẽ tăng cường hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các hoạt động phát hoại chống lại lợi ích của Nga.

Trong bối cảnh đó, nếu Nga phản công bằng cách trang bị vũ khí cho người Kurd ở Syria để chống lại ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẽ tiếp tục lún sâu vào cái bẫy đã giăng ra và lâm vào thế đối đầu vĩnh viễn với Thổ Nhĩ Kỳ.

"Có vẻ như kế sách chia để trị trong vụ bắn rơi Su-24 này đã được thực hiện khá tốt. Điều bi kịch là trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào thế đối đầu, kẻ đang khoanh tay mỉm cười lại là phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS)", chuyên gia Trifkovic nhấn mạnh.

Theo Vne