Thiết giáp BTR-87: Gợi ý hay cho Việt Nam từ Syria

VietTimes -- Xe thiết giáp mới nhất của Nga BTR-87 được trang bị hỏa lực mạnh hơn hẳn với các loại xe bọc thép bánh hơi Nga. BTR – 87 khi tăng cường tên lửa chống tăng "Cornet" có khả năng tiêu diệt từ xa những xe tăng hiện đại nhất trong quân đội của các cường quốc trên thế giới.
Xe thiết giáp BTR - 87 với tên lửa chống tăng có điều khiển "Cornets"
Xe thiết giáp BTR - 87 với tên lửa chống tăng có điều khiển "Cornets"

Vũ khí có điều khiển trên các xe thiết giáp đổ bộ hạng nhẹ xuất hiện vào những năm 1960. Liên Xô là quốc gia đi đầu trong ứng dụng các loại vũ khí diệt tăng và bộ binh có điều khiển, năm 1966 Liên Xô sản xuất hàng loạt các xe chiến đấu BMP-1 với tổ hợp tên lửa diệt tăng Malyutka. Nhưng các nhà thiết kế thiết giáp ở Liên Xô và các cường quốc phương Tây, vẫn không đưa các tổ hợp phóng tên lửa chống tăng ATGM lên các xe thiết giáp đổ bộ. Duy nhất có trường hợp ngoại lệ, khi còn tồn tại Hiệp ước Warsaw, xe thiết giáp Ba Lan SKOT-2AR được trang bị tên lửa chống tăng Malyutka  9M14M, nhưng ý tưởng phát triển lên đã bị các nhà chính trị và sự sụp đổ của Liên Xô phá hủy hoàn toàn.

Tại nước Nga hiện đại ngày nay, xe thiết giáp đầu tiên có thể trở thành phương tiện hỏa lực diệt tăng là xe thiết giáp BTR-90 với khoang chiến đấu từ xe BMP-2. Ban đầu, chiếc thiết giáp độc đáo này được trang bị tên lửa ATGM "Concurs-M". Sau đó chiếc xe BTR -90 "Rostok" được lắp đặt tên lửa chống tăng hiện đại nhất - "Cornet". BTR – 90 được Bộ quốc phòng Nga chấp nhận nhưng có thể do thiếu kinh phí hoặc vì một lý do nào khác, không được sản xuất và biên chế hàng loạt.

Tên lửa chống tăng "Cornet" cũng được biên chế cho xe thiết giáp K-17 "Boomerang"là một chiếc xe bộ binh chiến đấu.

Nhưng một xe  thiết giáp cơ sở căn bản, BTR-87 là sự phát triển và hiện đại hóa sâu của các xe thiết giáp BTR-80 và BTR-82, được biên chế cho nhiều quân đội của các quốc gia trên thế giới. Sự khác biệt chính của xe là khoang động lực – ly hợp – bộ phận truyền chuyển động nằm ở phía đầu xe và lối thoát của bộ binh phía đuôi xe  .

Xe có vũ khí chủ lực là pháo tự động 30 mm cùng súng máy song song PKTM 7,62 mm. Tăng cường thêm tên lửa diệt tăng "Cornet" với đầu đạn tandem có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu tăng thiết giáp và điểm chốt hỏa lực trên khoảng cách 5.500 m (phiên bản mới của tên lửa chống tăng ATGM có thể tiêu diệt mục tiêu trên khoảng cách đến gần 10 km).

Xe thiết giáp này có khối lượng chiến đấu nặng 16,5 tấn, động cơ khoảng 312 mã lực. Tốc độ tối đa trên đường cao tốc là 90 km/h. Tốc độ bơi khoảng từ  12-14 km/h. Dự trữ hành trình - 800 km. Xe mang theo 10 binh sĩ vũ trang đầy đủ.

Kinh nghiệm chiến trường Syria cho thấy, vũ khí tên lửa diệt tăng có điều khiển ATGM đóng vai trò vô cùng quan trọng trên chiến trường, ngang hàng với pháo binh hạng nặng và chỉ đứng sau vũ khí đường không có điều khiển. Vũ khí diệt tăng ATGM không đơn thuần chỉ có tiêu diệt xe tăng mà có thể tấn công mọi mục tiêu, gây tổn thất lớn cho đối phương trên khoảng cách ngoài tầm với của vũ khí bắn thẳng.

Tên lửa chống tăng trên xe thiết giáp BTR sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tác chiến đường phố, có thể tiêu diệt các mục tiêu phòng ngự vững chắc, các hỏa điểm nguy hiểm và các cụm bộ binh đối phương, mở đường đổ bộ cho bộ binh hoặc liên kết phối hợp với tăng thiết giáp tấn công đối phương trong địa hình đô thị. Tên lửa chống tăng có điều khiển hiện đại có thể được trang bị cả cho tháp pháo của xe thiết giáp BTR – 60PB hoặc PT – 76, hiện đang có trong trang bị của quân đội Việt Nam, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu trong chiến tranh chống bạo loạn, lật đổ. 

Xe thiết giáp hiện đại hóa sâu BTR - 87 trong Triển lãm Army 2017. Video VPK News