Thiên nhiên kỳ thú: Phượng hoàng lửa giữa hoàng hôn Tây Hồ

VietTimes -- Lần đầu tiên trên bầu trời Hà Nội, trong dáng chiều Hồ Tây, những đám mây màu vàng đã tạo nên bức tranh kỳ ảo như một chú phượng hoàng lửa đang sải cánh đẹp tuyệt mỹ, xa xa, tựa như có một con rồng vàng đang tiến tới…
Hiện tượng kỳ thú trong ráng chiều hoàng hôn Tây Hồ, Hà Nội với hình ảnh một chú phượng hoàng lửa đang sải cánh.
Hiện tượng kỳ thú trong ráng chiều hoàng hôn Tây Hồ, Hà Nội với hình ảnh một chú phượng hoàng lửa đang sải cánh.

Vào 18h34 ngày 16/5 vừa qua, tại bậc tam cấp ven Hồ Tây, cạnh chùa Trấn Quốc, đường Cổ Ngư vào thời khắc hoàng hôn những đám mây ráng vàng trên bầu trời Hồ Tây đã tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ khiến người ta ngắm nhìn sẽ liên tưởng tới hình ảnh một chú chim Phượng Hoàng Lửa đang sải cánh.

Hình ảnh qua điện thoại di động ghi lại được cho thấy những ráng mây vàng tạo thành mắt, sải cánh và cả phần danh giới giáp giữa cánh và thân của chú phượng hoàng lửa như một bức tranh do họa sĩ gió tạo nên một cách tài tình như thật.

Hình ảnh diễn ra chỉ trong khoảng 3 phút: ban đầu là những áng mây vàng điểm quanh khu vực với một dải mây vàng phía dưới như tạo thành thân hình. Sau đó, những dải mây tạo nên cánh bắt đầu cùng xuất hiện. Rồi từ dải mây vàng đậm của thân bắt đầu lan tỏa và tạo ra hình của mắt, của những dải mây nối liền thân với những dải mây tạo nên cánh phía bên trên. Nhiều bạn trẻ ở đó cũng chụp hình và có bạn thốt lên: "Nom như phượng hoàng lửa".

Đây thực sự là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú lần đầu xuất hiện trên bầu trời thủ đô Hà Nội, Việt Nam. 

Trước đó, vào năm 2015, anh Lê Thái Bình, chủ nhiệm câu lạc bộ Thiền Việt cùng các bạn trẻ trong câu lạc bộ đã ghi lại hình ảnh một chú chim lửa được tạo ra từ đám cháy của một… bát hương tại chùa Trấn Quốc dịp 30/04 cũng đã gây xôn xao cộng đồng mạng.

Hình ảnh Phượng Hoàng lửa tại chùa Trấn Quốc năm 2015.
Hình ảnh Phượng Hoàng lửa tại chùa Trấn Quốc năm 2015.

Những hình ảnh thiên nhiên kỳ thú tạo nên hình ảnh chú phượng hoàng lửa lần lượt được ghi nhận tại bầu trời Bắc Kinh, Trung Quốc cũng vào một buổi chiều hoàng hôn 23/12/2015 do các bạn trẻ ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội.

Tại Bắc Carolina Mỹ, năm 2016 nhà khí tượng học Justin Lock cũng đã ghi lại được hình ảnh một chú phượng hoàng lửa đa sắc được tạo ra từ những đám mây tầng cao và hiện tượng này được gọi theo thuật từ khí tượng là cầu vồng lửa. Cầu vồng lửa hình phượng hoàng lửa đa sắc  này đã kéo dài cả một giờ đồng hồ.

Vào năm 2016, trên bầu trời Bắc cực vào tháng 2, nhiếp ảnh gia Hegersen (Na- Uy) đã ghi lại được thời khắc cực quang biến thành hình chú chim phượng hoàng lửa đang sải cánh trên bầu trời về đêm.

Phượng Hoàng lửa trên bầu trời Mỹ
Phượng Hoàng lửa trên bầu trời Mỹ

Những hình ảnh ngẫu nhiên này mang tới cho chúng ta những cảm xúc thú vị và nhiều người cho rằng đó là điềm lành, báo hiệu những may mắn, thuận lợi tích cực cho sự phát triển.

Bởi phượng hoàng lửa cả ở phương Đông và phương Tây đều được coi là linh thú với những ý nghĩa tốt đẹp chỉ còn trong thần thoại hoặc chỉ có trong thế giới tâm linh siêu thực. Do vậy, sự xuất hiện trở lại qua bất kỳ hiện tượng tự nhiên nào đều mang tới sự thích thú đặc biệt với mỗi người có cơ hội quan sát.