Reuters dẫn số liệu của Hội nghị thương mại và việc làm Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc so với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu tăng từ mức 12,3% (năm 2014), lên 13,8% (năm 2015) - đây là tỷ trọng mà Mỹ từng đạt được năm 1968, kể từ đó không nước nào đạt được tỷ trọng này.
Trước đó, dư luận bên ngoài cho rằng chi phí lao động của Trung Quốc không ngừng gia tăng cộng với nhân dân tệ tăng giá gần 20% so với đô la Mỹ trong 10 năm qua sẽ khiến thị phần nước này bị lấy đi từ các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất công nghiệp trong những thập kỷ gần đây không những đã làm cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc mạnh mẽ mà còn cung cấp nền tảng cho doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất các sản phẩm có giá trị cao.
Nhưng trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh về dây chuyền sản xuất phức tạp hơn, các doanh nghiệp trong những ngành công nghiệp dư thừa sản lượng lâu dài, chẳng hạn như thép, tìm cách giải phóng hàng tồn. Ngành công nghiệp sản xuất thép đã trở thành nhân tố chính kích thích căng thẳng thương mại toàn cầu trong thời gian gần đây. Tuần này, Mỹ và 7 nước khác đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề nguồn cung thép dư thừa, xuất phát từ Trung Quốc.
Trong khi xuất khẩu của Trung Quốc mạnh mẽ, kim ngạch nhập khẩu năm 2015 của Trung Quốc lại giảm hơn 14%. Một số nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc đang triển khai chiến lược "thay thế nhập khẩu", dần dần đưa các thương hiệu nước ngoài ra khỏi thị trường trong nước.
Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 20-4 đã ban hành một loạt chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có hoạt động thương mại với nước ngoài vay tiền và tăng tỷ lệ hoàn thuế đối với các sản phẩm cơ điện xuất khẩu. Máy móc và thiết bị cơ khí đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc.
Các chính sách nói trên có thể không được chào đón bởi Mỹ. Ứng viên tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump đã kêu gọi áp đặt mức thuế 45% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo TBKTSG