Thêm một “đại gia” điện máy sắp bị thâu tóm?

Giới lãnh đạo doanh nghiệp điện máy đang bàn tán thông tin về một thương hiệu điện máy nữa sắp bị thâu tóm.
Theo giới kinh doanh, những năm tới đây, xu hướng mua bán, “thu gom” hoặc sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh điện máy tại Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Theo giới kinh doanh, những năm tới đây, xu hướng mua bán, “thu gom” hoặc sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh điện máy tại Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ.

Theo nguồn tin của báo chí, từ một số lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành cho biết, tên doanh nghiệp điện máy được mua bán và đối tác trong thương vụ này đã được xác định, tuy nhiên, do thương vụ vẫn đang trong quá trình triển khai, hoàn tất và là “chuyện nội bộ ngành” nên đề nghị không đề cập đến tên cụ thể từ các bên liên quan.

Ai trong “tầm ngắm”?


“Đó là một doanh nghiệp điện máy phía Bắc, tại Hà Nội. Tôi được biết, kế hoạch đàm phán mua bán gần như đã hoàn tất những bước cơ bản”, lãnh đạo một doanh nghiệp điện máy cho báo chíbiết.

Bản thân doanh nghiệp của ông và một số doanh nghiệp khác cũng đã được đối tác trong vụ mua bán trên đề cập mua cổ phần.

Theo tìm hiểu, nhà đầu tư trong thương vụ tới đây có thể là một nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực hoặc do chính một doanh nghiệp lớn điện máy trong nước đứng tên mua.

Khả năng quý III/2015 hoặc đầu quý IV, thông tin về vụ mua bán trên sẽ được các bên liên quan công bố. 

Hiện các doanh nghiệp điện máy tại Hà Nội gồm, HC, Trần Anh, Pico, Media Mart, TopCare (đã ngừng hoạt động toàn hệ thống từ cuối năm ngoái) và tân binh đầy tiềm năng vừa gia nhập thị trường là Vingroup với thương hiệu VinPro.

Từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian qua và phân tích từ giới kinh doanh, trong số trên, Trần Anh hiện là doanh nghiệp đại chúng và có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược lớn là Nojima (Nhật Bản); VinPro vừa gia nhập thị trường và đang bắt đầu xây dựng hệ thống, vì thế, hai hệ thống điện máy này được xem là không nằm trong danh sách “doanh nghiệp bị thâu tóm” trong thương vụ trên.

Với HC, hệ thống đang có quy mô và thị phần lớn nhất miền Bắc, đang có những bước đi khá mạnh mẽ, với nhiều siêu thị mới đang được mở, nên khả năng HC “bị thâu tóm” ở thời điểm hiện tại cũng khó xảy ra.

Hai “đại gia” còn lại có thị phần và quy mô nhỏ hơn là Media Mart và đặc biệt là Pico được nhìn nhận có nhiều khả năng nhất. 

Trong khi Media Mart thời gian qua vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống và mục tiêu của doanh nghiệp này trong năm 2015 là có được 25 siêu thị thì Pico lại khá im ắng và từ một hai năm nay gần như đã không mở thêm một siêu thị nào. 

Xu hướng mua bán, “thu gom”


2015 được xem là năm khởi đầu việc các nhà đầu tư có thể thành lập 100% vốn tại Việt Nam (theo cam kết WTO) trong lĩnh vực bán lẻ, trong đó điện máy được coi là một trong những lĩnh vực có nhiều tiềm năng nhất. 

Tuy nhiên, xu hướng thành lập, mở mới với 100% vốn ngoại chưa xảy ra, thay vào đó là chiến lược mua bán, “thu gom” các hệ thống điện máy có sẵn trong nước. 

Khởi đầu cho xu hướng trên là vụ tập đoàn Central Group của Thái Lan mua 49% cổ phần của Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, hồi đầu tháng 2/2015. 

Có sự “góp mặt” của Central Group, Nguyễn Kim đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cửa hàng điện máy lên hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2019 so với 20 cửa hàng hiện nay.

Theo giới kinh doanh điện máy, những năm tới đây, xu hướng mua bán, “thu gom” hoặc sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh điện máy tại Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ. Sau đó, thị trường sẽ định hình khoảng 3-4 thương hiệu mạnh và có vị trí cạnh tranh tương đương.

Theo VnEconomy