New York trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất ở Mỹ
Hiện nay, Mỹ là quốc gia có số người lây nhiễm cũng như chết do virus Sars-CoV-2 cao nhất thế giới. Tính đến ngày 2/4/2020, tổng số ca nhiễm virus Sars-CoV-2 là 244.320, tổng số ca tử vong là 5.897 và khoảng 90% người Mỹ đang phải cách ly ở nhà. Bộ quốc phòng Mỹ dự tính sẽ cung cấp 100.000 túi đựng thi thể cho các cơ quan y tế dân sự. Trong đó, thành phố New York-nơi Nga đưa hàng viện trợ tới, là nơi bị đại dịch Covid-19 hoành hành mạnh nhất do hệ thống y tế tại đây gần như không có khả năng đối phó với dịch bệnh. Trong đó, các bệnh viện thiếu nhân viên ý tế trầm trọng, buộc chính quyền thành phố phải huy động tất cả y bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên các trường y, nhưng vẫn không thể kịp chăm sóc hết các ca nhiễm virus Sars-CoV-2.
Cơ quan cứu trợ khẩn cấp 911 của Mỹ được thành lập sau vụ khủng bố 11/9/2001 đã phải hoạt động hết công suất trong 24/24 giờ nhưng vẫn không thể tiếp nhận hết số người có triệu chứng bị nhiễm virus Sars-CoV-2 xếp hàng dài hàng cây số. Các chuyên gia y tế buộc phải khuyên cáo họ trở về cách ly tại nhà và tự điều trị bằng thuốc hạ sốt thông thường paracetamon kết hợp với uống nước sinh tố, do bác sĩ gia đình cũng thiếu hụt nghiêm trọng. Vì thế, nước giải khát sinh tố như nước cam ở thành phố New York cũng trở nên khan hiếm do người dân truyền miệng nhau rằng vitamin C có tác dụng diệt virus Sars-CoV-2!
Số giường bệnh trong các bệnh viên ở Mỹ so với nhu cầu người nhiễm virus Sars-CoV-2 phải nhập viện chỉ là như là muối bỏ biển. Còn số bác sĩ làm nhiệm vụ cấp cứu và điều trị các ca nhiễm virus Sars-CoV-2 cũng như thiết bị y tế quá thiếu so với nhu cầu. Thậm chí, các bác sỹ phải dùng một máy thở cho 2 hoặc 3 bệnh nhân mà vẫn không đủ. Khẩu trang và găng tay lẽ ra chỉ dùng một lần trong một ca cấp cứu đã được các nhân viên y tế sử dụng nhiều lần trong nhiều ca. Đơn cử, tại bệnh viện Mount Sinai thiếu hụt nghiêm trọng vật dụng bảo vệ chống virus Sars-CoV-2, các bác sĩ và y tá được khuyến cáo đeo khẩu trang trong nhiều ca trực mà lẽ ra chỉ được dùng một lần. Còn trong thời gian giữa các ca trực, họ phải bảo quản khẩu trang đã dùng rồi trong túi giấy cá nhân mang theo bên người để dùng tiếp trong ca sau.
Các bộ xét nghiệm để phát hiện virus Sars-CoV-2 cũng quá thiếu nên chỉ được sử dụng trong cho ca bệnh đã ở trong trạng thái phải được chăm sóc khẩn cấp. Nhiều bệnh nhân đến phòng cấp cứu với triệu chứng sốt cao và ho vẫn không được kiểm tra virus Sars-CoV-2. Tại một bệnh viện ở New York có hai nhân viên y tế bị nhiễm virus Sars-CoV-2 nhưng các nhân viên còn lại cũng không được xét nghiệm để kiểm tra xem họ có bị nhiễm virus Sars-CoV-2 hay không do thiếu bộ thử virus.
Một bác sĩ khoa sản phụ của bệnh viện Mount Sinai nói với phóng viên báo New York Times rằng bà đã phải giúp một phụ nữ mang thai sinh con trong tình trạng bị nhiễm virus Sars-CoV-2. Bà tin chắc rằng, chính các y bác sĩ tại đây đã lây nhiễm virus cho những phụ nữ mang thai khác đến khám trong suốt thời gian bùng phát dịch vừa qua. Do đó, chính các bệnh viện ở New York đã trở thành những ổ dịch Covid-19 lây lan giữa các nhân viên y tế và giữa họ với các bệnh nhân.
Trong những ngày gần đây, tại bệnh viện Elmhurst ở quận Queens, bệnh nhân nhiễm virus Sars-CoV-2 bị tử vong ngay khi mới tới phòng cấp cứu mà chưa kịp đưa lên giường bệnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng nói về điều này tại một trong những cuộc họp báo: “Có những xác người bọc trong các túi ni lông và được đưa lên xe tải. Trước đây, qua TV, tôi biết chuyện này xảy ra ở một số quốc gia xa xôi, không phải ở nước ta. Còn giờ đây, đang xẩy ra ở bệnh viện Elmhurst”.
Bác sĩ trưởng của Bệnh viện Presbyterian ở New York phải thốt lên:“Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh với đại dịch. Trong hoàn cảnh đó, mọi người cũng phải tự chiến đấu với virus vì các bộ xét nghiệm virus Sars-CoV-2 chỉ đủ dành cho những người cần nhập viện khẩn cấp”.
Các nhân viên y tế khẩn trương dựng bệnh viện dã chiến tại công viên Trung tâm ở thành phố New York (Ảnh: AFP).
|
Để tránh thảm kịch này, các thành phố Los Angeles, Detroit, Chicago, New Orleans đã có kế hoạch hành động để tránh soán kỷ lục đáng buồn của New York về số nạn nhân thiệt mạng do virus Sars-CoV-2. Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ đã đưa ra dự báo, sẽ là may mắn cho đất nước nếu số người chết do đại dịch Covid-19 chỉ vào khoảng từ 100.000 đến 200.000!.
Lúc này, đại dịch Covid-19 đã trở thành một phần của cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống ở Mỹ. Trong đó, đã có tới hơn ba triệu người làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ trong một tuần, các công ty lớn tạm dừng sản xuất, trong đó bao gồm toàn bộ ngành công nghiệp ô tô, thị trường chứng khoán hỗn loạn. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải tuyên bố, nếu kinh tế Mỹ sụp đổ do đại dịch Covid-19 thì số người chết còn lớn hơn rất nhiều số bệnh nhân chết do nhiễm virus Sars-CoV-2.
Tuy nhiên, thảm họa kinh tế không thể hiện rõ ràng sự suy giảm hệ thống của siêu cường số 1 thế giới như thảm họa khủng khiếp tại các bệnh viện ở New York. Một y tá trong phòng chăm sóc đặc biệt tại phòng khám của một bệnh viện ở New York nói với các phóng viên: “Tôi không thể tin rằng tất cả những điều này đang xảy ra ở Hoa Kỳ. Thực sự, mọi thứ xảy ra khiến tôi nhớ đến cốt truyện của một bộ phim về thảm họa. Chỉ có điều, lúc này chúng ta đang thấy thảm họa ở ngay tại New York mà không phải là trong một bộ phim viễn tưởng”.
Các quân nhân Mỹ đã phải lên tiếng cầu cứu. Ngày 31/3/2020, Chỉ huy trưởng tàu sân bay của Mỹ USS Theodore Roosevelt, ông Brett Crozier, gửi thư tới Lầu Năm Góc cho biết, họ không thể ngăn chặn đà lây lan dịch Covid-19 trên con tàu chở hàng nghìn quân nhân. Bức thư có đoạn: “Chúng ta đang không tham chiến nên các thủy thủ không đáng phải chết. Dịch Covid-19 đang lây lan tăng tốc trên tàu. Chúng tôi đề nghị đưa gần hết toàn bộ thủy thủ đoàn lên bờ để thực hiện cách ly. Nếu không hành động ngay lúc này, chúng ta sẽ khó lòng bảo vệ được tài sản quý giá nhất của nước Mỹ”.
Tàu sân bay của Mỹ USS Theodore Roosevelt cũng trở thành ổ dịch Covid-19 (Ảnh: Reuters)
|
Phản ứng của Tổng thống Donald Trump
Sự trợ giúp của Nga hoàn toàn xuất phát từ mục đích nhân đạo. Giới phân tích đã ví đại dịch Covid-19 như là một cuộc đại chiến thế giới. Trước đây, trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, Mỹ và Nga đã từng là đồng minh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít. Hiện nay, đại dịch Covid-19 cũng đang tàn phá cả thế giới, trong đó có Mỹ và Nga.
Trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và có nguy cơ lan rộng ra toàn thế giới, Tổng thống Nga V.Putin đã từng đề xuất tổ chức cuộc gặp nguyên thủ 5 quốc gia thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để bàn thảo về cách thức hóa giải các nguy cơ an ninh toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý với đề xuất đó và cho biết ông sẵn sàng tổ chức cuộc gặp đó ở Washington nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc trong tháng 9/2020. Do đó, hành động nhân đạo của Nga là hoàn toàn có thể hiểu được khi cả 5 thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đều đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, trong đó Mỹ là bên bị tàn phá mạnh nhất.
Tuy nhiên, hành động nhân đạo của Nga lại diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga đang ở trong trạng thái một cuộc Chiến tranh lạnh mới, còn trong nội bộ Mỹ cũng đang diễn ra cuộc đấu tranh chính trị gay gắt giữa Tổng thống Donald Trump và các lực lượng đối lập trong Đảng Dân chủ. Thậm chí, Đảng Dân chủ còn nhân đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ để cáo buộc Tổng thống Donald Trump bất lực trong điều hành đất nước nhằm khiến ông thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm 2020.
Nếu Tổng thống Donald Trump quá hào hứng tiếp nhận hàng viện trợ từ Moscow và đánh giá cao ý nghĩa của hành động này của Nga, các lực lượng đối lập sẵn sàng cáo buộc ông “thông đồng với Nga”. Do đó, khi được hỏi về phản ứng thế nào trước thông tin máy bay của Nga chở hàng viện trợ nhân đạo hạ đã cánh xuống New York, Tổng thống Donald Trump nói: “Đây là cử chỉ đẹp của Tổng thống Putin. Tôi đã có thể nói “không đáng phải cảm ơn”, hoặc “cảm ơn”, nhưng tôi nói “tiếp nhận”. Ông Donald Trump cho biết thêm, đây là đề xuất rất thiện chí của Tổng thống Putin và giải thích rằng “Nga đã chuyển cho Mỹ những thiết bị y tế dồi dào của họ”.
Theo Phó Đại diện thường trực của Nga ở Liên hợp quốc Dmitry Polianxky, sau chuyến hàng y tế viện trợ này cho Mỹ, sắp tới có thể Nga sẽ tiếp tục gửi tiếp các chuyến hàng khác tới quốc gia này bởi họ đang rất cần trợ giúp vào lúc này. Khi được hỏi, liệu sắp tới có thêm chuyến hàng y tế mới nào nữa từ Nga hay không, Tổng thống Donald Trump trả lời: “Nhà lãnh đạo Nga Putin sẵn sàng cho hành động đó nếu phía Mỹ yêu cầu. Còn tôi sẵn sàng đón nhận vào bất cứ ngày nào”.