Thế giới sẽ không ham hố đồng tiền từ Trung Quốc mà bất chấp luật pháp quốc tế

VietTimes --  "Công lý có mắt", cộng đồng quốc tế sẽ không "mù lòa" trước các phát ngôn "cả vú lấp miệng em", cũng không đến nỗi ham hố "đồng tiền" của Trung Quốc mà bất chấp luật pháp quốc tế, đứng về phía Bắc Kinh.
Trung Quốc triển khai bất hợp pháp tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.
Trung Quốc triển khai bất hợp pháp tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.

Trang tin quân sự 81.cn Trung Quốc ngày 14/5 đăng bài bình luận cho rằng tàu khu trục USS William Lawrence Hải quân Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý của đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) lần này là lần thứ ba Mỹ tiến hành tuần tra ở Biển Đông. 

Dẫn tờ Nhật báo phố Wall Mỹ cho rằng, hành động lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động (bành trướng) ở Biển Đông và Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc chuẩn bị ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines. Việc lựa chọn vùng biển đá Chữ Thập để tuần tra là nhằm phát đi một thông điệp nhất định. 

Hoạt động quân sự phi pháp của TQ trên Biển Đông những ngày gần đây

Với việc Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ông Phạm Trường Long tiến hành đổ bộ bất hợp pháp lên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào tháng trước, hãng tin Reuters Anh dẫn lời một chuyên gia Singapore cho rằng “Đá Chữ Thập được cho là trung tâm hành động quân sự của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông sau này”.

Hành động tự do hàng hải lần này của tàu chiến Mỹ đã bị Trung Quốc sử dụng lực lượng quân sự "bao vây" hùng hổ, đông đảo nhất cho đến nay. 

Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, lực lượng đường không hải quân nước này đã cử 2 máy bay chiến đấu J-11, 1 máy bay cảnh báo sớm Y-8 đến vùng biển này để tiến hành cái gọi là "giám sát", trong khi đó tàu khu trục Quảng Châu, các tàu hộ vệ Miên Dương và Lâm Phần "tiến hành nhận dạng tàu chiến Mỹ và tìm cách xua đuổi". 

Hành động tự do hàng hải này của tàu chiến Mỹ bị Trung Quốc thổi phồng lên là tìm cách "làm loạn tình hình khu vực", trở thành "ngư ông đắc lợi", theo đó chứng minh là việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông (Trung Quốc gọi là xây dựng các công trình phòng thủ) là "hoàn toàn hợp lý, rất cần thiết". 

Do đó, Trung Quốc sẽ căn cứ vào "nhu cầu" (thích làm gì thì làm), gia tăng mức độ tuần tra trên biển, trên không, tăng cường xây dựng "các năng lực phòng vệ", để làm cái gọi là "kiên định bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, bảo vệ hòa bình và ổn định Biển Đông", bất chấp chủ quyền và an ninh của các nước khác ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Theo bài báo, trước khi tàu chiến Mỹ tuần tra vùng biển đá Chữ Thập, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành một đợt "tuần tra sẵn sàng chiến đấu" (bất hợp pháp) ở Biển Đông, điều này được cho là "Quân đội Trung Quốc có năng lực ứng phó với các sự kiện bất trắc ở Biển Đông". 

Bài báo thuật lại vụ các lực lượng quân sự của Hạm đội Nam Hải được điều động ra Biển Đông tổ chức tập trận đối kháng thực binh sẵn sàng chiến đấu một cách bất hợp pháp. Những lực lượng này bao gồm các tàu khu trục Hợp Phì, Lan Châu và Quảng Châu, các tàu hộ vệ Tam Á và Ngọc Lâm, tàu tiếp tế tổng hợp Hồng Trạch Hồ, cùng với 3 máy bay trực thăng và vài chục binh sĩ đặc nhiệm. 

Sau đó, lực lượng này thậm chí còn chia làm 3 nhóm để đến các vùng biển khác nhau như Biển Đông, Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương để tiến hành huấn luyện nhiều khoa mục khác nhau. Đặc biệt, các đơn vị thuộc PLA còn phối hợp với các lực lượng đồn trú phi pháp ở quần đảo Trường Sa, lực lượng đường không Hạm đội Nam Hải và lực lượng của Hạm đội Bắc Hải tổ chức tập trận. 

Răn đe, dọa nạt

Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trạm radar cao tần ở đá Châu Viên, quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trạm radar cao tần ở đá Châu Viên, quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Với khẩu khí của bài báo, cuộc tập trận này rõ ràng là để đối phó với khả năng các đảo đá Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp bị nước khác "tấn công", thực ra là để răn đe các đối thủ, tỏ ra là mình hành động "phòng thủ". 

Theo bài báo, nếu một cuộc chiến như vậy xảy ra, lực lượng đường không sẽ tham chiến đợt đầu, sau đó sẽ đến lượt các cuộc tấn công của tàu chiến và lực lượng đặc nhiệm. 

Thông qua cuộc tập trận này, Trung Quốc muốn phát đi tín hiệu với các nước, rằng Trung Quốc không thay đổi quyết tâm mà nước này tự gọi là "bảo vệ chủ quyền Biển Đông" - mà thực chất là ý đồ độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành "ao nhà" của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, mà trước hết là bất chấp kết quả vụ kiện Biển Đông của Philippines. 

Bài viết thừa nhận, sự can dự của Mỹ trong vấn đề Biển Đông đã khiến cho Trung Quốc đối mặt với "không ít rắc rối". Chuyên gia cho rằng, trong một tháng tới, một rắc rối chính của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ là vụ kiện Biển Đông. 

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng vừa tuyến bố rằng nếu Philippines hay Trung Quốc không tuân thủ kết quả phán quyết của tòa trọng tài, đây sẽ là "sự khởi đầu nguy hiểm". 

Đô đốc Harry Harris thậm chí tuyên bố, lực lượng của ông phải làm tốt chuẩn bị cho "khai chiến ngày đêm", "trong vấn đề Biển Đông, chúng ta cần chuẩn bị tốt, lấy vị trí có lợi để đón lấy tất cả các hậu quả". Điều này "bao gồm bãi cạn Scarborough, toàn bộ Biển Đông, hoặc một cuộc tấn công mạng nào đó". 

Theo bài báo, điều đáng chú ý là cuộc bầu cử ở Philippines có thể gây ảnh hưởng tinh tế đến vụ kiện trọng tài Biển Đông. Ông Rodrigo Duterte vừa đắc cử Tổng thống Philippines, có nhiều tuyên bố mâu thuẫn trong vấn đề Biển Đông, thậm chí có lúc nói rằng sẽ sẵn sàng “hội đàm” với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ.

Trung Quốc đã lập tức lên tiếng, muốn chính phủ khóa mới của Philippines đạt được đồng thuận với Bắc Kinh, “xử lý ổn thỏa” quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Philippines "phát triển lành mạnh". 

Theo bài viết, ảnh hưởng của vụ kiện Biển Đông lần này chủ yếu biểu hiện trên một số phương diện: “hiệu lực pháp lý” của "đường chín đoạn" do Trung Quốc vẽ bậy sẽ “bị thách thức”; trọng tài trở thành cách thức mới để các bên thách thức Trung Quốc ở Biển Đông; 

Mỹ sẽ tận dụng vụ kiện này, đẩy nhanh chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", tăng cường quan hệ đồng minh với Philippines, tái khởi động cơ chế đối thoại an ninh bốn bên Mỹ-Nhật-Úc-Ấn, tìm cách xây dựng "biên đội liên hợp trên biển đa quốc gia" châu Á-Thái Bình Dương; 

Mỹ còn đang chuẩn bị cho các hành động phối hợp sau vụ kiện, một khi công bố kết quả, rất có thể dẫn dắt dư luận phương Tây gia tăng gây sức ép với Trung Quốc, đồng thời khẳng định, mọi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong tương lai sẽ là chống lại trọng tài.

Bài viết cho rằng, mặc dù Trung Quốc đã không chấp nhận, không tham gia vụ kiện của Philippines, nhưng cuộc chiến này sẽ không thể tránh khỏi và không thể bỏ qua. Trung Quốc cần “coi nhẹ về chiến lược, coi trọng về chiến thuật”. Để bác bỏ trọng tài Biển Đông, Trung Quốc cần "tấn công toàn diện về pháp lý, dư luận, ngoại giao và quân sự".

Trước hết là tấn công về dư luận, Trung Quốc cần tích cực lên tiếng về vấn đề này, nói rõ "quyền lợi" không tham gia trọng tài của Trung Quốc, coi đó là hành vi "đúng luật"; bác bỏ những quan điểm của nước khác cho rằng không tham gia trọng tài là vi phạm các quy tắc quốc tế. 

Mỹ liên tiếp đứng về phía Philippines, tìm cách mở rộng vai trò ảnh hưởng của vụ kiện, nâng cấp hiệu lực của phán quyết. 

"Công lý có mắt"

Trung Quốc triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu J-11B ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.
Trung Quốc triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu J-11B ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam.

Mặc dù không có bất cứ chứng cứ nào thuyết phục, bài báo vẫn kêu gọi Trung Quốc tận dụng các "bằng chứng lịch sử", công lý quốc tế, nguyên tắc pháp lý để mổ xẻ cái "thiếu sót và lỗ hổng pháp lý" của phán quyết trọng tài. Điều này phù hợp với các tuyên bố gần đây của các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Bài viết nhận định, về khách quan thì Trung Quốc sẽ rất khó gây ảnh hưởng đến dư luận quốc tế do phương Tây chi phối, nhưng tự tin cho rằng có thể gây ảnh hưởng đến "quan điểm chính" của cộng đồng quốc tế.

Bài viết tự cho rằng có hơn 20 nước (các bài báo khác trong ngày 14/5 thì tự tin cho là khoảng 40 nước) bao gồm Nga, Ấn Độ, Lào, Pakistan v.v. ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. 

Cho dù có nước phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, ủng hộ đàm phán, nhưng các nước vẫn tuyên bố rằng ủng hộ luật pháp quốc tế. Philippines kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài quốc tế cũng phù hợp với luật pháp quốc tế, chứ không vi phạm gì như Trung Quốc tuyên truyền.

Bài viết còn cho rằng Trung Quốc cần giữ được "định lực chiến lược" kiên định. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khăng khăng ngang nhiên cho rằng “Phán quyết trọng tài sẽ không làm thay đổi (cái gọi là) sự thực và lịch sử Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông và vùng biển lân cận, sẽ không làm thay đổi (cái gọi là) ý chí và quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc, sẽ không làm thay đổi chính sách và lập trường của Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng đàm phán trực tiếp và cùng các nước trong khu vực bảo vệ hòa bình và ổn định Biển Đông". 

Cuối cùng, theo bài viết, Quân đội Trung Quốc cần gia tăng mức độ tuần tra và tập trận ở Biển Đông, đồng thời tăng cường triển khai quân sự ở các đảo đá trên Biển Đông. Bài viết cố tình đánh tráo khái niệm về chủ quyền và coi việc làm này của Trung Quốc không phải là "quân sự hóa". Việc làm này của Trung Quốc sẽ tiến hành đến mức nào là tùy thuộc vào "mức độ đe dọa" (từ bên ngoài).

Như vậy, Trung Quốc nhất quán tiến hành bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự ở Biển Đông là một thực tế ở khu vực trong thời đại văn minh hiện nay. 

Nhưng cho dù Trung Quốc có tuyên bố hay ho thế nào, có tìm cách phát huy hết công suất của bộ máy tuyên truyền đến đâu thì cũng không thể che đậy bản chất xâm lược, bành trướng, bá quyền của họ ở Biển Đông. 

"Công lý có mắt", cộng đồng quốc tế sẽ không "mù lòa" trước các phát ngôn "cả vú lấp miệng em", cũng không đến nỗi ham hố "đồng tiền" của Trung Quốc mà bất chấp luật pháp quốc tế, đứng về phía Bắc Kinh.