Theo Jordantimes, xe tải chở hàng và xe cứu thương đã từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria vào ngày chủ nhật (7/2) với lý do giúp đỡ hàng chục ngàn người chạy trốn chiến sự leo thang trên khu vực Aleppo, cũng như chạy trốn các cuộc không kích liên tục nhằm vào các làng trên trục đường nối biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các cuộc không kích, được cho là từ máy bay Nga, đã hủy diệt các làng phía bắc Aleppo, bao gồm Bashkoy, Haritan và Anadan, hai làng trong số này nằm gần đường sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Khu vực Aleppo và xung quanh – vốn là thành phố lớn nhất Syria trước chiến tranh – hiện có khoảng 350.000 người. Các nhân viên cứu trợ tại đây cho biết những người này “có thể sớm rơi vào tay quân chính phủ” – Jordantimes cho biết
Jordantimes dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trả lời tờ Hurriyet như sau:"Chế độ Assad đã cắt hành lang Bắc-Nam và cô lập một số khu vực của Aleppo... Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đe dọa”
Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng là nước người tị nạn Syria đi qua nhiều nhất, với khoảng hơn 2,5 triệu người. Tuy nhiên nước này đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Mỹ về đóng cửa biên giới với Syria, để ngăn chặn dòng người nhập cư sang châu Âu.
Tuy nhiên, tổng thống Erdogan cho biết, "nếu cần thiết, chúng tôi sẽ cho phép những người anh em được vào Thổ Nhĩ Kỳ".
Tại cửa khẩu Oncupinar đã bị đóng cửa trong gần một năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối cho nhập cảnh những người tị nạn mới. Họ được đưa vào các trại tị nạn lập trên lãnh thổ Syria, với lời cam kết bảo đảm an toàn từ phía… Thổ Nhĩ Kỳ.
Đại diện chính quyền địa phương của Oncupinar cho biết chỉ trong 48 giờ qua đã có hơn 35.000 người tới biên giới để chạy trốn chiến sự đang gia tăng. Tại đây, người tị nạn nhận được viện trợ và nơi trú ẩn mới từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi đang mở rộng những nỗ lực bên trong Syria để cung cấp chỗ ở, thực phẩm và trợ giúp y tế cho người dân. Chúng tôi đã thiết lập các trại khác" - một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thuộc tổ chức cứu trợ nhân đạo Foundation (IHH) nói với Reuters.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ giúp dân tị nạn và cũng giúp cả quân nổi dậy Syria ngay trên đất Syria. Một trại tị nạn nằm trên đường tới thành phố Azaz của Syria có cắm cờ của phe đối lập Quân đội Syria Tự do. Cư dân quanh đó đã di tản gần hết từ vài ngày nay, trong khu vực hiện chỉ còn các chiến binh nổi dậy của lực lượng này.
Kasim, 21 tuổi, một trong vài chục chiến binh nổi dậy bị thương đã được đưa qua cửa khẩu Oncupinar tới một bệnh viện ở thành phố Kilis, Thổ Nhĩ Kỳ để điều trị cho biết: "Tôi sẽ được (trang bị) tốt hơn và trở lại chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, để xem Bashar bị lật đổ".
Chiến trường Aleppo hiện chia làm thế “chân vạc”, với khu vực phía Tây Bắc do các lực lượng đối lập Syria và các nhóm người Kurd chiếm giữ, khu vực phía Đông Bắc thuộc vùng kiểm soát của các nhóm khủng bố IS, phần còn lại là khu vực của quân chính phủ Syria và đồng minh.
Chiếm lại Aleppo sẽ là chiến thắng chiến lược với chính phủ của tổng thống Assad, trong cuộc nội chiến đã giết chết ít nhất 250.000 người 5 năm qua, và đẩy 11 triệu người Syria phải rời bỏ nhà cửa.
Các đài quan sát trong khu vực cho biết, đụng độ quân sự ác liệt đang diễn ra, trong khi truyền thông nhà nước Syria cho biết quân chính phủ đã giành được một ngọn đồi chiến lược ở phía đông Aleppo từ IS.
Nhiều nước Trung Đông cho biết sẵn sàng gửi quân đến chống IS trên đất Syria. Ả Rập Saudi, UAE đều đã lên tiếng. Với Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Erdogan tuyên bố các lực lượng vũ trang của nước này “đã có đầy đủ thẩm quyền để chống lại bất kỳ mối đe dọa đối với an ninh quốc gia” – một tuyên bố để ngỏ khả năng trực tiếp đưa quân đội vào Syria.
Tuy nhiên, các thành viên NATO hiện vẫn khẳng định không có ý định không có ý định đơn phương đưa quân đội vào Syria. Ở chiều ngược lại Bộ trưởng Ngoại giao Syria tuyên bố phản đối bất kỳ sự hiện diện quân sự của nước ngoài nào nào không được phép của chính phủ trên đất Syrria. Ông gọi đó là xâm lược và cho biết, các lực lượng xâm lược sẽ về nhà "trong quan tài".