Thay đổi chiến lược của Mỹ: Giảm "đòn" quân sự, tăng "đòn" kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các biện pháp trừng phạt có mục tiêu kinh tế ngày càng trở thành một phần lớn hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Bloomberg)
Ảnh minh họa (Nguồn: Bloomberg)

Mỹ sở hữu quân đội mạnh nhất thế giới và một số loại vũ khí công nghệ cao thuộc hàng nguy hiểm nhất, bao gồm máy bay tàng hình và tên lửa có độ chính xác cao. Tuy nhiên, Washington ngày càng có xu hướng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế để đạt được các mục tiêu chiến lược của họ. Và đất nước này không còn hạn chế các mục tiêu của họ ở một số ít các nước như Cuba, Iran, Triều Tiên, Venezuela… mà rộng hơn nhiều.

“Hầu hết các nước đang bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đều được xem là không phải những bên tham gia thực sự quan trọng vào nền kinh tế thế giới,” Daniel Drezner, Giáo sư chuyên ngành chính trị quốc tế đến từ ĐH Tufts nói. “Nhưng điều đó rõ ràng đã thay đổi.”

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phản ứng trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc chiến ở Ukraine không chỉ bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev, mà cả quy tụ các đồng minh để chung tay trừng phạt chính phủ Nga. Họ cũng sử dụng vị thế của Mỹ - ở trung tâm tài chính toàn cầu – để cô lập Nga khỏi các thị trường vốn quan trọng và các mạng lưới giao dịch như SWIFT.

Đối với Trung Quốc, Mỹ cũng đang gây sức ép lớn trên nhiều mặt trận trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước liên quan tới vấn đề Đài Loan. Tuyên bố được đưa ra trong tháng này, trong đó đưa ra nhiều hạn chế đối với quyền tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ bán dẫn là một trong số hàng loạt các động thái tương tự nhằm vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mỹ cũng sửa đổi các đạo luật để gây khó dễ cho Trung Quốc khi làm ăn với các công ty nước ngoài, đe dọa sẽ loại các công ty Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ với lý do quan ngại về kiểm toán, và khiến cho các công ty như ByteDance Ltd, công ty mẹ của TikTok, làm ăn khó khăn hơn.

“Những yếu tố quyết định về sức mạnh trong vài thập kỷ tới sẽ ít liên quan tới đối đầu quân sự hơn,” Julia Friedlander, cựu cố vấn cho Bộ Tài chính Mỹ, nói. “Nó sẽ liên quan nhiều hơn tới quy định và sự hội nhập với các thị trường vốn, chuỗi cung ứng. Đây là những yếu tố hàng đầu trong quan hệ quốc tế.”

“Họng súng” kinh tế sẽ bổ sung cho sức mạnh cứng của nước Mỹ, điều cho thấy nhiều kết quả trái ngược trong vài thập kỷ gần đây. Vũ khí do Mỹ cung cấp đóng vai trò quan trọng trong các cuộc phản công của Ukraine mới đây, giúp đảo chiều cuộc chiến hiệu quả hơn so với các đòn trừng phạt nhằm vào Nga. Mặt khác, “vũng lầy” Afghanistan và Iraq đã cho thấy sự hạn chế của hành động quân sự. Bào mòn cả các nguồn lực và sự ủng hộ của công chúng, những cuộc chiến đó cho thấy sự cần thiết phải có các biện pháp bơm sức mạnh khác.

“Chúng ta đang ở giữa một cuộc cạnh tranh chiến lược để hình thành tương lai của trật tự quốc tế,” Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố vào ngày 12/10, đưa ra chiến lược an ninh quốc gia của mình. Chính quyền Biden nói rằng họ sẽ ưu tiên việc “duy trì ưu thế cạnh tranh bền vững” trước Trung Quốc và “chế ngự một nước Nga vẫn hết sức nguy hiểm.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden cầm trên tay một microchip trong lúc phát biểu, trước khi ký một sắc lệnh giải quyết vấn đề thiếu hụt chip toàn cầu trong tháng 2/2022 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden cầm trên tay một microchip trong lúc phát biểu, trước khi ký một sắc lệnh giải quyết vấn đề thiếu hụt chip toàn cầu trong tháng 2/2022 (Ảnh: Reuters)

Cuộc chiến này vẫn đang diễn ra một cách căng thẳng, đặc biệt là về chip máy tính. Các hạn chế mới mà chính quyền Biden đưa ra nhằm kìm hãm nỗ lực phát triển ngành công nghệ chip và sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển chip và phần lớn ngành công nghiệp chip phải dựa vào tài sản trí tuệ của Mỹ, nhưng từ lâu họ đã để mất thế dẫn đầu về sản xuất vào tay Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và nhiều khu vực khác. Giờ họ đang cố gắng giành lại vị thế, đồng ý chi hàng tỉ USD hỗ trợ để giúp đỡ các công ty sản xuất chip ở Mỹ. Điều kiện là, các công ty đó sau này không thể sản xuất những mẫu chip bán dẫn nhỏ nhất, hiện đại nhất ở Trung Quốc.

Khả năng vận hành những vũ khí này nằm ở vai trò vượt trội của Mỹ trong thương mại toàn cầu. Họ cũng kiểm soát đồng tiền dự trữ mạnh nhất và có tính tự chủ về kinh tế cao hơn so với phần lớn các nước còn lại.

Bộ công cụ quản lý kinh tế của Mỹ đã được mở rộng để bao gồm cả kiểm soát xuất khẩu, xem xét các khoản đầu tư nước ngoài, hạn chế về tài sản trí tuệ, và tước bỏ quyền truy cập vào các mạng lưới tài chính. Nhiều đời chính quyền Mỹ cũng áp dụng chính sách công nghiệp trong nước, hàng rào thuế quan, thỏa thuận thương mại và xóa nợ công.

“Các bạn đang ở trong một môi trường, nơi mà mục tiêu của bạn quá tinh vi hoặc quá quan trọng để có thể sử dụng quân đội, trong khi tâm lý người dân trong nước đang phản đối sử dụng quân sự,” Friedlander nói. “Bởi vậy, các bạn bắt đầu phát tìm cách phát triển các công cụ quản lý cực kỳ phức tạp.”

Chiến tranh kinh tế cũng đầy rẫy những cạm bẫy. Mỹ không phải một nền kinh tế ra lệnh cho các nền kinh tế khác, bởi vậy chính phủ Mỹ phải dựa vào “củ cà rốt và cây gậy” để buộc các bên tham gia tuân thủ đúng cam kết của mình. Các biện pháp này đương nhiên có giá của nó, và cuối cùng có thể gây xói mòn hòa bình và sự ổn định nếu được xử lý yếu kém.

Dale Copeland, Giáo sư chuyên nghiên cứu về chiến tranh và sự phụ thuộc kinh tế đến từ ĐH Virginia, nói rằng khi kỳ vọng của một quốc gia về những cơ hội thương mại là tích cực, nó có xu hướng ứng xử đẹp, nhưng khi kỳ vọng đó tiêu cực, nguy cơ xung đột sẽ tăng lên. Một trong những ví dụ mà ông chỉ ra là bối cảnh ở Nhật Bản trước Thế chiến II, thời điểm mà Nhật bị cấm vận trước khi tấn công nhằm vào Mỹ tại Trân Châu Cảng năm 1941.

Vai trò của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu đương nhiên rất khác so với Nga. “Chúng ta không thể áp dụng đến một nửa những gì chúng ta đã làm với Nga vào Trung Quốc, bởi chúng ta đã hội nhập quá sâu với nền kinh tế Trung Quốc,” Friedlander cho hay. “Đó là sự phụ thuộc lẫn nhau. Bởi vậy, theo nhiều cách, sẽ không khác gì tự bắn vào chân mình nếu như chúng ta áp dụng những biện pháp cực kỳ hà khắc, giống như với Nga, đối với Trung Quốc.”

Ngoài ra, việc tấn công quá mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc có thể phản tác dụng, có thể là gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu hoặc đẩy các nước khác vào chỗ chiến tranh thay vì tránh xa nó.

“Hầu hết các chuyên gia về cấm vận chưa đưa ra được dự đoán về viễn cảnh đó bởi chúng ta chưa từng bàn về việc trừng phạt một quốc gia có tầm ảnh hưởng có hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu,” ông Drezner giải thích.

Theo Bloomberg