Các quan chức ngoại giao và quan chức Mỹ cho biết bất kỳ hành động triển khai quân sự nào của Nga cũng là nỗ lực hỗ trợ cho chỉ huy quân đội Libya, ông Khalifa Haftar, người đã thất bại trong cuộc tấn công của Lữ đoàn phòng vệ Benghazi (BDB) vào các cảng dầu hôm 3/3.
Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết Mỹ đã quan sát thấy thứ dường như các lực lượng đặc nhiệm và máy bay không người lái của Nga ở Sidi Barrani, cách biên giới Ai Cập- Libya khoảng 100km.
Reuters cũng trích dẫn các nguồn tin an ninh từ Ai Cập cho biết đơn vị đặc nhiệm này của Nga gồm 22 người nhưng họ lại từ chối không bình luận về nhiệm vụ của đơn vị này. Họ cũng tiết lộ thêm rằng Nga cũng sử dụng một căn cứ khác về phía đông Ai Cập, ở Marsa Matrouh vào đầu tháng 2. Các hoạt động triển khai hết sức công khai này của Nga trước đó đã không được báo cáo.
Bộ quốc phòng Nga đã không đưa ra bình luận gì vào ngày 13/3 và Ai Cập cũng phủ nhận sự hiện diện quân sự của Nga trên lãnh thổ nước này (sau đó Nga đã chính thức bác bỏ thông tin trên). “Không có quân lính nước ngoài của quân đội nước ngoài nào ở trên đất Ai Cập cả. Đây là vấn đề về chủ quyền,” người phát ngôn quân đội Ai Cập Tamer al-Rifai khẳng định.
Quân đội Mỹ cũng đã từ chối bình luận. Reuters cho rằng lực lượng tình báo Mỹ theo dõi các hoạt động quân sự của Nga thường phức tạp vì thường sử dụng lực lượng không mặc đồng phục.
Nguồn tin từ Ai Cập cho hay máy bay của Nga đã chở 6 đơn vị quân sự tới Marsa Matrouh trước khi máy bay này bay tiếp tới Libya 10 ngày sau đó. Reuters không thể xác nhận được bất kỳ sự hiện diện của lực lượng đặc nhiệm máy bay không người lái hay máy bay quân sự nào của Nga.
Ông Mohamed Manfour, chỉ huy căn cứ không quân Benina ở gần Benghazi đã phủ nhận việc Quân đội quốc gia Libya của ông Haftar nhận hỗ trợ quân sự từ phía nhà nước Nga hay các công ty quân sự tư nhân của Nga và cho rằng không có lực lượng hay căn cứ nào của Nga ở Libya.
Một số nước phương Tây bao gồm cả Mỹ đã đưa lực lượng chiến đấu đặc biệt và các cố vấn quân sự đến Libya trong suốt hai năm qua. Quân đội Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc không kích để ủng hộ một chiến dịch của Libya hồi năm ngoái nhằm hất cẳng IS ra khỏi thành phố Sirte.
Reuters nhận định các nghi vấn về vai trò của Nga ở Bắc Phi cũng trùng khớp với quan ngại ngày càng gia tăng của Mỹ về ý định của Nga ở Libya-một nước giàu dầu mỏ và đã trở thành nơi các nước tranh giành ảnh hưởng sau cuộc nổi dậy được NATO hậu thuẫn năm 2011 chống lại lãnh tụ Muammar Gaddafi, đồng minh của Liên Xô trước đây.
Một chính phủ do Liên hợp quốc ủng hộ ở Tripoli- thủ đô của Libya- hiện đang gặp phải bế tắc với tướng Haftar, và các quan chức Nga đã gặp gỡ cả hai phía trong những tháng gần đây. Mátxcơva có vẻ như đã chuẩn bị dành sự ủng hộ ngoại giao công khai cho ông Haftar cho dù các chính phủ phương Tây đã khó chịu sẵn trước sự can thiệp của Nga vào Syria để ủng hộ tổng thống Bashar al-Assad.
Một lực lượng gồm vài chục nhân viên an ninh vũ trang được thuê từ Nga đã hoạt động dưới quyền kiểm soát của ông Haftar đến tận tháng 2 vừa qua.
Chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ giám sát quân đội ở châu Phi, tướng Thomas Waldhauser đã trả lời trước Thượng viện Mỹ vào tuần trước rằng Nga đang cố gây ảnh hưởng ở Libya để củng cố động lực hợp tác đối với người cuối cùng sẽ nắm quyền.
“Họ đang nỗ lực để gây ảnh hưởng,” ông Wadhauser trả lời Hội đồng vũ trang Thượng viện hôm 9/3. Khi được hỏi liệu để điều này xảy ra có phục vụ cho lợi ích của Mỹ hay không, ông Wadhauser đã quả quyết: “Không hề.”
Giành lại vùng đệm
Một quan chức tình báo Mỹ đã cho biết mục đích của Nga ở Libya dường như là nỗ lực để “giành lại vùng đệm, nơi mà Liên Xô từng có đồng minh là Gaddafi”.
“Cùng lúc đó, ở Syria, Nga cũng có vẻ đang cố để hạn chế sự can thiệp quân sự, chỉ đủ để cố thúc đẩy một quyết nghị nhưng lại không đủ để họ làm chủ hoàn toàn cả vấn đề này,” quan chức tình báo Mỹ bổ sung.
Việc Nga cố gắng giành thiện cảm của tướng Haftar, người có khuynh hướng coi kẻ thù của ông ta là những kẻ Hồi giáo cực đoan, đồng thời là người mà nhiều người dân Libya coi là người đàn ông mạnh mẽ mà đất nước này rất cần sau nhiều năm bất ổn, đã khiến các bên chỉ ra những điểm tương đồng như cách Nga thực hiện với Syria, một đồng minh cũ của Liên Xô.
Khi được Thượng nghị sĩ Lindsey Graham hỏi liệu Nga có đang cố thực hiện ở Libya những gì mà nước này từng thực hiện ở Syria không, ông Waldhauser đã quả quyết: “Chắc chắn là có, đó là một cách mô tả rất hay”.
Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho biết Nga đã cố tìm cách hỗ trợ cho Haftar cho dù ban đầu nước này tập trung vào “lưỡi liềm dầu mỏ” của Libya.
“Rõ ràng là Ai Cập hiện đang tạo điều kiện cho Nga can dự vào Libya bằng cách cho phép Nga sử dụng các căn cứ ở Ai Cập. Các cuộc diễn tập huấn luyện được cho là hiện đang diễn ra ở đây”, nhà ngoại giao này cho hay.
Ai Cập đã cố gắng thuyết phục Nga khôi phục lại các chuyến bay tới Ai Cập vì tuyến bay này đã bị tạm ngừng kể từ khi một máy bay của Nga chở 224 hành khách từ khu nghỉ dưỡng Biển Đỏ ở Sharm al-Sheikh tới St Peterburg đã bị một quả bom ném trúng vào tháng 10/2015.
Cuộc tấn công này được cho là thực hiện bởi một nhánh IS hoạt động ở phía bắc Sinai. Nga cho biết mục tiêu cơ bản của họ ở Trung Đông là để ngăn chặn sự mở rộng của các nhóm bạo lực IS.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tháng vừa rồi đã cam kết giúp thống nhất Libya và thúc đẩy đối thoại khi ông gặp gỡ lãnh đạo của chính phủ do Liên hợp quốc ủng hộ, ông Fayez Seraj.
Trong khi đó Nga cũng củng cố mối quan hệ với Ai Cập, nước có quan hệ với Liên Xô từ năm 1956 đến 1972. Hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung, lần đầu vào hồi tháng 10/2016, trong khi Mỹ và Ai Cập cũng tiến hành hoạt động này cho đến tận 2011.
Tờ báo Izvestia của Nga hồi tháng 10/2016 đã viết rằng Mátxcơva đang đối thoại để mở hoặc thuê căn cứ không quân ở Ai Cập. Tuy nhiên, tờ báo nhà nước Al Ahram của Ai Cập đã trích dẫn lời người phát ngôn của tổng thống cho rằng Ai Cập sẽ không cho phép nước ngoài đặt căn cứ tại nước này. Tuy nhiên, Nga và Ai Cập đang tăng cường tham vấn về tình hình Syria.
Các nguồn tin từ Ai Cập cũng cho rằng không có thỏa thuận chính thức về việc Nga sử dụng các căn cứ của Ai Cập. Tuy nhiên đã có những tham vấn sâu về tình hình ở Libya.
Ai Cập đang lo lắng về tình hình hỗn loạn lan rộng từ người hàng xóm và đã tổ chức các cuộc gặp gỡ ngoại giao giữa lãnh đạo phương đông và phương tây trong những tháng gần đây.