Thằng Lằng – Khi sự nghiêm túc không được nhìn nhận…nghiêm túc
Nói đến một trong những đề tài nhức nhối của thế giới đương đại là tiết kiệm nước nhưng bộ phim Thằng Lằng lại chọn một cách chuyển chuyển tải khá nhẹ nhàng và duyên dáng.
Ngay từ khi mở màn, khung cảnh nhà trọ, bà chủ nhà trọ trẻ tuổi đi thu tiền điện tiền nước và mừng rõ khi thằng Lằng đóng 200 đồng tiền nước khiến khán giả cảm thấy thích thú và muốn theo dõi thêm.
Kịch tính của phim chỉ xuất hiện khi có sự hiện diện của một… vị thần bao diêm. Vị thần này cũng rất xì-tin và khá mơ hồ nhắc nhở Lằng về thông điệp “Giữ nước là tích phúc – phí phạm nước là đời kết thúc”.
Toàn bộ mạch phim khá thú vị, từ câu chuyện khó khăn thuyết phục người khác tin mình mà không nghĩ mình bị điên cho tới chuyện có duy nhất một người tin nhưng đó lại là người điên thật.
Phim ngắn "Thằng Lằng" ghi điểm bởi lối kể chuyện có ngôn ngữ riêng
|
Thế nhưng, Thằng Lằng đã ghi một điểm trong lòng khán giả bởi lối kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn, có một ngôn ngữ riêng, điều đó ít nhiều cũng đã thành công với các bạn trẻ.
Ánh dương – Thiên thần giữa đời thực
Dựa trên câu chuyện có thật vè bé Hải An – một câu chuyện truyền cảm hứng về bé gái ra đi sớm nhưng để lại ánh sáng cho đời bằng cách hiến võng mạc cho một bệnh nhân khác – nhóm LCA đã xây dựng lên câu chuyện Ánh dương.
Phải khẳng định ngay rằng, Ánh dương có tay nghề khá chắc khi đạo diễn chọn lối kể chuyện song song 2 tuyến. Người cha mất con cứ chìm đắm trong những tháng ngày u tối sau sự ra đi của cô con gái xinh đẹp. Đối lập là cuộc sống tươi đẹp, tràn ngập ánh sáng của bé gái may mắn được nhận võng mạc từ người đã khuất. Cuộc đời vẫn luôn thường đối lập như vậy, như ánh sáng là nửa kia của bóng tối.
Chuỗi ngày sống của mỗi người cũng vì thế mà mang sắc thái, ý nghĩa khác nhau nhưng bao trùm tất cả là sự nhân văn của câu chuyện khi tình yêu, sự cao cả vẫn được để lại nơi trần thế. Có lẽ cũng vì thế, cảnh cuối người cha tỉnh giấc giữa hồ bơi rộng lớn – nơi mà mỗi ngày anh vẫn trầm mình để quên đi nỗi đau mất con khiến khán giả rưng rưng.
To you my crush – Yêu là phải…liều
To you my crush kể theo lối tự sự về quá trình yêu đơn phương của một anh chàng họa sĩ trẻ với cô bạn gái. Mọi chuyện chỉ thực sự bắt đầu trở nên rối rắm khi bạn thân của nam chính xuất hiện và cũng có tình cảm với cô gái đó.
Tự ti về bản thân, anh chàng nam chính “đẩy thuyền” để hai người đó đến với nhau mà không biết một sự thật là cô gái cũng mến mộ và yêu thích tài năng của chính anh chàng họa sĩ.
Khai thác câu chuyện tâm lí tình cảm tình yêu – bạn bè tuổi mới lớn, To you my crush mang đến cho khán giả một cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, đầy mơ mộng về lứa tuổi bắt đầu khám phá tình yêu. Một câu chuyện dễ thương nhưng cũng nhiều cung bậc cảm xúc.
Cảnh trong phim "Sống ảo"
|
Sống ảo – Tìm việc gì có ý nghĩa mà làm vì thanh xuân ngắn lắm
Sống ảo đưa ra một định nghĩa hoàn toàn khác lạ về thứ mà số đông vẫn nói “việc tử tế”. Mỗi công việc đều có mục đích phía sau và chừng nào bạn chưa phải người trong cuộc thì việc định nghĩa công việc đó tử tế hay không lại không thuộc về quyền của người phán xét.
Vẫn nói về chủ nghĩa phán xét, nói về ném đá, miệt thị nhưng Sống ảo chọn một góc nhìn khác để khai thác. Một anh chàng đẹp trai, sức dài vai rộng nhưng lại thích giả gái bán hàng online. Ai nhìn vào cũng nói đó là bệnh hoạn, biến thái và sống lười nhác nhưng thực chất ra không ai hiểu được nỗi niềm của chàng trai với công việc đó.
Một cái twist cuối phim hay, ý nghĩa thế nhưng Sống ảo cũng gặp những vẫn đề thường thấy như các phim ngắn khác: nhịp điệu và cách kể chuyện. Dường như các đạo diễn trẻ đều tham chi tiết và luôn lo sợ khán giả không hiểu nên luôn phải thêm những tình tiết mang “đậm mùi” giải thích. Nếu như tiết chế được điều này, tác phẩm sẽ tròn trịa hơn rất nhiều./.