Tham vọng biến Boeing-747 thành oanh tạc cơ

Hãng Boeing từng đề xuất kế hoạch thay thế pháo đài bay B-52 bằng một loại máy bay có thể chở tới 100 tên lửa hành trình.
Hình ảnh phác họa thiết kế máy bay CMCA của Boeing - Ảnh: Foxtrot Alpha
Hình ảnh phác họa thiết kế máy bay CMCA của Boeing - Ảnh: Foxtrot Alpha

Oanh tạc cơ khét tiếng B-52 từ lâu đã là một trong những vũ khí chủ lực của Lực lượng không quân chiến lược Mỹ nhờ uy lực ném bom rải thảm tàn phá ghê gớm. Tuy nhiên, trong hơn 2 thập niên qua, một nửa số B-52 của quân đội Mỹ đã bị cho “về hưu sớm” do ngân sách eo hẹp. Trước tình hình này, nhiều tập đoàn quốc phòng hàng đầu của nước này đang cấp tập đưa ra hàng loạt giải pháp thay thế hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí.

Theo tài liệu giải mật vừa được Lầu Năm Góc công bố, đáng lẽ Boeing đã “giành được cờ” trong cuộc đua tìm kiếm người kế nhiệm B-52 nhờ ý tưởng được các chuyên gia đánh giá là “đi trước thời đại”.

Kho tên lửa di động

Theo tờ Daily Mail, ngay từ thập niên 1980, Boeing đã đề xuất sáng kiến cải biến máy bay 747 nổi tiếng của hãng thành một bệ phóng di động có khả năng mang khoảng 50 - 100 tên lửa hành trình AGM-86 ALCM có tầm hoạt động từ 900 - 2.400 km. Boeing gọi kế hoạch này là chương trình Máy bay tên lửa hành trình (CMCA).

Mục đích của CMCA là chế tạo một loại oanh tạc cơ chi phí thấp nhưng có thể mang nhiều hơn 50 tên lửa. Một điểm mạnh khác của kế hoạch này là dù không có năng lực tàng hình nhưng Boeing-747 cải biến vẫn sở hữu khả năng ngụy trang, ẩn nấp cực kỳ lợi hại, mang lại lợi thế lớn cho quân đội Mỹ. Lý do là đối phương sẽ rất khó phân biệt được oanh tạc cơ CMCA với máy bay dân dụng thông thường. Điều này giúp nó có thể “lặng lẽ” đáp xuống tại các sân bay dân sự, trà trộn vào các máy bay khác mà không đánh động hệ thống phòng không của địch.

Daily Mail dẫn lời các chuyên gia nhận định với tầm hoạt động cực rộng của tên lửa AGM-86 ALCM, máy bay có thể “đóng đô” an toàn ngay trong các sân bay dân sự và không cần tiếp cận quá gần khu vực chiến sự khi được triển khai.

Theo giới lãnh đạo Boeing, CMCA được thiết kế dựa trên phiên bản chở hàng 747-200C, tốc độ 918 km/giờ (Mach 0,85, tức bằng 0,85 lần vận tốc âm thanh) với hơn 10 bệ phóng được gắn dọc theo đường đi bên trong khoang và phần rìa của máy bay. Mỗi bệ phóng có thể triển khai khoảng 8 tên lửa một lần và có thể phóng từng phát lẫn liên thanh. Khu vực khoang hạng nhất sẽ được thiết kế thành trung tâm chỉ huy và kiểm soát.

Kế hoạch dang dở

Tuy nhiên, sau một thời gian cân nhắc, không quân Mỹ đã quyết định không đặt hàng CMCA, khiến Boeing phải ngưng theo đuổi dự án khi tất cả vẫn còn nằm trên giấy. Lý do là Lầu Năm Góc lo ngại sự nhập nhằng sẽ gây nguy hiểm cho hàng không dân sự, đồng thời cho rằng Boeing-747 sẽ không thể tương thích với hệ thống chỉ huy, liên lạc quân sự. Vì thế, chính phủ của Tổng thống Ronald Reagan quyết định đổ tiền vào dự án chế tạo oanh tạc cơ B-1 cũng của Boeing và rót thêm tiền nâng cấp phi đội B-52.

“Nhìn lại thì có thể thấy việc xếp xó kế hoạch CMCA là lựa chọn khá đáng tiếc. Một chiếc máy bay như vậy, đặc biệt là khi được nâng cấp để chở theo tên lửa dẫn đường bằng hệ thống GPS, sẽ trở thành một hệ thống vũ khí cực kỳ hiệu quả để triển khai trên bầu trời Afghanistan và Iraq hay các vùng biển”, chuyên trang Foxtrot Alpha dẫn lời nhà báo chuyên mảng quân sự Tyler Rogoway nhận định. “Khi nói đến các sứ mệnh triển khai kho vũ khí di động, máy bay CMCA có thể hoạt động với chi phí thấp hơn nhiều so với các oanh tạc cơ B-1 và B-52 được điều động trong cả hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq”, ông nói.

Tương tự, diễn đàn công nghệ quốc phòng Above Top Secret chỉ ra rằng CMCA hơn hẳn B-1 và B-52 về khả năng chở vũ khí tối đa lẫn tầm bay, không thua kém mấy về tốc độ và thậm chí ngang ngửa về nhiều mặt với B-2, oanh tạc cơ mạnh nhất của Mỹ hiện nay. Theo trang này, với sự phát triển vượt bậc của hệ thống liên lạc trao đổi thông tin, CMCA sẽ là đồng đội rất tin cậy và hiệu quả cho các chiến đấu cơ F-22, F-35 lẫn các thế hệ máy bay ném bom tương lai.

Boeing-747 là máy bay chở khách thân rộng đầu tiên được sản xuất. Từ chuyến bay thương mại đầu tiên năm 1970, Boeing-747 giữ kỷ lục về sức chứa hành khách lớn nhất trong 37 năm cho đến khi bị Airbus A380 qua mặt. Theo BBC, một chiếc 747 có sức chứa 380 - 560 người, tùy theo cách bố trí của hãng hàng không; còn A380 là từ 525 - 853 người. Tuy dòng máy bay này ngày nay không còn phổ biến nhưng Boeing vẫn duy trì sản xuất hạn chế để đáp ứng các đơn hàng đặc thù.

Ngoài dự án CMCA, máy bay 747 cũng từng được Lầu Năm Góc chọn cải biến thành chiếc Boeing YAL-1 gắn vũ khí laser để đánh chặn tên lửa đạn đạo vào thập niên 2000. Các cuộc thử nghiệm diễn ra tốt đẹp nhưng Mỹ cuối cùng quyết định ngừng chương trình vì chi phí cao, tầm bắn của laser quá ngắn và đòi hỏi phải tiếp liệu thường xuyên, theo chuyên trang Defense One.

Theo Thanh Niên