Thảm kịch lũ lụt ở Trung Quốc: 61 người chết và mất tích, thiệt hại gần 10 tỉ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những trận mưa lớn được coi là “ngàn năm có một” ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc trong vài ngày, đã gây ra lụt lội, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Xe ô tô bị lũ quét trên một đường phố Trịnh Châu (Ảnh: VCG).
Xe ô tô bị lũ quét trên một đường phố Trịnh Châu (Ảnh: VCG).

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, theo thống kê chính thức sơ bộ, tính đến 12h trưa ngày thứ Sáu (23/7), tại các thành phố Trịnh Châu, Tân Hương và những nơi khác trong tỉnh đã làm hơn 3 triệu người ở 1.306 xã, thị trấn thuộc 133 quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh bị ảnh hưởng; phải di chuyển khẩn cấp 585.193 người, có 919.519 người được sơ tán và tái định cư, diện tích cây trồng bị phá hoại là 576.600 ha, 9.943 căn nhà bị đổ sập, 21.879 căn bị hư hại nặng, 62.233 căn bị hư hại nhẹ... thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 65,5 tỉ NDT (gần 10 tỉ USD). Thiên tai đã khiến ít nhất 56 người bị chết, 5 mất tích...

Nhiều khu vực thành thị và nông thôn ở phía bắc tỉnh Hà Nam đã phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng do mưa lớn. Đài Khí tượng Hà Nam hôm 22/7 đã ban hành cảnh báo mưa lớn cấp độ đỏ cao nhất cho 4 thành phố phía bắc của tỉnh là Tân Hương, An Dương, Hạc Bích và Tiêu Tác.

Mưa lớn khiến đường phố Trịnh Châu ngập nghiêm trọng (Ảnh: VCG).

Mưa lớn khiến đường phố Trịnh Châu ngập nghiêm trọng (Ảnh: VCG).

Các thành phố này và các khu vực xung quanh bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn đang phải đối mặt mối đe dọa lũ lụt hoặc đã bị ngập lụt nghiêm trọng.

Bộ chỉ huy Phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai của thành phố An Dương, hôm thứ Năm (22/7) đã ban hành thông cáo khẩn cấp đình chỉ hoạt động tất cả các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố; tất cả các doanh nghiệp và cơ quan trong thành phố sẽ làm việc tại nhà ngoại trừ các nhân viên cứu hộ và cứu trợ thiên tai cần thiết và nhân viên trực; tất cả các trung tâm mua sắm dưới lòng đất và nhân viên bãi đậu xe phải được sơ tán. An Dương bắt đầu mưa lớn vào thứ Hai (19/7) và tổng lượng mưa tích lũy đã vượt quá 600 mm. Thành phố cũng đã khẩn cấp sơ tán 73.000 người.

Đường tàu điện ngầm bị ngập nước (Ảnh: Dwnews).

Đường tàu điện ngầm bị ngập nước (Ảnh: Dwnews).

Lượng mưa ở thành phố Tân Hương trong khoảng thời gian từ thứ Ba (20/7) đến thứ Năm (22/7) đã lên tới 812 mm, liên tiếp phá vỡ các kỷ lục lịch sử ở địa phương. Tất cả 7 hồ chứa cỡ trung bình ở thành phố Tân Hương đều bị tràn đập, gây ngập lụt cho mấy chục làng và thị trấn gần đó. Mưa lớn ở thành phố Tân Hương không chỉ khiến 470.000 cư dân trở thành nạn nhân mà còn khiến 55.000 ha hoa màu bị ngập lụt. Để giảm bớt ảnh hưởng của thảm họa, chính quyền thành phố đã tổ chức một đội cứu hộ 76.000 người tới ứng cứu.

Thị trấn Mễ Hà, Hà Nam sau khi bị lũ quét (Ảnh: VCG).

Thị trấn Mễ Hà, Hà Nam sau khi bị lũ quét (Ảnh: VCG).

Thành phố Trịnh Châu, nơi bị mưa lớn kéo dài gần một tuần, thời tiết cuối cùng đã tạnh ráo vào thứ Năm (22/7). Bộ chỉ huy Phòng chống lụt bão và Cứu trợ thiên tai thành phố Trịnh Châu đã thông báo giảm mức báo động lũ lụt từ cấp I xuống cấp III. Nhưng nước vẫn ngập sâu đến thắt lưng ở khắp nơi và một số tuyến phố trong thành phố vẫn hoàn toàn chìm trong nước. Lực lượng cứu hộ phải dùng xuồng cao su chở nạn nhân đến nơi an toàn, một số người đội đồ đạc cá nhân lên đầu di chuyển trong dòng nước tù đọng, một số khác đứng trên nóc ô tô nửa chìm nửa nổi chờ lực lượng cứu hộ đến giúp.

Dọn dẹp đường phố sau khi lũ quét (Ảnh: VCG).

Dọn dẹp đường phố sau khi lũ quét (Ảnh: VCG).

Trịnh Châu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lũ lụt do đợt mưa lớn này gây ra. Hôm thứ Ba (20/7) Trịnh Châu đã trải qua một trận mưa lớn hơn 200 mm trong vòng một giờ. Trong ba ngày từ thứ Bảy tuần trước (17/7) đến thứ Ba tuần này, tổng lượng mưa đo được tới 617,1 mm, gần bằng tổng lượng mưa thông thường hàng năm là 640,8 mm.

Một nhân viên cứu hộ đề nghị giấu tên, cho biết đội cứu hộ của anh ta đã giải cứu được khoảng 1.000 người từ một cộng đồng vào hôm thứ Tư (21/7) và 1.000 người khác vào thứ Năm.

"Một số người không muốn rời khỏi nhà của nếu có thức ăn", người cứu hộ nói, “bởi vì nếu ra khỏi nhà, họ không có nơi nào để đi...”.

Ngày 22/7, thành phố Trịnh Châu vẫn còn ngập nặng (Ảnh: VCG).

Ngày 22/7, thành phố Trịnh Châu vẫn còn ngập nặng (Ảnh: VCG).

Một người dân Trịnh Châu họ Từ nói với phóng viên rằng anh ta, vợ và hai con đã bị mắc kẹt trong căn hộ chung cư cao tầng trong nhiều ngày và không có điện, nước.

"Chúng tôi không có nước, không có điện và không thể tắm, chúng tôi phải xả bồn cầu bằng nước mà chúng tôi đã sử dụng", người dân nói: "Tôi đã sống ở đây bốn, năm nay, chưa bao giờ gặp tình trạng như thế này".

Trong số 56 người chết trong thảm họa lũ lụt ở tỉnh Hà Nam, có 12 người chết trong hệ thống tàu điện ngầm Trịnh Châu, không kịp cứu vì nước mưa tràn xuống. Chính quyền thành phố Trịnh Châu vẫn giữ cho hệ thống tàu điện ngầm hoạt động sau khi Cục Khí tượng Trịnh Châu đưa ra ít nhất 5 cảnh báo mưa bão màu đỏ. Hệ thống tàu điện ngầm vẫn hoạt động cho đến 6h chiều thứ Ba (20/7) khi bức tường chắn nước của đường tàu điện ngầm bị sập Việc tạm dừng giao thông được thông báo khi các làn đường và nhà ga đã ngập nước, khiến người ta nghi ngờ thảm kịch xảy ra do "thiên tai hay nhân họa".

Sơ tán dân khỏi vùng ngập nặng (Ảnh: VCG).

Sơ tán dân khỏi vùng ngập nặng (Ảnh: VCG).

Mặc dù mưa lớn ở Trịnh Châu ập đến dữ dội, nhưng các biện pháp phòng chống lũ lụt của chính quyền thành phố dường như quá chậm, các biện pháp phòng ngừa không đủ và việc dừng vận hành tàu điện ngầm quá muộn là một trong những nguyên nhân khiến nước mưa tràn vào và gây chết 12 hành khách.

Tuy nhiên, những con số thống kê chính thức về số người chết đã làm dấy lên nghi ngờ mạnh mẽ trên mạng xã hội. Một cư dân mạng viết: "Đường hầm tuyến cao tốc Bắc Kinh – Quảng Châu dài 4km bị ngập trong vòng 5 phút, người lái những chiếc xe ở gần cửa ra đã phải bỏ xe để chạy thoát thân ra ngoài. Những người ở xa cửa thì không dám tưởng tượng họ tuyệt vọng như thế nào trong đường hầm". Trang Guancha chiều 23/7 cho biết, công tác dọn dẹp đường hầm bị ngập nước này hiện đang được tiến hành; bước đầu phát hiện có người chết nhưng số lượng cụ thể hiện chưa rõ...

Lực lượng cứu hộ bơm nước khỏi hầm chui ở Trịnh Châu (Ảnh: VCG).

Lực lượng cứu hộ bơm nước khỏi hầm chui ở Trịnh Châu (Ảnh: VCG).

Theo thông báo của chính quyền thành phố Trịnh Châu, tỉnh lỵ của Hà Nam, chính quyền địa phương đã quán triệt thực hiện tinh thần chỉ đạo quan trọng của trung ương về công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai; đẩy mạnh công tác phòng chống lụt bão, cứu trợ thiên tai và tái thiết sau thiên tai, quan tâm đến nhu cầu đời sống của nhân dân, phấn đấu trong thời gian ngắn nhất, khôi phục nhanh nhất có thể các hoạt động bình thường của thành phố. Ngoài ra, họ còn được sự hỗ trợ của nhiều nơi trên cả nước bao gồm 5.290 quân nhân, 30.000 cảnh sát, 164.000 tình nguyện viên, 5.556 thành viên các đội cứu hộ tới hỗ trợ cứu hộ, cứu trợ thảm họa và khôi phục sản xuất, tái thiết.

Nước lũ gây đổ sập hàng chục ngàn ngôi nhà (Ảnh: VCG).

Nước lũ gây đổ sập hàng chục ngàn ngôi nhà (Ảnh: VCG).

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cũng điều động các công ty lưới điện của 24 tỉnh, thành phố cử 10.000 công nhân viên, 181 xe máy phát điện và hơn 1.000 thiết bị phát điện công suất lớn để sửa chữa các trạm biến áp bị hư hỏng, đẩy nhanh việc khôi phục điện sinh hoạt cho quần chúng nhân dân; nguồn cung cấp điện tại các khu vực đô thị chính bị ảnh hưởng. Dự kiến sẽ cung cấp điện trở lại cho hơn 473 cộng đồng dân cư ​​vào thứ Bảy (ngày 24/7). Các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường sửa chữa và bảo dưỡng các công trình cấp nước, dự kiến 1.221 khu đô thị chính sẽ được cơ bản cấp nước trở lại vào ngày Chủ nhật (25/7); 22.000 tấn thịt lợn và 50 tấn trứng dự trữ đã được đưa tới Hà Nam để đảm bảo có thể duy trì bình thường việc cung ứng thực phẩm.