Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tính đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng trưởng 8,15% so với cuối năm ngoái và tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021, góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Đối với thông tin các ngân hàng sắp cạn ‘room’ tín dụng, lãnh đạo NHNN cho hay, tăng trưởng tín dụng đến tháng 6/2022 vẫn còn khá xa hạn mức mà NHNN đã cấp cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Song, có thể một số TCTD đã gần hết ‘room’ thì có trạng thái phòng thủ, nâng cao khẩu vị rủi ro.
Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, từ đầu năm 2022, NHNN đã ban hành chỉ thị 01, định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14% nhưng sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.
Lãnh đạo NHNN nhấn mạnh cơ quan này sẽ ưu tiên các ngân hàng có xếp hạng phân loại cao, quản trị tốt, điều chỉnh tăng ‘room’ cho các ngân hàng tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém.
Cùng với đó, NHNN thường xuyên có những cảnh báo các TCTD về việc tham gia cho vay lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, hay những ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp lớn. Nếu tổ TCTD vẫn tham gia nhiều vào các lĩnh vực rủi ro này thì sẽ bị xem xét trừ hạn mức tín dụng.
Từ năm 2011 đến nay, NHNN đã thực hiện xét hạn mức tín dụng và thường xuyên đánh giá cập nhật việc điều chỉnh ‘room’ hàng năm cho các ngân hàng thương mại. Cơ quan quản lý đã áp dụng cơ chế room tín dụng cùng với các biện pháp khác như yêu cầu các TCTD tuân thủ quy định an toàn, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế Basel I, Basel II và đang hướng tới Basel III.
“Tuy nhiên, cho dù đưa vào các chuẩn mực quản trị rủi ro như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn rất cao”, ông Quang nói./.