Trung Quốc được cho là đã phát triển tên lửa đạn đạo “sát thủ tàu sân bay” để đe dọa một trong các công cụ triển khai sức mạnh hàng đầu của Mỹ. Trung Quốc cũng đã triển khai tàu sân bay của mình ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Nhưng các mục tiêu di động được phòng vệ cẩn thận như tàu sân bay sẽ là thách thức lớn trên vùng biển mở.
Theo Warontherock, nếu tàu sân bay của Trung Quốc (thậm chí có tới cả 2,3 tàu như vậy) mạo hiểm trong vùng biển mở, lực lượng tàu ngầm Mỹ sẽ dễ dàng hạ gục chúng. Thực tế, mối đe dọa quân sự lớn nhất tới lợi ích tối quan trọng của Mỹ ở châu Á mà trước nay không nhận được nhiều sự chú ý là khả năng ngày càng lớn mạnh của lực lượng tên lửa Trung Quốc tấn công các căn cứ của Mỹ.
Đây là thời gian căng thẳng đang gia tăng, khi báo chí Trung Quốc công khai đe dọa chiến tranh. Các lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên hiểu rằng cuộc tấn công phủ đầu bằng tên lửa của Trung Quốc vào các căn cứ, phá hoại sức mạnh quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương là một khả năng có thực.
Đặc biệt nếu Trung Quốc tin rằng các lợi ích cốt lõi chiến lược của họ bị đe dọa trong một cuộc khủng hoảng và cho rằng các nỗ lực răn đe đã thất bại. Cuộc tấn công phủ đầu này sẽ phù hợp với các thông tin trước đó về học thuyết lực lượng tên lửa của Trung Quốc, và các hình ảnh vệ tinh dưới đây sẽ thể hiện những nỗ lực thực tế để thực hiện cuộc tấn công này.
Tấn công bất ngờ, chính xác kiểu “đặc sắc Trung Quốc”
Lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc (PLA) vốn tập trung vào năng lực răn đe hạt nhân. Kể từ sau Chiến tranh lạnh, lực lượng này đã ngày càng tập trung vào sử dụng các tên lửa hành trình tấn công mặt đất và tên lửa đạn đạo thông thường dẫn đường chính xác. Lực lượng này hiện bao gồm khoảng 100,000 người và vào tháng 12/2015 đã được nâng cấp thành một binh chủng tương đương với các binh chủng quân đội khác của Trung Quốc.
Về các nhiệm vụ cụ thể của lực lượng này, theo chuyên gia Michael S.Chase của Đại học hải chiến Mỹ viết năm 2014, học thuyết của Lực lượng tên lửa PLA bao gồm một loạt các hoạt động răn đe, ép buộc và cưỡng chế. Nếu răn đe thất bại, các nhiệm vụ của chiến dịch tấn công tên lửa thông thường sẽ bao gồm cả thực hiện các cuộc tấn công hỏa lực vào các mục tiêu quan trọng nhất trong chiến dịch và các khu vực tối chiến lược của kẻ thù. Các mục tiêu tiềm năng của các cuộc tấn công này gồm trung tâm chỉ huy, trung tâm thông tin liên lạc, trạm radar, các căn cứ tên lửa dẫn đường, không lực và các thiết bị hải quân, các thiết bị giao thông và hậu cần, các kho nhiên liệu, các trung tâm điện lực, các nhóm tấn công tàu sân bay.
Ông Chase cũng nhấn mạnh rằng: “Nhìn chung, những bài viết của quân đội Trung Quốc về các chiến dịch tên lửa thông thường nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tấn công bất ngờ và gợi ý ưu tiên thực hiện tấn công phủ đầu”. Và dù cho phần lớn các nhà Hán học coi thường ý tưởng về một cuộc tấn công thực sự bất ngờ trong thời điểm khủng hoảng mà không tạo cho kẻ thù cơ hội rút lui, các cuộc tấn công tên lửa phủ đầu nhằm gây ra sự thù địch có thể phù hợp với chiến lược quân sự tổng thể mà Trung Quốc tuyên bố, đó là “phòng thủ chủ động”.
Theo một nghiên cứu của RAND năm 2007 về các chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc giải thích: “Nghịch lý này có thể được giải thích bằng việc định nghĩa cuộc tấn công trước của kẻ thù là các hành động quân sự nhằm chia cắt Trung Quốc về lãnh thổ và xâm phạm vào chủ quyền của Trung Quốc” và do đó phải đáp trả bằng cuộc tấn công chiến lược.
Nhà phân tích Trung Quốc Dean Cheng cũng đưa ra tuyên bố tương tự năm 2005 rằng: “Từ thời ông Mao Trạch Đông đến nay, khái niệm chủ động phòng thủ đã nhấn mạnh sự phòng thủ chiến lược, trong khi vẫn bảo đảm thực hiện các sáng kiến vận hành và chiến thuật, bao gồm các hoạt động phủ đầu ở mọi cấp độ nếu cần thiết. Do đó, Trung Quốc có thể cân nhắc cuộc tấn công tên lửa phủ đầu như một biện pháp tấn công phòng thủ, đáp trả lại mối đe dọa lên chủ quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực chính trị hay chiến lược.
Nếu cuộc tấn công này dường như khó có khả năng xảy ra, hãy chú ý rằng các lãnh đạo dân sự và quân sự của Mỹ có thể không biết gì về khả năng của lực lượng tên lửa PLA. Phần lớn lực lượng này- gồm các đơn vị tên lửa chính xác thông thường- đều không có đối thủ tương đương trong quân đội Mỹ. Các tên lửa đạn đạo tầm xa của Mỹ đều gắn đầu đạn hạt nhân, do đó đều tập trung vào khả năng răn đe hạt nhân, còn các tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn của Mỹ đều được thiết kể để sử dụng trên chiến trường.
Ngoài ra, theo Hiệp ước tên lửa hạt nhân tầm trung với Nga, Mỹ không triển khai bất kỳ tên lửa đạn đạo tầm trung hay bất kỳ tên lửa hành trình tấn công phóng từ mặt đất nào (LACM). Khi Mỹ nghĩ đến việc tấn công phủ đầu, Mỹ có thể sẽ nghĩ tới các vũ khí phóng từ các bệ phóng trên biển hoặc trên không, coi thường tính khả thi của một mô hình khác: Đó là đòn tấn công bằng tên lửa chính xác trên mặt đất được sử dụng cho nhiệm vụ tương tự.
Một nghiên cứu của RAND năm 2015 cho rằng đến năm 2017, Trung Quốc có thể triển khai 1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn được trang bị vũ khí thông thường (tầm bắn 600-800 km), 108 đến 274 tên lửa đạn đạo tầm trung (tầm bắn 1.000 đến trên 1500 km), chưa rõ bao nhiêu tên lửa đạn đạo tầm cao (tầm bắn 5.000km) và 450-1250 tên lửa hành trình tấn công mặt đất (tầm bắn 1.500 km trở lên). RAND cũng ước tính rằng các nâng cấp về tính chính xác của các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc có thể cho phép chúng tấn công các mục tiêu cố định chỉ trong vài phút với độ sai lệch chỉ vài mét. RAND cũng đánh giá rằng các căn cứ chính của Mỹ ở Nhật Bản có thể nằm trong tầm bắn của hàng ngàn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tiên tiến khó bị đánh chặn. Thậm chí các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam cũng nằm trong tầm bắn của các tên lửa Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, lực lượng tên lửa PLA có vẻ như đang biến những khả năng cụ thể thành hiện thực, những khả năng này cần thiết trong hỗ trợ tiến hành cuộc một cuộc tấn công phủ đầu như đã bàn luận ở trên. Chẳng hạn, một nghiên cứu của RAND cho thấy tên lửa sẽ có thể được sử dụng để tấn công các bệ phóng tên lửa đặt, máy bay đang đỗ, tàu tiếp liệu, xe cộ, vũ khí phòng không và các tàu đang neo ở cảng. Một số loại tên lửa sẽ được sử dụng để tấn công các đường băng, nhà chứa máy bay và các kho chứa nhiên liệu bán ngầm.
Về trình tự, nghiên cứu chỉ ra rằng đợt phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên sẽ vô hiệu hóa các hệ thống phòng không và các trung tâm chỉ huy và các đường băng ở các căn cứ không quân, giữ các máy bay nằm chết trên mặt đất. Những loạt tấn công tên lửa đạn đạo làm tê liệt đối phương ban đầu sau đó có thể được tiếp nối bởi đòn tấn công với các tên lửa hành trình và máy bay của Trung Quốc nhắm mục tiêu vào các nhà chứa máy bay, các máy bay đang đậu trên đường băng và các cơ sở tiếp tế nhiên liệu và bảo dưỡng.
Những năng lực này có thể được thử nghiệm ở nơi thử hiệu ứng của tên lửa đạn đạo ở rìa sa mạc Gobi miền Tây Trung Quốc. Các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy một loạt các mục tiêu thử nghiệm đại diện cho các mục tiêu trong học thuyết đã thảo luận bên trên, bao gồm các phương tiện, các máy bay đỗ bên ngoài, các kho chứa nhiên liệu, đường băng, các trung tâm điện lực, và việc vận chuyển đạn dược vào tới các kho chứa và hầm ngầm.
(còn tiếp)