Techcombank lên sàn đưa TCB trở thành cổ phiếu “vua” đắt nhất: Một số thông tin lưu ý...

VietTimes -- Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa chính thức thông báo đã nhận được chấp thuận của HoSE về việc niêm yết trên Sở này với mã cổ phiếu là TCB, và phiên giao dịch đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 04/06/2018.
Techcombank sẽ chào sàn HoSE vào ngày 04/06/2018 với giá tham chiều 128.000 đồng/cổ phiếu TCB. (Ảnh: TCB)
Techcombank sẽ chào sàn HoSE vào ngày 04/06/2018 với giá tham chiều 128.000 đồng/cổ phiếu TCB. (Ảnh: TCB)

Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết là 1.165.530.720 cổ phần với giá niêm yết tham chiếu tại ngày giao dịch đầu tiên là 128.000 VND/cổ phần.

Trước đó, Techcombank cũng đã chào bán thành công hơn 164 triệu cổ phiếu phổ thông cho các quỹ đầu tư trên thế giới, qua đó thu về gần 1 tỷ USD. Với giá bán đạt bình quân 128.000 VND (tương đương 5,62 USD) một cổ phiếu, có thể thấy, các đối tác quốc tế đang định giá Techcombank khoảng 6,5 tỷ USD.

Trả lời câu hỏi của VietTimes về danh tính các nhà đầu tư quốc tế đã tham gia nhận chuyển nhượng trong thương vụ, đại diện Techcombank cho biết, danh mục các nhà đầu tư rất đa dạng, trải khắp trên các châu lục Á, Âu, Mỹ. Đó đều là các quỹ đầu tư tên tuổi và giàu uy tín trên thế giới; Hầu hết đều mong muốn mua với số lượng lớn.

Danh sách các nhà đầu tư chủ chốt (cornerstone investors) có sự hiện diện của một số cái tên như Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC); GIS.UL; Fidelity Management and Research; Dragon Capital… Được biết, số lượng cổ phần mà các nhà đầu tư chủ chốt đặt mua chiếm tới 76% lượng chào bán, một tỷ lệ cao so với các đợt chào bán ra công chúng khác.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc các nhà đầu tư này có cam kết nắm giữ cổ phiếu TCB lâu dài sau khi ngân hàng lên HoSE, đại diện Techcombank cho hay “câu trả lời là có và cũng là không”. Có nghĩa, một số nhà đầu tư chủ chốt thì cam kết giới hạn thời gian chuyển nhượng đến một năm, còn một số nhà đầu tư khác thì không cam kết.

Theo Cáo bạch, chốt tại ngày 11/05/2018, Techcombank có 1.901 cổ đông. Trong đó có 174 cổ đông nước ngoài, gồm 170 tổ chức và 4 cá nhân, nắm giữ tổng cộng 22,5% vốn điều lệ. Như vậy “room” ngoại tại TCB vẫn “hở” khoảng 7,5%.

Có một điểm cần nhấn mạnh là tất thảy 174 cổ đông ngoại hiện thời của Techcombank đều thuộc diện cổ đông nhỏ lẻ, không có cái tên nào nắm giữ tỷ lệ sở hữu từ 5% trở lên. Có nghĩa, nhóm này sẽ không bị ràng buộc về trách nhiệm công bố thông tin trong khi giao dịch cổ phiếu TCB (đặc biệt là giao dịch bán).

Lãnh đạo Techcombank khẳng định ngân hàng này chủ trương đa dạng cơ cấu sở hữu, không có ý định “khóa room” ngoại ở 22,5% và cũng không có nhu cầu tìm một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài làm cổ đông lớn.

Nhà băng có tỷ suất lợi nhuận cao nhất Việt Nam

Phát biểu tại buổi họp báo công bố kế hoạch niêm yết diễn ra vào sáng nay (23/5), ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng Giám đốc Techcombank khẳng định: “Năm 2018 đánh dấu một năm đầy sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam khi kinh tế đất nước tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Chúng tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để Techcombank niêm yết, sau gần 2 năm chuẩn bị để đảm bảo việc niêm yết mang lại lợi nhuận tốt nhất cho cổ đông và phù hợp với các quy định của pháp luật.”

Trải qua chặng đường 25 năm với tốc độ phát triển mạnh mẽ và những thành tích kinh doanh vượt trội, Techcombank hiện được đánh giá là nhà băng số một trên trong khối ngân hàng TMCP Việt Nam.

Theo BCTC, tính đến cuối năm 2017, Tổng tài sản của Techcombank đạt 269.392 tỷ đồng. So với các ngân hàng đang niêm yết/đăng ký giao dịch thì Techcombank thuộc nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản cao. Techcombank đạt kết quả đột phá về kinh doanh với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 8.036 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Tỷ suất Lợi nhuận sau thuế trên Vốn chủ sở hữu bình quân tăng mạnh và đạt 27,7% - cao nhất trong số các ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam. 

Kết quả hoạt động trong các năm vừa qua khẳng định mục tiêu chiến lược và định hướng, cũng như năng lực triển khai của Ngân hàng. Mặc dù không phải là ngân hàng lớn nhất về quy mô nhưng tới năm 2017, Techcombank dẫn đầu về hiệu quả và sự bền vững trong hoạt động tính theo các chỉ tiêu năng suất lao động, tỷ trọng thu nhập ngoài lãi, hiệu suất chi phí hoạt động, lợi nhuận sau thuế trên bình quân tổng tài sản (“ROAA”) và trên bình quân vốn chủ sở hữu (“ROAE”).

Không chỉ dẫn đầu các ngân hàng Việt Nam mà đứng trên bình diện khu vực, các chỉ số này cũng đưa Techcombank vào trong nhóm các ngân hàng hiệu quả nhất. Điều này phù hợp với kết quả đánh giá khảo sát của các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey hay Korn Ferry Hay Group, trong đó sức khỏe doanh nghiệp và mức độ hiệu quả nhân sự của Techcombank ở trong nhóm dẫn đầu trên thế giới trong ngành ngân hàng.

Ông Nguyễn Xuân Minh – phụ trách mảng Ngân hàng đầu tư kiêm Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) chia sẻ thêm: “Thị trường Việt Nam đang ở thời điểm chuyển mình quan trọng. Techcombank, với nền tảng công nghệ hiện đại, sự quyết liệt trong định hướng lấy khách hàng làm trọng tâm, và cam kết đầu tư phát triển nguồn nhân lực vững mạnh, cùng hệ thống quản trị rủi ro và vận hành xuất sắc, đã xác lập vị thế dẫn đầu tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng vị thế đó sẽ ngày càng được khẳng định và củng cố cùng với sự phát triển của nền kinh tế”.

Tại sự  kiện, Techcombank đồng thời công bố kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 14/06/2018 tới, nhằm trình Đại hội đồng cổ đông thông qua về phương án bổ sung vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu của Ngân hàng. Mục tiêu của đợt tăng vốn này nhằm chia sẻ cổ tức với cổ đông qua việc chia lợi nhuận giữ lại trong 3 năm gần nhất và lợi nhuận từ việc bán cổ phiếu quỹ  với mức vốn điều lệ mới là 34.970 nghìn tỷ đồng. Cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu tương đương với tỷ lệ 1:2 (với mỗi cổ phiếu hiện tại sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới).

Tổng Giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết: “Phương án tăng vốn điều lệ này nhằm mục đích chuyển đổi nguồn vốn chủ sở hữu thành vốn điều lệ để tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh, đáp ứng tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động, nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng; đồng thời, giúp Techcombank tiếp tục phát triển ổn định.  Giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ chia tương ứng. Tổng giá trị ngân hàng không thay đổi. Chúng tôi tin rằng Techcombank đang tiếp tục phát triển đúng hướng theo kế hoạch đã đề ra để đạt được cả mục tiêu chiến lược ngắn hạn và dài hạn của mình”.

Trong thời gian tới, Techcombank sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào các nền tảng cốt lõi mà Ngân hàng đã lựa chọn để tiếp tục triển khai chiến lược 2016 – 2020. Đáng chú ý là Ngân hàng sẽ đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng vào các dự án Chuyển đổi Công nghệ thông tin, để giúp Techcombank tiếp tục là một ngân hàng dẫn đầu về công nghệ như định hướng ngay từ khi thành lập của Techcombank.

Với mức giá niêm yết tham chiếu tại ngày giao dịch đầu tiên được ấn định ở mức 128.000 đồng, TCB sẽ trở thành cổ phiếu “vua” có thị giá “đắt” nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

Techcombank lên sàn đưa TCB trở thành cổ phiếu “vua” đắt nhất: Một số thông tin lưu ý... ảnh 1 Phương pháp tính giá mà Techcombank và đơn vị tư vấn của họ (CTCK Bản Việt) đã áp dụng.

Theo Techcombank, mức giá tham chiếu trên được xác định dựa trên việc tham khảo kết quả định giá cổ phiếu theo phương pháp thị trường, cụ thể là phương pháp so sánh hệ số P/E và P/B và phương pháp giá trị sổ sách. Với cơ sở so sánh là dự liệu của nhóm 6 ngân hàng đang niêm yết trên HoSE, gồm: BIDV (BID), Vietinbank (CTG), Vietcombank (VCB), MB (MBB), VPBank (VPB), ACB (ACB).

Tính theo phương pháp P/E, giá trị 01 cổ phiếu TCB đạt 178.309 đồng; còn tính theo phương pháp P/B, kết quả tương ứng đạt 90.303 đồng; Trong khi giá trị sổ sách của cổ phiếu TCB là 32.251 đồng. Với trọng số áp dụng lần lượt 60% : 30% : 10%, kết quả định giá cổ phiếu TCB tính theo trọng số là 137.301 đồng.

"Ngoài ra, ngày 07/05/2018, Techcombank đã thực hiện bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài với giá bán bình quân là 128.000 đồng/cổ phiếu (theo Báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu quỹ số 863/2018/HĐQT-TCB ngày 07/05/2018).

Theo đó, Techcombank đề xuất mức giá niêm yết để nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ở mức 128.000 đồng/cổ phiếu”, phía ngân hàng cho hay.

Như vậy, mức giá tham chiếu mà Techcombank đưa ra cho ngày giao dịch đầu tiên trên HoSE sẽ ngang bằng với mức giá bình quân mà ngân hàng này thực hiện bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài cách đây ít lâu.

Nhắc lại là 128.000 đồng/cổ phiếu!

Ở đây, cần lưu ý về các thương vụ giao dịch cổ phiếu quỹ ở Techcombank. Theo đó, quý 1 năm 2018, Techcombank đã thực hiện bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ công nhân viên và hai nhà đầu tư nước ngoài với tổng cộng số lượng cổ phiếu quỹ bán được là 107.942.188 cổ phiếu. Việc bán cổ phiếu quỹ này mang lại cho Techcombank thặng dư 6.100 tỷ đồng.
Techcombank lên sàn đưa TCB trở thành cổ phiếu “vua” đắt nhất: Một số thông tin lưu ý... ảnh 2 Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh. (Ảnh TCB)

Tuy nhiên hãy trở lại chỉ ít tháng trước đó:

Ngày 17/8/2017, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh có Báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết ngân hàng đã hoàn tất việc mua lại hơn 172,3 triệu cổ phiếu TCB làm cổ phiếu quỹ.

Nguồn cổ phiếu này vốn là phần cổ phần TCB mà cổ đông chiến lược HSBC nắm giữ trước đó ở Techcombank, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 19,41%.

Theo báo cáo, mức giá giao dịch bình quân giữa Techcombank và HSBC trong thương vụ là 23.445 đồng/cổ phần.

Thế nhưng chưa đầy nửa năm sau, cũng lô cổ phiếu quỹ, Techcombank đã tìm được đối tác để bán lại  – mà lại còn là nhà đầu tư quốc tế - và với mức giá cao gấp hơn 5 lần: 128.000 đồng/cổ phần.

Có vẻ HSBC đã quá ngây thơ (?!)…. (Thậm chí, theo một tính toán, rất có thể HSBC đã lỗ sau cuộc chơi 12 năm ở Techcombank).

Trao đổi với VietTimes về băn khoăn này sáng 23/5, Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho hay ông không thể bình luận quá nhiều, bởi quyết định thoái vốn phụ thuộc ý chí cũng như chiến lược kinh doanh của HSBC./.