Việc sa thải này căn cứ theo điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha và đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội Tây Ban Nha sử dụng điều này, kể từ năm 1978, khi ban hành hiến pháp mới.
Theo đó, điều 155 trong hiến pháp cho phép quốc hội Tây Ban Nha sa thải toàn bộ chính quyền của một vùng tự trị và thiết lập chính quyền một chính quyền khác trước khi tổ tổ chức bầu cử để lập ra chính quyền mới.
Trong tuyên bố trên mạng xã hội Twitter liên quan tới việc sa thải toàn bộ chính quyền của xứ Catalan, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy “kêu gọi người dân Tây Ban Nha bình tĩnh. Quy tắc luật pháp sẽ được tái lập hợp pháp tại Catalonia”.
Ông Mariano Rajoy cũng cam kết: “Chính phủ Tây Ban Nha chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ bảo vệ pháp luật, việc cùng tồn tại cũng như các quyền của tất cả công dân Tây Ban Nha”.
Hiện, các nước như Đức, Mỹ, Anh, Pháp, Úc đã lên tiếng ủng hộ lập trường và lựa chọn của Quốc hội Tây Ban Nha, cũng như của Thủ tướng nước này.
Trong khi đó. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncke cũng đã lên tiếng cảnh báo về xu hướng chia rẽ và ly khai trong châu Âu hiện nay.
Liên Hợp Quốc có phản ứng thận trọng hơn với sự kiện chính trị này.
Ông Farhan Haq - trợ lý phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc - nói cơ quan này đang “theo sát diễn biến tình hình. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khuyến khích tất cả các bên liên quan tìm kiếm giải pháp trong khuôn khổ Hiến pháp Tây Ban Nha và thông qua các kênh chính trị hợp pháp”.