Ngày 15/7, bình luận viên quân sự Macao đã có bài bình luận về các động thái của Hải quân Trung Quốc liên quan đến vụ kiện Trung Quốc của Philippines trong vấn đề Biển Đông.
Hoàng Đông cho rằng Trung Quốc gặp thất bại thảm hại trong vụ kiện là điều nằm trong dự tính. Trong tình hình này, ở Trung Quốc dấy lên làn sóng "chủ nghĩa quân phiệt", quân đội có nhiều động thái, trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lạm dụng ngôn từ “thô tục”, không được “văn minh” như cộng đồng quốc tế.
Theo Hoàng Đông, để thể hiện thực lực, phô diễn cơ bắp với thiên hạ, ngoài triển khai ngoại giao cứng rắn và ra sức tấn công dư luận, Bắc Kinh còn sử dụng lực lượng quan sự mạnh để răn đe.
Vì vậy, từ ngày 8 đến ngày 11/7/2016, 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc đã tụ tập ở vùng biển từ đảo Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), tiến hành một cuộc tập trận (phi pháp-PV) quy mô lớn, có tính chất "chống can thiệp/chống tiếp cận".
Trước hết, trước khi diễn ra cuộc diễn tập này Không quân Trung Quốc đã biên chế máy bay vận tải chiến lược Y-20. Bắc Kinh lựa chọn thời điểm này để công bố Y-20, bề ngoài dường như không liên quan đến tình hình Biển Đông, chỉ là một loại máy bay "phi vũ trang".
Nhưng, các đường băng do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên quần đảo Trường Sa (Việt Nam) đã được xây dựng theo tiêu chuẩn mà Y-20 có thể cất hạ cánh.
Lượng vận chuyển của một chiếc máy bay vận tải hạng nặng Y-20 tương đương với 3 máy bay vận tải Y-8 hoặc Y-9, do đó nó có năng lực bảo đảm hậu cần to lớn trong thời chiến, hỗ trợ cho việc kiểm soát trên không và trên biển, có giá trị và ý nghĩa chiến lược rất lớn.
Đáng chú ý, sau khi 5 chiến khu được thành lập, lần đầu tiên có bốn quan chức Quân đội Trung Quốc đeo lon Thượng tướng (trong đó có 2 Đô đốc) xuất hiện và tham gia chỉ đạo diễn tập trực tiếp tại hiện trường.
Đồng thời, cuộc diễn tập này đã sử dụng tới khoảng 100 tàu chiến của 3 hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc, hơn nữa còn sử dụng tên lửa bờ đối hạm tầm xa YJ-62 bố trí (bất hợp pháp) trên đảo Phú Lâm (Đà Nẵng, Việt Nam), ngoài ra, còn có vài chục máy bay chiến đấu không quân, tên lửa phòng không tầm xa HQ-9.
Trong cuộc diễn tập, lực lượng quân sự Trung Quốc đã chia làm "quân đỏ, quân xanh" (thuật ngữ chiến thuật quân sự) để tiến hành diễn tập đối kháng thực binh sát chiến đấu thực tế, không đưa ra kịch bản trước.
Tham gia cuộc tập trận này, tàu khu trục Quảng Châu Type 052B có năng lực phòng không tầm trung, đã biên chế trên 10 năm, vốn không còn gì đặc biệt. Nhưng, trong các hình ảnh được công bố, tàu này đã bắn tên lửa hạm đối không Shtil do Nga chế tạo thì lại có vấn đề.
Trong lúc bắn đạn thật, ngoài tên lửa được bắn từ đầu tàu, một nắp chống nước phía dưới lại mở ra. Điều này cho thấy trên một chiếc tàu cũ đáng lẽ rất có ý thức tác chiến, trong chiến đấu thực tế vẫn xuất hiện sai lầm nhỏ không đáng có.
Khi nắp chống nước này bị mở ra, nó đã hoàn toàn phá hoại môi trường bảo đảm cao áp trong tàu chiến. Một khi đầu tàu trúng đạn thì các mảnh đạn có thể bay thẳng vào trong tàu gây ra thương vong. Nhiên liệu nhiệt độ cao ở đuôi tàu có thể sẽ chảy vào đường ống của tàu, đe dọa mạng sống của binh sĩ.
Điều này cho thấy binh sĩ tàu này có ý thức chiến đấu thực tế kém. Một việc nhỏ như vậy sẽ phản ánh được hoạt động huấn luyện của Quân đội Trung Quốc tồn tại nhiều vấn đề.
Ngoài ra, tàu khu trục phòng không Thẩm Dương Type 051C cũng đã lần đầu tiên đến Biển Đông tham gia tập trận. Tháng 4/2015, nó mới lần đầu tiên được thử nghiệm tên lửa phòng không tầm xa S300FM, tấn công mục tiêu tàu chiến mặt nước.
"Sát thủ tàu sân bay" nặng 300 kg lần đầu tiên xuất hiện?
Tuy nhiên, trong cuộc diễn tập lần này không thấy có tin tiếp theo về vấn đề này. Song, ít nhất cho thấy, trên phương diện này, Trung Quốc có sự tiếp cận với tên lửa SM-6 của Mỹ.
Trong các hình ảnh mới nhất của cuộc diễn tập đã lần đầu tiên xuất hiện cái gọi là "sát thủ tàu sân bay" - tên lửa chống hạm siêu âm YJ-12 bắn từ máy bay ném bom H-6M/G. Tính năng của YJ-12 tương đương với tên lửa Hùng Phong-3 mà Đài Loan bắn nhầm vào ngày 1/7/2016.
Điều kỳ lại nhất và gây tranh cãi là những giải thích không xác thực của quan chức. Ngoại hình của YJ-12 chứng minh, nó chỉ là loại cải tiến của YJ-91 - loại tên lửa nhập khẩu của Nga, nhưng chưa được biên chế nhiều.
Tên lửa này ngoài việc lắp radar và điều khiển máy tính, hoàn toàn không có gì đáng để vui mừng. Điều đáng buồn cười là những lời nói của Thiếu tướng Doãn Trác, một tướng học giả được cho là đáng tin cậy với người Trung Quốc thì nay cũng "không đáng tin".
Thể tích, chiều dài của tên lửa YJ-12 giống với tên lửa Hùng Phong-3 Đài Loan, dài khoảng 6,2 m, đường kính 0,5 m, đạn nặng khoảng 1,5 tấn, tốc độ cao nhất có thể đạt 3 Mach. Sau cải tiến, tầm bắn tối đa của Hùng Phong-3 mới trên 300 km, nhưng trước đó, tướng học giả Doãn Trác đã chê bai "không thương tiếc” tên lửa Hùng Phong-3.
Trong khi đó, ông ta nhiều lần nói rằng tầm bắn của tên lửa YJ-12 gần gấp đôi tên lửa BrahMos do Nga-Ấn hợp tác nghiên cứu chế tạo, tức là lên tới 600 km. Trên thực tế, tên lửa YJ-12 với các đặc điểm của nó sẽ không thể có được tầm bắn như vậy.
Những nhà quan sát quân sự lâu năm phán đoán loại tên lửa này có tầm bắn cao nhất cũng chỉ khoảng 300 km, có thể khai hỏa ngoài vòng hỏa lực phòng không của Quân đội Mỹ. Thực sự có tầm bắn 600 km là tên lửa hành trình chống hạm CJ-10, đó là tên lửa chống hạm cận âm tầm xa YJ-100.
Tướng học giả Doãn Trác rõ ràng đã nhớ sai. Còn việc nói 2 quả tên lửa loại này với đầu đạn nặng khoảng 300 kg mà có thể bắn chìm tàu sân bay thì đó là một câu chuyện hoang đường.
Khó dọa được Mỹ
Trước khi công bố kết quả phán quyết của PCA, ngày 11/7 lại xuất hiện một hình ảnh hoạt động trên mặt nước của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094A, đây rõ ràng lại là một "kiệt tác" khoe cơ bắp của Bắc Kinh. Bởi vì nếu hình ảnh này do người dân đăng tải lên trong thời điểm nhạy cảm như vậy chắc chắn sẽ bị lực lượng quản lý mạng xóa đi.
Trong hình ảnh rõ ràng nhìn thấy ngoại hình cầu tàu kiểu cánh trở nên tròn trịa và lần đầu tiên hủy bỏ mạn tàu phía sau, phía trước cũng có sự khác biệt.
Mu rùa khoang tên lửa phía sau trở nên bất ngờ cao lớn hơn, nhìn toàn bộ hình dạng con tàu từ xa sẽ thấy xấu xí hơn, lực cản ma sát dưới nước và tiếng ồn lớn hơn Type 094, thiết kế vẫn lạc hậu và không hoàn thiện.
Điều đáng chú ý là bài viết của nhà thiết kế tàu này ám chỉ lò phản ứng của nó đã có khả năng làm lạnh tuần hoàn tự nhiên cục bộ, có thể sẽ triệt tiêu một phần tiếng ồn tăng lên do sự lạc hậu về ngoại hình của tàu, điều này vẫn còn chưa rõ.
Có người nói Type 094A được lắp tên lửa chiến lược JL-2 thậm chí JL-3, đây là điều không đáng tin cậy. Tên lửa tầm xa JL-2 và JL-3 được phát triển song song, tầm bắn lớn nhất đều hơn 7.000 km, chỉ trang bị cho Type 094.
JL-2A và JL-3 vẫn đang phát triển, trong đó JL-2A có nguồn gốc từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31A, tầm bắn của chúng đều có thể đạt 11.000 km, là loại tăng tầm của JL-2, nhưng vẫn sử dụng một đầu đạn.
Phát triển JL-3 có độ khó lớn hơn, tầm bắn xa hơn, đầu đạn nhiều hơn, là con át chủ bài của tàu ngầm Type 096 tương lai. Do đó, có thể thấy, tàu ngầm Type 094A vẫn trang bị tên lửa JL-2A đang chế tạo thử. Nếu dùng tiếp tên lửa JL-2, mu rùa của khoang tên lửa sẽ không cần tiếp tục đôn cao lên.
Qua các nguồn tin khác nhau có thể thấy, tên lửa JL-2A chưa hoàn thành, Hải quân Trung Quốc vẫn trong tình trạng "có khoang, không có đạn", tàu ngầm phải chờ có đạn. Hiện nay, khoang tên lửa chỉ để trống không, đã lặp lại vết xe đổ của Type 094.
Một chiếc tàu ngầm hạt nhân bằng vỏ không như vậy làm sao có thể dọa được Mỹ - bình luận viên quân sự Ma Cao là Hoàng Đông kết luận.