Theo truyền thông Mỹ, ngày 26.11, Hải quân Mỹ đã cho tàu tuần dương mang tên lửa đạn đạo USS Chancellorsville vào hoạt động trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép. Bản tin dẫn lời ông Nate Christensen, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) nói, tàu tuần dương USS Chancellorsville đã vào gần quần đảo Hoàng Sa để “thách thức yêu sách quá đáng của Trung Quốc về chủ quyền trên biển và bảo vệ tự do hành trình trên biển theo luật quốc tế”. Bản tin cũng dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, trong khi chiếc tàu Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ đã bị một tàu Trung Quốc bám theo, “nhưng mọi động tác qua lại đều thuộc phạm vi an toàn và chuyên nghiệp”.
Theo trang tin Bát Nhất của quân đội Trung Quốc, Bộ Tư lệnh chiến trường miền Nam của quân đội Trung Quốc đã xác nhận sự kiện này. Người phát ngôn Lý Hoa Mẫn của Bộ Tư lệnh nói, quân đội Trung Quốc đã “tổ chức lực lượng trên biển và trên không, theo dõi, giám sát tàu Mỹ; nhận biết đối tượng và cảnh cáo, xua đuổi”.
Trang tin Đông Phương cho biết, chiều 30.11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói: tàu chiến hải quân Mỹ "chưa được phía Trung Quốc cho phép đã tự ý đi vào" vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã cử tàu chiến và máy bay giám sát và cảnh cáo, xua đuổi; phía Trung Quốc cũng đã “nghiêm khắc giao thiệp” với phía Mỹ.
Cảnh Sảng nói, hành vi của tàu Mỹ đã “vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật quốc tế liên quan, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc, phá hoại hòa bình, an ninh và trật tự trên biển”. Ông ta nói, Trung Quốc “kiên quyết phản đối hành động của phía Mỹ, nhắc nhở Mỹ ngừng ngay hành động khiêu khích” và đe dọa “phía Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”.
Dư luận cũng đặt câu hỏi về việc tại sao Bắc Kinh phản ứng về sự kiện này quá chậm trễ so với vụ 2 tàu hải quân Mỹ đi xuyên qua eo biển Đài Loan hôm 28.11, nhưng ngôn từ lại mạnh mẽ hơn hẳn?