Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều tiền vào các máy móc quân sự và đưa ra những tuyên bố hung hăng hơn về các chuỗi đảo đang tranh chấp. Các đối thủ của Trung Quốc trong khu vực đang đầu tư vào vũ khí có thể giảm bớt uy lực của quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc. Các nước láng giềng của Trung Quốc đang chi mạnh tay vào tàu ngầm với máy móc chạy bằng động cơ điện –diesel êm ru có khả năng qua mặt hệ thống phòng thủ của Trung Quốc.
Vì vậy, từ khi Úc thông báo rằng các kế hoạch kỹ thuật chi tiết, tổng cộng gần 20.000 trang về loại tàu ngầm do Pháp sản xuất đã bị rò rỉ từ nơi sản xuất, phản ứng khủng hoảng đã lan rộng. Kế hoạch bị rò rỉ phác họa chi tiết khả năng của chiếc tàu lớp Scorpene do Ấn Độ mua lại và New Delhi ngay lập tức yêu cầu chính quyền Pháp điều tra làm cách nào mà nhà máy đóng tàu nổi tiếng DCNS lại để xảy ra sự việc này.
Ở Úc, nơi DCNS vừa được lựa chọn để xây dựng chiếc tàu ngầm thế hệ tiếp theo, các quan chức đã cảnh báo nhà thầu cần đẩy mạnh an ninh. Phản ứng dữ dội này cho thấy vị trí trung tâm của tàu ngầm trong cuộc chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng ở châu Á. Tàu ngầm là một trong số những vũ khí được các nước thận trọng chú ý trong quá trình xây dựng quân đội của Trung Quốc, điều này đã gửi đi một lời cảnh báo rằng họ không định ngồi yên nếu Trung Quốc khẳng định lợi ích quốc gia thông qua cưỡng chế và hành động đơn phương, đặc biệt là trên Biển Đông.
Theo Foreign Policy, Úc, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ có thể không làm gì được với việc Trung Quốc lắp đặt radar và triển khai tên lửa trên bờ biển Trung Quốc, cũng như mở rộng hạm đội tàu hải quân và máy bay, nhưng các nước này có thể xây dựng các hạm tàu có khả năng hoạt động dưới hàng rào hải quân của Trung Quốc.
Đó là bởi trong khi Trung Quốc chi nhiều tỷ đô la để nâng cấp lực lượng quân đội trên nhiều mặt, từ máy bay chiến đấu đến các tàu khu trục, khả năng tác chiến chống tàu ngầm của nước này vẫn rất lạc hậu, Bryan Clark, một chuyên gia cao cấp tại Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách nhận định. Và điều đó đã trao cho các nước địch thủ của Trung Quốc một lựa chọn chiến thuật.
“Những nước này thực sự đang coi tàu ngầm là lực lượng chủ đạo của hải quân”, ông Clark cho hay.
Ông Jonathan Greenert, cựu Tham mưu trưởng hải quân Mỹ cho rằng tàu ngầm là một vũ khí hấp dẫn cho các nước châu Á- Thái Bình Dương và chính quyền các nước trong khu vực có khả năng sẽ tăng thêm chi tiêu vào tàu ngầm trong bối cảnh quan ngại đang gia tăng về kho vũ khí tên lửa của Trung Quốc.
“Bạn có thể tung ra sức mạnh hủy diệt một cách bí mật và đó là một sự răn đe. Chúng tôi ngày càng nhân thấy xu hướng này”, ông Greenert cho hay.
Đó là lí do vì sao tin tức vừa rồi về vụ rò rỉ dữ liệu của tàu ngầm tối tân lại đáng lo với một số nước như Ấn Độ và Úc đến vậy. Cả hai nước đều mua tàu ngầm hiện đại từ tập đoàn đóng tàu Pháp DCNS. Vụ rò rỉ này tiết lộ thông tin tối quan trọng về thời gian lặn, tầm bắn của ngư lôi và trên hết là thông tin về độ ồn tạo ra khi hoạt động dưới nước.
Emmanuel Gaudez, người phát ngôn DCNS nói rằng vụ rò rỉ là “vấn đề nghiêm trọng đang được điều tra bởi chính phủ Pháp vì lợi ích an ninh quốc phòng”, “chính phủ sẽ xác định bản chất của thông tin rò rỉ, thiệt hại tiềm năng tới khác hàng của DCNS cũng như trách nhiệm đối với vụ rò tỉ này”.
Foreign Policy nhận định, cuộc chạy đua tàu ngầm xảy ra khi Trung Quốc chặn không cho các đối thủ vào vùng biển quanh bờ biển nước này thông qua việc mở rộng chuỗi căn cứ tên lửa và hải quân. Các hệ thống radar có thể phát hiện tàu bè của Mỹ, Nhật Bản và các nước khác đi tuần tra ở Tây Thái Bình Dương. Các vệ tinh tiên tiến từ không gian có thể đánh dấu mục tiêu tiềm năng và Trung Quốc đã triển khai hàng loạt khẩu đội tên lửa có khả năng đánh trúng mục tiêu nằm cách xa bờ biển nước này hàng trăm dặm.
Trong khi đó, Việt Nam đã chi 2.6 tỷ USD mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất từ năm 2009 để triển khai ở vịnh Cam Ranh. Loại tàu ngầm chạy bằng điện-diesel lớp Kilo có khả năng vận hành cực êm, gần như không phát ra tiếng động, đồng thời được trang bị dàn ngư lôi tầm ngắn và tên lửa chống tàu tầm bắn 188 dặm. Những tàu ngầm này sẽ buộc Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ trước khi đối đầu với Việt Nam. Việt Nam cũng xem xét mua lại máy bay tuần tra săn ngầm P-3 Orion của Mỹ để theo dõi tàu ngầm Trung Quốc.
Theo Foreign Policy, mặc dù Trung Quốc có hạm đội khổng lồ gồm 70 tàu ngầm, vượt xa hải quân Việt Nam, Trung Quốc khó có thể theo dõi được tàu ngầm mới của Hà Nội, chúng có khả năng di chuyển tàng hình và tấn công giống như lực lượng du kích dưới lòng biển. Hạm đội tàu ngầm đã đem lại cho Việt Nam một chiến lược tác chiến phi đối xứng với một đối thủ mạnh hơn nhiều. Trong khi, Việt Nam vẫn giữ chiến lược chiến đấu truyền thống được mài dũa qua các chiến thắng lừng lẫy trước những cường quốc hàng đầu như Pháp và Mỹ.
Việc Việt Nam mua tàu ngầm là một phần của hiện trạng gia tăng chi tiêu quốc phòng khắp châu Á. Trong thập kỷ vừa qua, các nước trong khu vực đã xây dựng quân đội tiên tiến dẫn đầu bởi chi tiêu mua vũ khí khổng lồ của Trung Quốc. Chi tiêu mua bán vũ khí của Châu Á năm 2015 tăng 5,4% so với năm 2004, trong khi toàn thế giới chỉ tăng 1%, theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.
Indonesia cũng mua bán các tàu ngầm tàng hình chạy bằng diesel và đang lo việc mở rộng hạm đội tàu ngầm từ 2 chiếc lên 7 chiếc. Năm ngoái nước này công bố kế hoạch mua thêm chiếc tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất và đang đợi chuyển giao 3 chiếc tàu ngầm do Hàn Quốc xây dựng đặt từ năm 2012. Jakarta đã lên kế hoạch triển khai một vài chiếc cùng với máy bay chiến đấu ra căn cứ trên đảo Natuna, khu vực chồng lấn tuyên bố lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Ấn Độ đã báo động vì Trung Quốc bắt đầu triển khai tàu ngầm trên Ấn Độ Dương trong những năm gần đây và chính phủ đã cam kết một kế hoạch đầy tham vọng xây dựng 24 chiếc tàu ngầm trong 30 năm tới để theo kịp năng lực tác chiến dưới biển của Trung Quốc.
Nhưng dự án tàu ngầm Scorpene đã bị cản trở bởi sự chậm trễ và chậm hơn kế hoạch vài năm. Chiếc tàu ngầm đầu tiên lớp này được xác định sẽ vận chuyển vào năm 2012 nhưng chiếc INS Kalvari, chiếc đầu tiên trong số 6 chiếc Scorpene mới chỉ ra biển thử nghiệm vào năm nay.
Với dự án Scorpene đã thụt lùi, việc rò rỉ hàng nghìn trang thông tin nhạy cảm về tàu ngầm khiến các quan chức Ấn Độ lo lắng. Bí mật đổ bể cũng khiến nước Úc rùng mình vì chính phủ nước Úc đã trả 38 tỷ USD hợp đồng với DCNS để xây dựng tàu ngầm tiên tiến này. Dựa trên thiết kế tàu ngầm hạt nhân mới của Pháp, chiếc Shortfin Barracuda sẽ trang bị cho Úc khả năng triển khai sức mạnh khắp đại dương đến tận phía bắc nước Úc.
Chiếc Shortfin Barracuda là một phiên bản thu nhỏ của tàu ngầm hàng đầu nước Pháp dùng động cơ hạt nhân thay cho diesel- điện. Đây là loại tàu ngầm có khả năng cao có thể thực hiện những nhiệm vụ dài hơn trên biển và được trang bị với hệ thống kiểm soát chiến tranh của Mỹ. “Đây là chiếc tàu ngầm diesel tốt nhất trên thế giới,” ông Clark khẳng định.
Pháp cũng vận động hành lang rất vất vả để giành được bản hợp đồng béo bở này cho DCNS, vượt qua sự phản đối của Mỹ. Nhà Trắng đã ép nước Úc ký hợp đồng với Nhật để củng cố căn cứ quân sự công nghiệp với Nhật Bản vào thời điểm Mỹ đang tìm kiếm sự trợ giúp của đồng minh quan trọng ở Đông Á để chia sẻ trách nhiệm lớn lao trong việc chống lại những động thái quân sự ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
Sự cố DCNS rò rỉ thông tin cực kỳ nhạy cảm về tàu ngầm Scorpene đã dấy lên câu hỏi về an ninh thông tin của công ty này và liệu nó có thể giữ các bí mật về thông tin kỹ thuật tàu thuyền khi đối diện với lợi ích quan trọng của Trung Quốc. Vụ vi phạm dữ liệu này được đẩy lên hàng đầu trong chương trình nghị sự khi Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đối thoại với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Lầu Năm Góc.
Các hậu quả tiềm năng từ vụ rò rỉ có thể mở rộng sang cả các nước khác, những nước cũng đặt cùng loại tàu ngầm Scorpene bao gồm Chile, Malaysia và Brazil.