Hãng tin Hong Kong FactWire ngày 5-7 đăng một phóng sự điều tra hé lộ việc SMRT “bí mật” vận chuyển 26 đoàn tàu (tuổi thọ chưa đến 5 năm) trả cho nhà sản xuất ở Trung Quốc để khắc phục lỗi.
Đây là số hàng sản xuất từ liên doanh Công ty TNHH đường sắt miền nam Sifang (CSR Sifang Co. Ltd) ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, với Tập đoàn Kawasaki Heavy Industries của Nhật.
Trả lời chất vấn của truyền thông, giám đốc điều hành SMRT Lee Ling Wee giải thích: “Các kỹ sư của chúng tôi phát hiện 26/35 đoàn tàu có những vết nứt trong cấu trúc nối thân toa với giàn dưới của toa sau khi nhà sản xuất chuyển giao năm 2013.
Chúng tôi đang hợp tác với Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) và nhà sản xuất để khắc phục vấn đề này”.
Che mắt công chúng
Trong bài phóng sự, FactWire cho biết họ kiểm chứng và ghi nhận được toàn bộ quá trình vận chuyển các toa tàu ở Singapore nhờ một nguồn tin chỉ điểm ở Trung Quốc đại lục. Nguồn tin này khẳng định SMRT đang bí mật gửi trả những đoàn tàu bị lỗi về Trung Quốc để sửa chữa và thay thế.
Sau khi chứng kiến đoàn xe vận tải có cảnh sát hộ tống di chuyển từ kho chứa Bishan của SMRT đến cảng Jurong nằm ở khu vực công nghiệp phía tây Singapore, các phóng viên FactWire sau đó tiếp tục xác nhận sự hiện diện của các đoàn tàu này ở nhà máy CSR Sifang nằm ở quận Chengyang, thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc).
Các đoàn tàu bị lỗi thuộc series C151A của SMRT. Tháng 5-2009, LTA trao gói thầu sản xuất C151A cho tập đoàn liên doanh giữa Kawasaki Heavy Industries và CSR Sifang, đơn vị có giá bỏ thầu thấp thứ hai sau một công ty Hàn Quốc. Nhà chức trách Singapore quyết định chọn liên doanh này sau khi đánh giá chất lượng sản phẩm.
Có tổng cộng 22 đoàn tàu (loại sáu toa) được đặt hàng trị giá khoảng 368 triệu USD. Singapore sau đó đặt thêm 13 đoàn tàu nữa cùng series này vào năm 2011. Từ tháng 5-2011 đến năm 2014, tổng cộng 35 đoàn tàu được nhà sản xuất bàn giao cho Singapore và đưa vào sử dụng.
Theo điều tra của FactWire, phía SMRT dường như hoàn toàn hiểu rõ về những khiếm khuyết đã được phát hiện trong các đoàn tàu của nhà sản xuất Trung Quốc, tuy nhiên các báo cáo trước đây của SMRT chưa từng công bố điều này cho công chúng.
Từng có những sự cố liên quan đến các toa tàu của SMRT nhưng hầu hết đều không được giải thích đến nơi đến chốn. Ví dụ như trường hợp một toa tàu bị vỡ tấm kính trong khoang hành khách hồi tháng 5-2015, may mắn không ai bị thương nhưng công ty không cung cấp thêm thông tin nào sau đó.
Chất lượng kém từ đầu
FactWire dẫn các nguồn tin từ Trung Quốc đại lục và Singapore khẳng định nhiều vấn đề đã được phát hiện trong series C151A kể từ khi loại tàu này bắt đầu hoạt động năm 2011. Thông tin cho rằng các đoàn tàu này được sản xuất quá kém chất lượng, như tấm kính chắn cạnh ghế hành khách thường xuyên bị vỡ...
Rồi năm 2011, bộ pin “Made in China” cung cấp năng lượng dự phòng cho một đoàn tàu phát nổ trong quá trình sửa chữa ở Singapore. Sau sự cố này, liên doanh Kawasaki Heavy Industries/CSR Sifang phải thay toàn bộ pin Trung Quốc bằng pin sản xuất ở Đức.
Loại tàu C151, tiền thân của C151A, được Tập đoàn Kawasaki Heavy Industries ở Nhật sản xuất từ thập niên 1980. Hai mẫu này giống nhau về thiết kế nhưng C151 được SMRT sử dụng từ năm 1987 đến nay mà không gặp lỗi nào.
Tháng 12-2011, hàng loạt trục trặc nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường sắt bắc - nam được SMRT quản lý và người ta nghi ngờ nguyên nhân gây ra do các đoàn tàu C151A. Một nhà thầu phụ chịu trách nhiệm cung cấp linh kiện cho CSR Sifang thừa nhận sau vụ việc này SMRT đã giảm đáng kể tần suất chạy của C151A và hoãn thanh toán các đơn hàng chưa giao.
Nguồn tin từ ngành công nghiệp đường sắt Trung Quốc xác nhận vấn đề chất lượng của loại tàu C151A trở nên tồi tệ hơn từ năm 2013. Họ cho biết các vết nứt được phát hiện trong các thành phần cấu trúc, bao gồm sàn phụ, các bộ phận có chức năng chống đỡ... Tạp chất trong khung gầm bằng nhôm của C151A được cho là nguyên nhân gây ra các vết nứt trên sản phẩm của CSR Sifang.
Bí ẩn từ các hợp đồng
Trang The Online Citizen của Singapore bình luận mọi người có thể “cảm thấy rùng mình” bởi mức độ che giấu sự việc của SMRT. Bên cạnh đó, Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) trong tư cách một cơ quan chính phủ (thuộc Bộ Giao thông Singapore) cũng không đề cập gì vấn đề này.
Ngoài bản hợp đồng năm 2009, LTA còn ký thêm một số hợp đồng với liên doanh Kawasaki Heavy Industries và CSR Sifang, trong đó gồm hợp đồng 749 triệu USD mua 91 đoàn tàu bốn toa, một hợp đồng khác 136,8 triệu USD mua 12 đoàn tàu sáu toa...
Hiện vẫn chưa rõ sản phẩm của các hợp đồng khác có bị lỗi như đơn hàng 2009 hay không. Điều khó hiểu là tại sao LTA đã biết về sự tồn tại của những khiếm khuyết nhưng vẫn tiếp tục mua tàu điện của nhà sản xuất Trung Quốc.
Cổ đông lớn nhất của SMRT hiện nay là Temasek Holdings, một quỹ đầu tư Singapore do bà Hà Tinh - vợ của đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long - điều hành.
Theo Tuổi Trẻ