Đêm 18/3, hàng ngàn người đã tập hợp trước cổng Bảo tàng quốc gia Bardo ở Tunis để thắp nến tưởng niệm các nạn nhân. Ảnh: AP |
Trung tâm giám sát các trang web Hồi giáo cực đoan SITE của Mỹ thông báo phiến quân Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) đã phát băng ghi âm nhận trách nhiệm tổ chức vụ tấn công và bắt con tin tại Bảo tàng quốc gia Bardo hôm 18/3 ở Tunis (Tunisia).
Nhà nước Hồi giáo khẳng định hai tên tấn công là công dân Tunisia và là “hiệp sĩ của Nhà nước Hồi giáo”, nhắm đến mục tiêu là Bảo tàng quốc gia Bardo chứ không phải tòa nhà Quốc hội. Chúng khẳng định đây là vụ tấn công đầu tiên của đợt tấn công lớn hơn.
Trước đó, Thủ tướng Tunisia Habib Essid cho biết hai tên này tên là Jaber al-Khashnawi và Yassin al-Ubaidi. Bộ Nội vụ Tunisia thông báo hai tên này là công dân Tunisia, trạc 20 tuổi. Chín tên tình nghi đã bị bắt.
Vụ tấn công bảo tàng kéo dài gần bốn tiếng. Ban đầu trên các trang web Hồi giáo cực đoan xuất hiện thông tin khẳng định hai tên tấn công chủ ý đánh vào mục tiêu tòa nhà Quốc hội nhưng bị lực lượng cảnh vệ đẩy lui nên quay sang tấn công bảo tàng cạnh đó.
Sau vụ tấn công, dư luận chú ý đặc biệt đến hai tổ chức Hồi giáo cực đoan:
- Đội quân Okba ibn Nafaa là chi nhánh ở Tunisia của tổ chức Al Qaeda ở Bắc Phi Hồi giáo (hoạt động ở Bắc Phi). Chúng hoạt động từ năm 2012.
- Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) chưa có chi nhánh ở Tunisia nhưng đã có 3.000 công dân Tunisia gia nhập khủng bố ở Iraq, Syria và hàng trăm tên ở Libya.
Đêm 18-3, trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi tuyên bố: “Tôi muốn nhân dân Tunisia hiểu rằng chúng ta đang tuyên chiến với khủng bố”. Ông khẳng định: “Chúng ta không bao giờ biết đến khủng bố ở Tunisia. Khủng bố được nhập khẩu”.
Ông đã gợi lên tình hình bất ổn ở nước láng giềng Libya chính là nguyên nhân dẫn đến khủng bố ở Tunisia.
Ngoại trưởng Tunisia Taieb Baccouche khẳng định tình hình bất ổn ở Libya là vùng đất màu mỡ nuôi dưỡng khủng bố ở Tunisia.
Libya là địa bàn phiến quân Nhà nước Hồi giáo đang mở mặt trận, sau Syria và Iraq.
Libya có đường biên giới giáp Tunisia dài 459 km. Ở Libya có hai chính phủ và hai Quốc hội. Chính phủ được quốc tế công nhận thì rút về Tobruk ở miền Đông, còn chính phủ của liên minh dân quân Hồi giáo lại đang kiểm soát thủ đô Tripoli. Một bộ phận dân quân công khai liên kết với Nhà nước Hồi giáo.
Tháng 12-2014, trong băng video quay ở Syria, một phần tử Nhà nước Hồi giáo người Pháp gốc Tunisia tên Boubaker El Hakim đã nhận trách nhiệm sát hại hai nhà chính trị đối lập ở Tunisia Chokri Belaid và Mohamed Brahmi. Hắn còn hô hào: “Bọn mày sẽ không sống yên chừng nào Tunisia chưa áp dụng luật Hồi giáo”.
Chuyên gia Slaheddine Jourchi người Tunisia nhận định: “Các nhóm Hồi giáo cực đoan đã đưa ra quyết định chiến lược là đưa thanh niên sang Syria huấn luyện và đào tạo cán bộ để sẵn sàng trở về Tunisia tấn công”.
Trả lời báo Pháp Le Figaro, chuyên gia Jean-Charles Brisard, chủ tịch Trung tâm Phân tích chủ nghĩa khủng bố (Pháp), nhận xét Libya là tâm chấn của nguy cơ khủng bố toàn Bắc Phi. Ngoài giả thiết Đội quân Okba ibn Nafaa ở Tunisia muốn tấn công Bảo tàng quốc gia Bardo để chứng minh thực lực, ông cho rằng Nhà nước Hồi giáo cũng có thể là thủ phạm. Mục đích nhằm cạnh tranh với các tổ chức khủng bố khác hoặc mở rộng xung đột từ Libya sang Tunisia.
__________________________________
21 người chết trong vụ tấn công Bảo tàng quốc gia Bardo (một cảnh sát Tunisia và 20 du khách nước ngoài) và 44 người bị thương, theo thông báo hôm 19-3 của Bộ Y tế Tunisia. 13/20 du khách thiệt mạng đã được nhận dạng thuộc các quốc tịch Nhật, Pháp, Tây Ban Nha, Úc, Anh, Bỉ, Ba Lan, Ý. Trong đó có chín người là hành khách tàu du lịch MSC Splendida.
Theo: BizLive