Tại sao Trung Quốc thường xuyên cử chiến đấu cơ thâm nhập ADIZ Đài Loan?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Việc Trung Quốc thường xuyên cử chiến đấu cơ vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan có nhiều mục đích; theo các nhà quan sát quân sự.  
Chiến đấu cơ Đài Loan theo đuôi một máy bay ném bom của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan (Ảnh: Handout)
Chiến đấu cơ Đài Loan theo đuôi một máy bay ném bom của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan (Ảnh: Handout)

Ngoài mục đích huấn luyện phi công và đe dọa Đài Loan, các chuyến bay này còn nhằm thu thập thông tin tình báo về Mỹ và các nước đang hoạt động ở khu vực nằm giữa Kênh Bashi và Biển Đông, đồng thời giúp binh sĩ của quân đội Trung Quốc (PLA) làm quen với khu vực này.

Dữ liệu mà Cơ quan Quốc phòng Đài Loan công bố cho thấy, kể từ khi những vụ việc như vậy bắt đầu từ năm ngoái đến nay, đã có hơn 650 chiến đấu cơ của PLA đã đi vào ADIZ Tây Nam của ĐàiLoan để đến Kênh Bashi – cánh cửa dẫn tới Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.

Phần lớn các vụ việc chỉ có sự tham gia của số lượng nhỏ chiến đấu cơ, nhưng cũng có một vài vụ có sự tham gia của ất nhiều máy bay, như vụ 25 máy bay của PLA đi vào ADIZ Đài Loan trong hôm 12/4 – vụ việc quy tụ nhiều máy bay nhất, và đáng chú ý nhất tính từ tháng 9/2020.

Việc phản ứng trước các vụ việc như vậy là hao tổn chi phí và khiến lực lượng không quân vốn nhỏ hơn nhiều của Đài Loan mệt mỏi. Cứ mỗi lần có vụ việc kiểu này xảy ra, Đài Loan lại phải cử nhiều chiến hạm tới xua đuổi máy bay PLA, thường là từ 2 – 4 lần mỗi vụ.

Năm ngoái, không quân Đài Loan tốn gần 30 tỉ Đài tệ (1 tỉ USD) và thêm 20% thời lượng bay để đối phó với các vụ thâm nhập. Tháng trước, lực lượng vũ trang Đài Loan nói rằng họ đã sẽ ngừng triển khai chiến đấu cơ mỗi khi các vụ tương tự xảy ra, và chỉ sử dụng các máy bay có tốc độ chậm hơn cùng radar mặt đất để theo dõi.

Các nhà quan sát nói rằng bầu trời và vùng biển ở Tây Nam Đài Loan, nơi mà Mỹ cũng tăng cường các hoạt động quân sự, đã trở thành tuyến đường quan trọng đối với máy bay và tàu thuyền của PLA trong những năm gần đây.

“PLA có kế hoạch quân sự riêng cho khu vực này, không chỉ là huấn luyện lực lượng không quân để chuẩn bị cho viễn cảnh đánh chiếm Đài Loan, mà còn để kiểm tra sự sẵn sàng chiến đấu của phi công và chiến đấu cơ” – Chieh Chung, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại ĐH Tamkang, Đài Loan, nói.

Ông Chieh Chung cho rằng, việc sử dụng các chuyến bay quy mô lớn cùng nhiều loại máy bay khác nhau cho thấy PLA cũng muốn kiểm tra tính hiệu quả và khả năng chiến đấu của các đơn vị thuộc lực lượng không quân.

Vụ thâm nhập quy mô lớn ngày 12/4 bao gồm 14 chiến đấu cơ J-16, 4 chiến đấu cơ J-10, 4 máy bay ném bom H-6, 2 máy bay chống ngầm Y-8 cùng 1 máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không; theo Cơ quan Quốc phòng Đài Loan.

Ông Chieh nói rằng, một số trong các máy bay này được triển khai từ nhiều khu vực quân sự khác nhau của Đại lục, trong đó có các vùng nội địa, cho phép phi công PLA làm quen với các tuyến đường bay và vùng chiến sự trong tương lai, và giúp việc liên kết giữa các chiến đấu cơ dễ dàng hơn trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

“Điều mà Pla mong muốn nhất là tăng cường kiểm soát và chỉ huy ở Kênh Bashi, bằng chứng là họ tổ chức nhiều cuộc tập trận ở khu vực lân cận và cử nhiều máy bay do thám, máy bay săn ngầm tới khu vực này để thu thập thông tin tình báo” – ông Chieh nói.

Ông Chieh nói, các hoạt động của PLA ở Kênh Bashi – đủbí mật để che đậy các hoạt động của tàu ngầm của họ - phần lớn là nhằm vào Mỹ.

Mặc dù Washington đã chuyển sang công nhận Trung Quốc vào năm 1979, nhưng vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Đài Loan và cam kết hỗ trợ khí tài quân sự để giúp hòn đảo này tự vệ.

Bất chấp những vụ việc như trên thường xuyên xảy ra và những lời cảnh báo từ giới chức Mỹ, phần lớn người dân Đài Loan không tin sẽ có một cuộc tấn công xảy ra.

Theo kết quả thăm dò được hãng Phân tích Chiến lược Quốc tế Đài Loan công bố ngày 20/3, 63,3% người Đài Loan nói họ không tin PLA sẽ tấn công hòn đảo này trong vòng 6 năm tới, và chỉ 29,1% tin rằng viễn cảnh đó sẽ xảy ra.