Washington Post đột ngột rút bỏ xã luận ủng hộ bà Harris
Kể từ năm 1976, Washington Post hầu như luôn ủng hộ các ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, Jeff Bezos, người sáng lập Amazon và là người đứng sau tờ báo, bất ngờ “hãm phanh” và ra lệnh rút bài xã luận ủng hộ bà Kamala Harris, đồng thời tuyên bố sẽ không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử lần này và sẽ tiếp tục "trung lập" như vậy trong tương lai.
Giám đốc điều hành Washington Post, William Lewis thậm chí còn long trọng tuyên bố: “Là một tờ báo ở thủ đô của quốc gia quan trọng nhất thế giới, trách nhiệm của chúng tôi là duy trì sự độc lập”.
Trong chuyên mục của mình, Jeff Bezos bảo vệ quyết định giữ thái độ "trung lập" của Washington Post trong cuộc bầu cử năm 2024, nói rằng động thái này nhằm xây dựng lại niềm tin của công chúng đối với giới truyền thông. Trích dẫn dữ liệu của Viện Gallup, ông chỉ ra rằng niềm tin của người Mỹ vào truyền thông đã giảm xuống mức thấp, thậm chí thấp hơn cả với Quốc hội, đồng thời cho biết: “Nghề của chúng ta đã trở thành nghề kém tin cậy nhất và rõ ràng là những gì chúng ta đang làm không hiệu quả”.
Jeff Bezos cho rằng quan điểm của báo chí “sẽ không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử” nhưng lại có thể dễ dàng “gây ra thiên vị”. Ông nhấn mạnh việc ngừng ủng hộ một ứng cử viên Tổng thống là một "quyết định có nguyên tắc và là quyết định đúng đắn", đồng thời thừa nhận: "Chỉ từ chối ủng hộ một ứng cử viên là không đủ để tăng cường đáng kể niềm tin mà đó là một bước quan trọng đi đúng hướng. Chúng ta lẽ ra phải có hành động sớm hơn và tránh xa tâm lý bầu cử”.
Bezos phủ nhận rằng quyết định này liên quan đến bất kỳ "sự trao đổi lợi ích" nào và nói rõ rằng cuộc gặp của ông với ông Donald Trump vào ngày công bố quyết định đứng trung lập chỉ là "sự trùng hợp ngẫu nhiên". "Nó không liên quan gì đến lập trường trung lập của tờ báo và mọi giả thuyết ngược lại đều là sai trái”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, quyết định này đã gây ra hệ lụy đáng kể. Theo NPR, Washington Post đã mất hơn 200.000 người đăng ký mua báo kể từ hôm 25/10. Nhiều độc giả theo chủ nghĩa tự do bày tỏ sự tức giận trước quyết định của tờ báo không ủng hộ bà Harris nữa và kết quả là nhiều biên tập viên đã từ chức. Công đoàn và nhân viên của Washington Post phản đối, cho rằng quyết định của Bezos đã làm tổn hại các giá trị cốt lõi của tờ báo.
Mặc dù Washington Post đã mất một lượng lớn người đăng ký vì không còn ủng hộ bà Harris nhưng nó không ảnh hưởng nhiều đến cá nhân Jeff Bezos. Là một tỷ phú, ông không dựa vào doanh thu từ việc đăng ký để duy trì hoạt động cho tờ báo của mình. Đối với ông, Washington Post giống như một công cụ mang lại ảnh hưởng hơn là một nguồn lợi nhuận chính.
Lập trường “trung lập” của ông cho thấy ông không muốn Washington Post trở thành cơ quan ngôn luận của đảng Dân chủ, đặc biệt trong bối cảnh lòng tin của người dân đối với truyền thông đang ngày càng suy giảm, ông càng có khuynh hướng muốn tạo ra một cơ quan truyền thông độc lập vượt lên các đảng phái để duy trì và mở rộng quyền phát biểu ý kiến của công chúng.
Động thái của Bezos cho thấy một sự thay đổi chiến lược: Trong thời đại bầu cử cực kỳ phân cực, ông chọn cách rút lui khỏi các cuộc đối thoại chính trị lưỡng cực, cho phép Washington Post bước ra khỏi lập trường truyền thống và tạo ra một hình ảnh độc lập hơn cho tương lai.
Quyết định này không chỉ nhằm đáp lại độc giả mà còn tác động hệ sinh thái truyền thông, nhằm tạo ra một vị thế và tầm ảnh hưởng mới cho tờ báo trước sự thất vọng ngày càng tăng của công chúng đối với giới truyền thông.
Bài xã luận của Jeff Bezos
Bài xã luận về quan điểm của Jeff Bezos trên tờ Washington Post hôm 28/10 có nhan đề “Sự thật phũ phàng: Người Mỹ không tin tưởng vào giới truyền thông”.
Ông viết: “Trong các cuộc khảo sát công chúng hàng năm về niềm tin và danh tiếng, các nhà báo và giới truyền thông thường xếp hạng gần cuối, thường chỉ ở trên Quốc hội. Tuy nhiên, cuộc thăm dò của Gallup năm nay cho thấy chúng ta thậm chí còn kém tin cậy hơn cả Quốc hội. Nó cho thấy ngành công nghiệp chúng ta hiện đã trở thành nghề ít được tin cậy nhất và rõ ràng chúng ta chưa làm đủ ở một số khía cạnh.
Hãy để tôi sử dụng một so sánh. Máy bỏ phiếu cần đáp ứng hai yêu cầu: thứ nhất, cần phải đếm phiếu chính xác; thứ hai, người dân phải tin tưởng vào độ chính xác của chúng; Điểm thứ hai này khác với điểm thứ nhất, nhưng cũng quan trọng không kém.
Điều tương tự cũng xảy ra với các báo chí truyền thông. Chúng ta không chỉ phải chính xác mà công chúng còn phải tin tưởng vào độ chính xác của chúng ta. Đáng tiếc là, chúng ta đã thất bại ở điểm thứ hai. Hầu hết mọi người đều cho rằng giới truyền thông thiên vị. Những người không nhìn thấy điều này là không chú ý đầy đủ đến thực tế, và những người phớt lờ thực tế cuối cùng sẽ thất bại".
Theo bài xã luận của Bezos, trên thực tế, sự ủng hộ của giới truyền thông dành cho Tổng thống không ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Không có cử tri nào ở bang dao động Pennsylvania sẽ nói “Tôi ủng hộ quan điểm của tờ báo này hay tờ báo kia”.
Theo vị tỷ phú, sự ủng hộ của giới truyền thông đối với các ứng cử viên thực ra có thể dẫn đến sự thiên vị và làm suy yếu tính độc lập. Chấm dứt ủng hộ là một quyết định có nguyên tắc và đúng đắn.
"Mặc dù việc từ chối ủng hộ một ứng cử viên không đủ để nhanh chóng nâng cao sự tín nhiệm đối với chúng ta nhưng đó là một bước đi đúng hướng có ý nghĩa. Tôi ước gì chúng ta thực hiện thay đổi này sớm hơn, tránh xa những cảm xúc của cuộc bầu cử. Các quyết định ủng hộ trước đây không được lên kế hoạch kỹ càng chứ không phải là các chiến lược có chủ ý", Bezos viết.
“Nhà kinh tế chính xác nhất thế giới” dự đoán ra sao về kết quả bầu cử Mỹ?
Điều gì khiến các tỷ phú, ông chủ doanh nghiệp Mỹ đổ tiền tài trợ các ứng viên Tổng thống?
Phó tướng của ông Trump: "Tôi không muốn chiến tranh với Nga"
Theo Creaders