Tại sao Nga phản đối Liên hiệp quốc lập tòa án đặc biệt xử vụ MH-17?

Nga hôm 26/06/2015 phản đối đề nghị của Hà Lan và Malaysia về việc thành lập một tòa án đặc biệt dưới sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, để xét xử các thủ phạm gây ra vụ chiếc Boeing của Malaysia Airlines bị rớt tại miền đông Ukraine.
Xác các nạn nhân MH17 được đưa về Eindhoven (Hà Lan) hôm 23/07/2014. REUTERS/Francois Lenoir
Xác các nạn nhân MH17 được đưa về Eindhoven (Hà Lan) hôm 23/07/2014. REUTERS/Francois Lenoir

Nga hôm 26/06/2015 phản đối đề nghị của Hà Lan và Malaysia về việc thành lập một tòa án đặc biệt dưới sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, để xét xử các thủ phạm gây ra vụ chiếc Boeing của Malaysia Airlines bị rớt tại miền đông Ukraine tháng 7/2014 làm 298 người chết, RFI đưa tin,

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Guennadi Gatilov nói với hãng tin Nga Interfax: "Chúng tôi cho rằng dự thảo nghị quyết này là cơ hội và phản tác dụng. Cần phải chờ đợi đến khi cuộc điều tra về vụ rơi máy bay kết thúc, chứ không vội vã đưa ra nghị quyết thành lập một tòa án".

Theo ông, đây là "một chủ đề hết sức nhạy cảm và nghiêm túc, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng".

Chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH-17 của hãng Malaysia Airlines bị bắn hạ hôm 17/07/2014 ở miền đông Ukraine vào lúc các trận đánh giữa phe nổi dậy thân Nga và quân chính phủ Ukraine đang diễn ra trong vùng này.

Malaysia, hiện là thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, muốn trình một dự thảo nghị quyết về việc thành lập một "tòa án để trừng trị các thủ phạm".

Ý kiến của Kuala Lumpur được sự hỗ trợ của Hà Lan, quốc gia có nhiều công dân bị thiệt mạng trong vụ này, cùng với ba nước khác - mà người tiết lộ là một nhà ngoại giao giấu tên không muốn cho biết cụ thể.

Nhóm các quốc gia phụ trách điều tra về thảm họa này (gồm Úc, Bỉ, Malaysia, Hà Lan, Ukraine) tuần qua đã họp tại New York để nói về dự tính thành lập tòa án đặc biệt. Nhưng dự thảo nghị quyết có nguy cơ bị Nga - thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ.

Ukraine và Hoa Kỳ khẳng định chiếc máy bay đã bị bắn rơi bởi một hỏa tiễn địa-không do Nga cung cấp cho quân nổi dậy. Phía Moscow thì lên án quân đội Ukraine.

Ít lâu sau vụ chiếc MH-17 bị rơi hôm 22/7/2014, Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết đòi hỏi "những kẻ chịu trách nhiệm về tai nạn này phải trả lời về hành vi của họ, và tất cả các Nhà nước cần tích cực hỗ trợ những nỗ lực để tìm ra các thủ phạm"

Theo: BizLive