Vào đầu tháng 6/2017, các phương tiện truyền thông Nga đã thông báo rằng một lữ đoàn tên lửa mặt đất đã nhận được hệ thống tên lửa Iskander-M 9K720 di động cực kỳ uy lực (theo cách nói của quân đội Nga là một "hệ thống tên lửa hoạt động chiến thuật " (OTRK)). Đơn vị nhận được hệ thống này là lữ đoàn tên lửa số 3 mới thành lập của binh đoàn 29, đóng tại Quân khu Đông của Nga.
Được thành lập vào tháng 12/2016, lữ đoàn này ban đầu được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K79-1 Tochka-U và trở thành lữ đoàn tên lửa thứ tư của Quân khu Đông được trang bị tên lửa đạn đạo chiến thuật tối tân Iskander-M trong kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga nhằm loại bỏ tất cả các hệ thống Tochka-U vào năm 2020.
Ba lữ đoàn khác của quân khu này gồm lữ đoàn 107, 103 và 20 đều nhận được hệ thống Iskander-M lần lượt vào các năm 2013, 2015 và 2016. Kết quả là hiện nay quân khu Đông sở hữu nhiều hệ thống Iskander-M hơn bất kỳ quân khu nào khác. Ba quân khu còn lại của Nga hiện chỉ sở hữu hai hệ thống Iskander-M. Vậy mục tiêu triển khai tên lửa cho bốn lữ đoàn này là gì?
Giới phân tích nhận định, trong khi nhiệm vụ của Iskander-M triển khai ở Quân khu Tây là đe dọa quân đội Mỹ và đồng minh NATO ở Baltic và Ba Lan thì hệ thống ở Quân khu Đông lại phục vụ cho mục đích khác, đó là củng cố sự răn đe cả thông thường lẫn hạt nhân của Nga đối với Trung Quốc.
Quả thực, trong khi hệ thống Iskander-M đóng tại Kaliningrad cho phép Nga tấn công một loạt các căn cứ quân sự của NATO, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) Aegis tại Ba Lan thì một hệ thống Iskander-M đặt ở Vùng viễn Đông nước Nga tại rất khó đe dọa quân Mỹ triển khai trong khu vực.
Theo các nguồn tin của Nga, loại tên lửa đạn đạo 9M723 của Iskander-M có tầm bắn 400-500 km (tương đương 250-310 dặm), trong khi tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) 9M728/R-500 - thường xuyên bị coi như Iskander-K có tầm bắn dưới 500 km.
Tầm bắn này khiến Iskander-M khó với tới các mục tiêu ở Hokkaido (Nhật Bản), do đó không thể tấn công các thiết bị quân sự của Mỹ bao gồm radar AN/TPY-2 BMD ở Quận Amoroi và hệ thống THAAD ở Hàn Quốc. Còn nếu muốn tấn công căn cứ không quân Misawa thì phải triển khai Iskander-M tới mũi phía nam đảo Kunashir thuộc quần đảo Kuril.
Tuy nhiên Kremlin không còn triển khai các lữ đoàn tên lửa ở gần Nhật Bản như thời kỳ Chiến tranh Lạnh nữa (trước đây Liên Xô duy trì một lữ đoàn tên lửa ở phía nam đảo Sakhalin ở Yuzhno-Sakhalinsk). Hai lữ đoàn sở hữu Iskander-M ở Vùng Viễn Đông nước Nga – số 107 và 20 - đóng tại Khu tự trị Do Thái và Primorsky Krai. Cả hai khu vực này đều có đường biên giới với Trung Quốc.
Vùng Primorsky Krai cũng bao gồm biên giới đất liền kéo dài 17 km (10,5 dặm) với Triều Tiên. Giới phân tích nhận định, điều này cho thấy mục đích chính của hai lữ đoàn ở phía đông là đề phòng Trung Quốc và đối phó với các tình huống bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên.
Đồng thời vẫn theo giới chuyên gia quân sự, vị trí đóng quân của hai lữ đoàn sở hữu Iskander-M còn lại của Quân khu Đông cũng là nhằm đối phó với Trung Quốc. Lữ đoàn 103 đóng ở Cộng hòa Buryatia, giáp Mông Cổ, còn lữ đoàn mới thành lập số 3 lại đóng ở Gorny ở Zabaykalsky Krai, khu vực giáp Nội Mông của Trung Quốc.
Mặc dù Kremlin đã thận trọng không bày tỏ những lo ngại về Trung Quốc nhưng có lẽ những động thái trên có thể bắt nguồn từ những âu lo của Mátxcơva liên quan đến sức mạnh quân sự ngày càng tăng của người hàng xóm khổng lồ, với các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Nga được tổ chức ở Quân khu Đông.
Theo Tiến sĩ Roger N. McDermott, thành viên cao cấp trong lĩnh vực nghiên cứu quân sự Á-Âu tại Quỹ Jamestown, đã kết luận về cuộc tập trận Vostok 2014 như sau: “Vostok 2014, cũng giống như Vostok 2010 là một bằng chứng rõ ràng rằng Bộ tham mưu quân đội Nga tiếp tục coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng đối với Nga".
Với lo ngại này, việc trấn các hệ thống Iskander-M ở khu vực giáp ranh với Bộ Tư lệnh miền bắc Trung Quốc là một động thái hết sức hợp lý xét từ quan điểm của Nga. Quả thực, hệ thống này có khả năng phóng loạt đầu đạn chùm, do đó hết sức phù hợp để đối phó với lực lượng thiết giáp và bộ binh đông đảo của quân đội Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.
Hơn nữa, Iskander-M cũng có khả năng mang phóng các đầu đạn đơn với độ chính xác cao. Trong báo cáo gửi Tổng thống Vladimir Putin về việc phóng tên lửa đạn đạo Iskander-M trong cuộc tập trận Vostok 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu khẳng định: "Các đơn vị Iskander-M đã tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 200km (tương đương 124 dặm)… Các đơn vị chiến đấu thể hiện các kỹ năng vượt trội, bao gồm cả kỹ năng tấn công chính xác mục tiêu".
Tương tự, vào tháng 8/2016, Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố quả đạn tên lửa phóng bởi đơn vị Iskander- M từ Khu tự trị người Do Thái trong cuộc tập trận quân sự là một cú đánh trực tiếp vào mục tiêu mô phỏng cách 300 km (186 dặm). Sự góp mặt của Iskander- M và các hệ thống tấn công tiên tiến khác trong các cuộc tập trận quân sự ở Nga dường như đã phản ánh việc Nga chú trọng vào khả năng tấn công chính xác trong các hoạt động quân sự trong tương lai, chống lại các mục tiêu quốc gia và phi quốc gia, trong đó tất nhiên bao gồm cả người láng giềng khổng lồ.
Đồng thời, khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Iskander-M giúp củng cố học thuyết ngăn chặn leo thang hạt nhân của Nga. Nội dung chính của học thuyết này là nhằm ngăn chặn kẻ thù tấn công bằng cách đe doạ trả đũa bằng một cuộc tấn công hạt nhân. Do Nga không đạt được ưu thế về vũ khí thông thường với PLA, nên vũ khí hạt nhân, đặc biệt là các hệ thống tên lửa uy lực như Iskander-M, có thể đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc đề phòng Trung Quốc.
Thực tế, như Tiến sĩ Alexei Arbatov và Thiếu tướng Vladimir Dvorkin mô tả trong Báo cáo của Quỹ Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế: “Có lẽ các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, cũng như một số vũ khí hạt nhân phi chiến lược, đều là nhằm răn đe Trung Quốc".
Học thuyết quân sự năm 2010 của Nga có đoạn “vũ khí hạt nhân sẽ vẫn là một nhân tố quan trọng trong việc ngăn chặn bùng nổ các cuộc xung đột hạt nhân và xung đột quân sự sử dụng các vũ khí thông thường.” Bình luận về lý luận này, hai chuyên gia Arbatov và Dvorkin cho rằng “về mặt logic quân sự, một cuộc xung đột khu vực trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc".
Học thuyết quân sự của Nga năm 2014 cũng nhắc lại tuyên bố năm 2010 về việc sử dụng vũ khí hạt nhân như công cụ răn đe và cho biết Nga sẽ tiếp tục đi theo lối tư duy này.
Mặc dù vậy, tất cả các lữ đoàn sở hữu Iskander-M ở Quân khu đông của Nga đều bị Mỹ theo dõi vì những tên lửa có tầm bắn xa có thể được các hệ thống này triển khai sẽ đe dọa đến các căn cứ của Mỹ trong khu vực. Những tên lửa này cũng vi phạm Hiệp ước kiểm soát lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987, cấm sử dụng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500-5.500 km (tương đương 310-3417 dặm).
Trên thực tế, các quan chức Nga trước đây đã tuyên bố tầm bắn của tên lửa hành trình phóng từ mặt đất Iskander-M có thể được mở rộng nếu thực sự cần thiết. Hơn nữa, có thể một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất được nâng cấp Iskander-M đã đang được nâng cấp hoặc triển khai rồi. Tuy nhiên cũng cần lưu rằng ngay cả khi loại tên lửa như vậy tồn tại thì vẫn không rõ tầm bắn của nó có lên đến 500 km hay không và liệu nó có liên quan với một loại tên lửa hành trình nào vi phạm Hiệp ước năm 1987 hay không.
Những phát triển gần đây của Nga đã giúp hỗ trợ mở rộng tầm bắn của Iskander-M. Vào tháng 4/2017, Tổng giám đốc Tập đoàn Rostec của Nga, ông Sergey Chemezov cho biết "một phiên bản hiện đại hóa của Iskander-M OTRK sẽ được trình làng sau năm 2020".
Mặc dù ông Chemezov không cung cấp thêm chi tiết, nhưng cuộc họp giữa tư lệnh lực lượng pháo binh và tên lửa Nga cùng đại diện ngành công nghiệp quân sự Nga một tháng sau đó càng khẳng định về những cải tiến sắp diễn ra với hệ thống này. Theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc họp thảo luận về vấn đề phát triển tên lửa mới với tầm bắn và độ chính xác đều được nâng cấp cho hệ thống Iskander-M.
Nếu Mátxcơva cung cấp đạn tên lửa tầm xa mới cho hệ thống Iskander-M (hoặc hệ thống tên lửa di động mới) ở Quân khu Đông, họ sẽ tăng cường vị thế đối với Trung Quốc, khi Trung Quốc cũng triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn lớn hơn những tên lửa hiện nay của hệ thống Iskander-M. Tuy nhiên, việc triển khai những tên lửa này chắc chắn cũng sẽ tác động nghiêm trọng tới cán cân lực lượng trong khu vực.