Tại sao chúng ta lại thích nghe những bài hát buồn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Những bản nhạc buồn thường kéo tâm trạng của người nghe xuống, nhưng do đâu mà hầu hết chúng ta lại thích thể loại nhạc này?

Ảnh: The New York Times
Ảnh: The New York Times

Khi Joshua Knobe còn trẻ, ông đã quen một nữ nhạc sĩ chuyên sáng tác các bản nhạc buồn. Những tác phẩm đó đều làm người nghe cảm thấy nặng lòng. Điều kỳ lạ là rất nhiều khán giá hưởng ứng thể loại nhạc này cho dù nó có khiến tâm trạng người nghe đi xuống.

Đây là nghịch lý của nhạc buồn: Chúng ta thường không thích buồn trong đời sống thường nhật, nhưng chúng ta lại hưởng ứng nghệ thuật khiến chúng ta cảm thấy như vậy.

Có thể chúng ta trải qua một sự thanh lọc những cảm xúc tiêu cực thông qua âm nhạc. Có thể có một sự tiến hóa trong đó, hoặc có thể chúng ta cần chất xúc tác để cảm nhận sự đau khổ của chính mình. Có thể cơ thể chúng ta sản sinh ra hoóc-môn để đáp ứng với âm nhạc, tạo ra cảm giác an ủi.

Tiến sĩ Knobe hiện là một nhà Tâm lý học và Triết học thực nghiệm tại Đại học Yale - ông đã kết hôn với nữ nhạc sĩ nói trên - người vừa sáng tác vừa hát những bản nhạc buồn.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Giáo dục Thẩm mỹ, ông và một số đồng nghiệp đã tìm cách lý giải giá trị của âm nhạc buồn.

Trong nhiều năm, nghiên cứu, Tiến sĩ Knobe đã phát hiện ra rằng mọi người thường hình thành hai quan niệm về cùng một thứ, một cụ thể và một trừu tượng. Ví dụ: mọi người có thể được coi là nghệ sĩ nếu họ thể hiện được tài năng nghệ thuật cụ thể, chẳng hạn như có năng khiếu về kỹ thuật với bút vẽ. Nhưng nếu họ không thể hiện được những giá trị nghệ thuật nhất định — chẳng hạn như nếu họ thiếu tính sáng tạo, óc tò mò hoặc niềm đam mê và chỉ đơn giản là tái tạo những kiệt tác cũ để kiếm lời nhanh chóng — thì theo một nghĩa khác, người ta có thể nói rằng họ không phải là nghệ sĩ. Tiến sĩ Knobe và học trò cũ của ông, Tara Venkatesan, một nhà khoa học nhận thức và là giọng nữ cao opera, nghĩ rằng có thể những bài hát buồn cũng có bản chất kép tương tự.

Cảm xúc đa chiều

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phản ứng cảm xúc của chúng ta đối với âm nhạc là đa chiều; bạn không chỉ hạnh phúc khi nghe một bài hát hay, cũng không đơn giản là cảm thấy buồn bởi một bài hát buồn. Vào năm 2016, một cuộc khảo sát với 363 người nghe đã phát hiện ra rằng phản ứng cảm xúc đối với những bài hát buồn được chia thành ba loại: đau buồn, bao gồm những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ như tức giận, kinh hoàng và tuyệt vọng; u sầu, một nỗi buồn nhẹ nhàng, khao khát hay tủi thân; và nỗi buồn ngọt ngào, một niềm an ủi hay cảm kích dễ chịu. Nhiều người được hỏi đã mô tả sự kết hợp của cả ba.

Một số nhà tâm lý học đã nghiên cứu cách một số khía cạnh của âm nhạc như giai điệu, nhịp độ, nhịp điệu, âm sắc liên quan đến những cảm xúc mà người nghe trải nghiệm. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số hình thức âm nhạc phục vụ chức năng phổ biến: Ví dụ, ở khắp các quốc gia và các nền văn hóa, các bài hát ru có xu hướng chia sẻ các đặc điểm âm thanh tương tự khiến trẻ sơ sinh và người lớn đều cảm thấy thích thú và an toàn.

Tuomas Eerola, nhà âm nhạc học tại Đại học Durham ở Anh và là nhà nghiên cứu của dự án nói trên cho biết: “Suốt cuộc đời mình, chúng ta đã học cách lập bản đồ mối quan hệ giữa cảm xúc và âm thanh của chúng ta. Chúng tôi nhận ra biểu hiện cảm xúc trong lời nói và hầu hết các tín hiệu được sử dụng tương tự trong âm nhạc”.

Các nhà khoa học khác, bao gồm Patrik Juslin - nhà tâm lý học âm nhạc tại Đại học Uppsala ở Thụy Điển, cho rằng những phát hiện như vậy làm sáng tỏ không nhiều về giá trị của nhạc buồn.

Thay vào đó, Tiến sĩ Juslin và những người khác đã đề xuất rằng có cơ chế nhận thức được liên kết chặt chẽ để có thể gây ra nỗi buồn cho người nghe. Phản xạ vô thức ở thân não; sự đồng bộ hóa nhịp điệu với một số nhịp bên trong, chẳng hạn như nhịp tim; phản ứng có điều kiện đối với âm thanh cụ thể; kích hoạt ký ức; lan tỏa cảm xúc – tất cả dường như đều đóng một vai trò nào đó. Có lẽ do nỗi buồn là một cảm xúc mãnh liệt, sự hiện diện của nó có thể thúc đẩy một phản ứng đồng cảm tích cực: Thấu hiểu nỗi buồn của ai đó có thể khiến bạn cảm động theo một cách đặc biệt.

Mario Attie-Picker, một nhà triết học tại Đại học Loyola Chicago, đề xuất một ý tưởng tương đối đơn giản: Có thể chúng ta nghe nhạc không phải vì phản ứng cảm xúc mà vì cảm giác kết nối với người khác. Áp dụng cho nghịch lý của nhạc buồn: Tình yêu âm nhạc của chúng ta không phải là sự đánh giá trực tiếp về nỗi buồn, mà là sự đánh giá cao về sự kết nối.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận sự phức tạp và những hạn chế của nghiên cứu hiện tại. Song, những nghiên cứu trên cũng được nhiều người tán thành, hưởng ứng.

Theo The New York Times