Tác giả "Thế giới phẳng": Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi hại nhiều lợi ít

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giám đốc CIA, Chủ tịch tham mưu liên quân đều cho rằng bà Pelosi thăm lúc này là thiếu khôn ngoan. Ông Biden không ủng hộ chuyến đi nhưng không gọi điện can vì lo bị phe đối lập cáo buộc yếu đuối trước Trung Quốc.

LTS: Chuyến đi của bà Pelosi tới một số nước châu Á trong đó dự kiến có tới Đài Loan đang là tâm điểm của đời sống ngoại giao quốc tế.

VietTimes trân trọng giới thiệu bài chuyển ngữ nêu quan điểm của nhà báo Thomas Friedman, cây bình luận quốc tế danh tiếng của The New York Times.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dự kiến thăm Đài Loan trong ít giờ tới đây (Ảnh: Bloomberg)

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dự kiến thăm Đài Loan trong ít giờ tới đây (Ảnh: Bloomberg)

Tôi rất tôn trọng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Nhưng nếu bà tiếp tục chuyến thăm Đài Loan vào tuần này, trái với mong muốn của Tổng thống Biden, bà sẽ làm một việc hoàn toàn liều lĩnh, nguy hiểm và vô trách nhiệm.

[Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ năm nay sẽ diễn ra trong tháng 11, bà Pelosi đã tuyên bố ứng cử. Nhiều ý kiến cho rằng bà đến điểm nóng Đài Loan mục đích chính là để củng cố hình ảnh bản thân trong nhìn nhận của cử tri Mỹ – ND]

Sẽ không có gì tốt đẹp thu được từ chuyến thăm này. Đài Loan sẽ không an toàn hơn hay thịnh vượng hơn nhờ kết quả của chuyến thăm chỉ mang tính biểu tượng thuần túy này, trái lại nhiều điều tồi tệ có thể xảy ra. Bao gồm cả phản ứng quân sự của Trung Quốc có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ rơi vào những cuộc xung đột gián tiếp với nước Nga vũ trang hạt nhân và Trung Quốc vũ trang hạt nhân cùng một lúc.

Và nếu bạn nghĩ rằng các đồng minh châu Âu của chúng ta – những người đang đối mặt với cuộc chiến hiện hữu với Nga về Ukraine – sẽ tham gia với chúng ta nếu có cuộc xung đột của Hoa Kỳ với Trung Quốc về Đài Loan, được kích hoạt bởi chuyến thăm không cần thiết này, thì bạn đang hiểu sai về thế giới.

Cuộc xung đột gián tiếp với Nga và chuyến thăm cận kề của bà Pelosi tới Đài Loan

Có những thời điểm trong quan hệ quốc tế mà bạn cần phải xác định rõ mục tiêu thật cụ thể. Những ngày này, mục tiêu cụ thể đã rất rõ ràng: Chúng ta phải bảo đảm rằng Ukraine ít nhất cũng có thể làm suy yếu – và tối đa, là đảo ngược – cuộc tấn công vô cớ của Vladimir Putin, cuộc tấn công chiếm đóng mà nếu nó thành công sẽ đe dọa trực tiếp sự ổn định của toàn bộ Liên minh Châu Âu (EU).

Để giúp tạo ra khả năng lớn nhất cho Ukraine có thể đảo ngược cuộc xâm lược của Nga, ông Biden và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã tổ chức một loạt các cuộc họp rất khó khăn với giới lãnh đạo Trung Quốc, ‘nài xin’ (imploring) Bắc Kinh không tham gia vào cuộc xung đột Ukraine bằng cách cung cấp trợ giúp quân sự cho Nga – nhất là lúc này, khi kho vũ khí của Putin đã giảm dần sau 5 tháng chiến tranh.

Ông Biden, theo một quan chức Mỹ cấp cao, đã đích thân nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng nếu Trung Quốc tham chiến ở Ukraine bên phía Nga, Bắc Kinh sẽ gặp rủi ro trong tiếp cận hai thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của họ – Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. (Trung Quốc là một trong những quốc gia giỏi nhất trên thế giới về sản xuất tàu bay không người lái, là thứ mà quân đội của ông Putin cần nhất lúc này).

Theo mọi thông tin thu thập được, giới chức Mỹ cho biết, Trung Quốc đã đáp ứng đề nghị trên bằng cách không cung cấp viện trợ quân sự cho ông Putin – vào thời điểm mà Mỹ và NATO đang cấp cho Ukraine những trợ giúp tình báo và một số lượng lớn vũ khí tiên tiến, giúp gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân đội của Nga, đồng minh bề ngoài (ostensible ally) của Trung Quốc.

Với tất cả những diễn biến đó, có thể nào Chủ tịch Hạ viện Pelosi lại chọn thăm Đài Loan và cố tình khiêu khích Trung Quốc vào lúc này, để trở thành quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ Newt Gingrich vào năm 1997, khi Trung Quốc yếu hơn ngày nay rất nhiều cả về kinh tế và quân sự?

Không có thời điểm nào tệ hơn thời điểm này. Thật vậy, bạn đọc thân mến: Cuộc chiến Ukraine vẫn chưa kết thúc. Và trong thâm tâm, các quan chức Hoa Kỳ quan tâm tới giới lãnh đạo của Ukraine hơn là họ đang tỏ ra rất nhiều. Có sự bất tín sâu sắc (deep mistrust) giữa Nhà Trắng và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – nhiều hơn đáng kể so với những gì đã được báo cáo. Và có một sự việc khá kỳ quặc (funny business) đang diễn ra ở Kyiv.

Ngày 17/7, ông Zelensky sa thải tổng công tố của đất nước mình cùng với lãnh đạo cơ quan tình báo nội địa – cú thanh trừng lớn nhất trong chính phủ của ông kể từ cuộc tấn công của Nga vào tháng Hai. Nó cũng tương đương việc Tổng thống Biden sa thải cả Merrick Garland và Bill Burns trong cùng một ngày.

Đến giờ, tôi vẫn chưa thấy bất kỳ báo cáo nào giải thích một cách thuyết phục những diễn biến này. Có vẻ như chúng ta không muốn xem xét quá kỹ những gì đang diễn ra ở Kyiv vì lo ngại sẽ thấy ra những trò tham nhũng, méo mó, xấu xí, khi mà chúng ta đã đầu tư vào đó quá nhiều.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao Mỹ vẫn tin rằng ông Putin đã sẵn sàng cân nhắc việc sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ chống lại Ukraine nếu ông thấy quân đội của mình phải đối mặt với những thất bại nhất định.

Tóm lại, cuộc chiến Ukraine này còn chưa kết thúc, chưa ổn định, còn có nguy cơ bùng phát những biến cố nguy hiểm vào bất cứ ngày nào. Thế mà, giữa tất cả những điều này, chúng ta lại đối mặt với nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, do một chuyến thăm tùy tiện và phù phiếm của Chủ tịch Hạ viện?

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và người đồng cấp Malaysia Azhar Azizan Harun tại nhà quốc hội ở Kuala Lumpur ngày 2/8 (Ảnh: Nikkei)

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và người đồng cấp Malaysia Azhar Azizan Harun tại nhà quốc hội ở Kuala Lumpur ngày 2/8 (Ảnh: Nikkei)

Cộng đồng tình báo, an ninh Mỹ khuyến cáo chuyến đi bất lợi

Nguyên tắc căn bản của đấu tranh Địa chính trị là bạn không bao giờ được gây ra một cuộc chiến hai mặt trận với hai siêu cường khác nhau cùng một lúc. Giờ hãy xem xét khả năng một cuộc xung đột gián tiếp với Trung Quốc mà chuyến thăm của bà Pelosi có thể kích hoạt. Theo các bản tin Trung Quốc, trong cuộc điện đàm giữa hai người vào tuần trước, ông Tập có nói với ông Biden rằng “bất cứ ai nghịch lửa cũng sẽ bị bỏng – whoever plays with fire will get burnt”, ám chỉ sự can dự của Hoa Kỳ vào các vấn đề của Đài Loan, chẳng hạn như chuyến thăm có thể có của Pelosi.

Đội ngũ an ninh quốc gia của ông Biden đã giải thích rõ với bà Pelosi, cũng là nhà vận động lâu năm cho nhân quyền ở Trung Quốc, vì sao bà không nên đến Đài Loan ngay bây giờ. Nhưng Tổng thống thì chưa gọi điện trực tiếp để yêu cầu bà đừng đi, dường như lo lắng rằng làm thế sẽ tỏ ra mềm yếu với Trung Quốc, tạo dịp cho những người Cộng hòa tấn công ông trước cuộc bầu cử giữa kỳ.

Có thể coi là khuyết tật của hệ thống chính trị chúng ta cái việc một Tổng thống Dân chủ lại không thể ngăn cản một Chủ tịch của Hạ viện Dân chủ tham gia vào một hoạt động ngoại giao mà toàn bộ lực lượng an ninh quốc gia của Tổng thống – từ Giám đốc CIA cho đến Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân (Chairman of Joint Chiefs) – đều đánh giá là không khôn ngoan.

Có một lập luận cho rằng, để chắc chắn, ông Biden chỉ cần bóc mẽ trò doạ dẫm của ông Tập, bảo vệ bà Pelosi ở mức tối đa, và nói với ông Tập rằng nếu ông ta đe dọa Đài Loan theo bất kỳ cách nào, thì Trung Quốc sẽ chính là bên “bị bỏng”.

Làm vậy thì cũng có thể hiệu quả. Chúng ta có thể mát mặt trong một ngày. Song cách đó cũng có thể châm ngòi Thế chiến 3!

Theo nhìn nhận của tôi, Đài Loan lẽ ra nên yêu cầu bà Pelosi không đến vào thời điểm này thì hơn.

Tôi rất ngưỡng mộ Đài Loan, đánh giá rất cao nền kinh tế và nền dân chủ mà nó đã xây dựng kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Tôi đã đến thăm Đài Loan rất nhiều lần trong 30 năm qua và tận mắt chứng kiến Đài Loan đã thay đổi như thế nào trong khoảng thời gian đó – thay đổi rất nhiều. Nhưng có một điều không thể nào thay đổi đối với Đài Loan: Vị thế địa lý hạn chế của nó!

Cổ vũ Đài Loan chọn chiến thuật "nhím xù lông"

Là một hòn đảo nhỏ bé, chưa tới 36 ngàn km2, nằm cách bờ biển Trung Hoa lục địa chỉ 160km, dân số chỉ 23 triệu. Trong khi Trung Hoa lục địa diện tích 267 lần lớn hơn (9,6 triệu km2), dân số tới 1,4 tỉ người, thường xuyên lặp lại tuyên bố Đài Loan "là một phần của đất mẹ Trung Quốc". Đặc điểm tương quan địa lý này mà bỏ qua thì mọi nhìn nhận, phân tích sẽ đều lầm lạc.

Xin đừng nhầm tưởng tôi là người theo chủ nghĩa hoà bình. Tôi tin rằng bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan trong trường hợp có sự tấn công vô cớ của Trung Quốc, chính là lợi ích quốc gia cốt lõi của Hoa Kỳ. Nhưng nếu sắp phải bước vào một cuộc xung đột với Bắc Kinh, ít nhất chúng cũng phải giành được thế chủ động về thời điểm và về nội dung hành động.

Hiện chúng ta đang đối mặt với những hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên nhiều mặt trận – từ xâm nhập mạng, đến đánh cắp tài sản trí tuệ, đến diễn tập quân sự ở Biển Đông. Điều đó nói lên rằng đây không phải là thời điểm để "chọc" vào Trung Quốc, đặc biệt lúc này đang là thời điểm nhạy cảm trong chính trường Trung Quốc.

Ông Tập đang chuẩn bị gia hạn vô thời hạn vai trò lãnh đạo quốc gia của mình tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20, dự kiến diễn ra vào mùa thu năm nay. Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn nói rõ rằng việc tái hợp nhất Đài Loan vào Trung Quốc đại lục là “nhiệm vụ lịch sử” của mình, và kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã kiên định và "liều lĩnh" nhấn mạnh cam kết của mình với nhiệm vụ đó bằng các cuộc hoạt động quân sự tích cực xung quanh Đài Loan.

Chuyến thăm của bà Pelosi sẽ thực sự tạo cơ hội cho ông Tập chuyển hướng sự chú ý của công luận khỏi những công việc được coi là "thất bại" của ông – một chiến lược khống chế Covid-19 nặng về hình thức, phải phong toả các thành phố lớn của Trung Quốc; một thị trường bất động sản bong bóng khổng lồ, hiện đang xẹp hơi và đe dọa một cuộc khủng hoảng ngân hàng lớn; và một núi nợ chính phủ khổng lồ do sự trợ giúp không kiềm chế của ông Tập đối với các ngành công nghiệp quốc doanh.

Tôi thực sự nghi ngờ rằng ban lãnh đạo của Đài Loan thực bụng muốn chuyến thăm của bà Pelosi diễn ra ngay bây giờ. Bất cứ ai theo dõi hành vi thận trọng của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn kể từ cuộc bầu cử năm 2016, đều phải ấn tượng bởi những nỗ lực nhất quán của bà trong việc bảo vệ nền độc lập của Đài Loan, trong khi không bao giờ cho Trung Quốc một cái cớ dễ dàng để dùng hành động quân sự chống lại hòn đảo này.

Thực lòng, cá nhân tôi lo ngại ở Trung Quốc người ta ngày càng đồng thuận rằng vấn đề Đài Loan chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp quân sự, rằng Trung Quốc muốn làm điều đó nhưng phải theo lịch trình của riêng mình.

Vậy thì mục tiêu của chúng ta phải là ngăn chặn Trung Quốc thực hiện giải pháp quân sự đối với Đài Loan, theo những lịch trình chủ động của chúng ta – mục tiêu này là vĩnh cửu.

Nhưng cách tốt nhất để làm điều đó là vũ trang cho Đài Loan đến tầm mức mà các nhà phân tích quân sự gọi là trạng thái “con nhím” – “xù lông” cùng với rất nhiều tên lửa mà Trung Quốc không bao giờ muốn chạm tay vào – song hành thì cần nói và làm càng ít càng tốt để đưa Trung Quốc đến chỗ suy nghĩ rằng họ PHẢI 'đặt tay' vào ngay bây giờ. [đặt tay thôi, và... phải rụt lại tức thì, chứ không làm gì lớn hơn, vì thấy rất phiền khi đụng một chú nhím ngoan cường – ND].

Theo đuổi bất cứ biện pháp nào ngoài cách tiếp cận cân bằng nêu trên đều sẽ là sai lầm khủng khiếp, với những hậu quả to lớn và khôn lường.

Thomas L. Friedman gia nhập The New York Times từ 1981, ông đã giành 3 giải Pulitzer, xuất bản 7 cuốn sách, bao gồm “Từ Beirut đến Jerusalem” giành giải thưởng National Book Award. Ở Việt Nam nhiều người biết và đọc say mê hai cuốn sách đã chuyển ngữ của ông: “Thế giới phẳng”, và “Chiếc Lexus và cây ô liu”.