Trước các cuộc đàm phán dự kiến bắt đầu vào ngày 14/3, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cảnh báo các thương thuyết gia rằng bất cứ đề cập nào đến số phận của Tổng thống Syria đều không được phép đưa ra đàm phán.
Ông Muallem nói: "Chúng tôi không nói chuyện với bất cứ ai muốn thảo luận về tổng thống…Bashar al-Assad là lằn ranh đỏ".
Ông Mohammad Alloush, trưởng đoàn thương thuyết của nhóm đối lập chính ở Syria, nói rằng Tổng thống Assad phải ra đi. Ông nói với Pháp tấn xã rằng "chúng tôi tin là giai đoạn chuyển tiếp phải bắt đầu với việc ông Bashar al-Assad bị lật đổ hoặc chết."
Ngoại trưởng Kerry kêu gọi hai bên đối đầu ở Syria tham dự hòa đàm bất chấp những mâu thuẫn về vấn đề tổng thống và điều mà ông gọi là "những vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ghi nhận được" do bên chính phủ gây ra.
Phát biểu tại Ả Rập Xê-út hôm thứ Bảy, ông Kerry nói: "Mức độ vi phạm ở tất cả các bên đã giảm khoảng 80 đến 90%, đó là một dấu hiệu rất tích cực". Ông Muallem nói rằng chính phủ Syria tiếp tục cam kết với thỏa thuận ngừng bắn, nhưng đoàn đàm phán hòa bình của ông sẽ đợi đoàn đàm phán của phe đối lập tối đa là 24 giờ đồng hồ.
Chưa biết đối lập Syria mà đại diện là Thượng Hội đồng đàm phán HCN phản ứng ra sau. Phái đoàn thương thuyết của đối lập đã tới Geneve từ ngày 12/03, trước khi Ngoại trưởng Syria đặt điều kiện. Trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập, ông Mohamed Allouche, lúc đó tuyên bố «giai đoạn chuyển tiếp chính trị bắt đầu với sự ra đi của Bashar Al Assad hay cái chết của ông ta».
Theo giới phân tích, điều kiện «lằn ranh đỏ» của ngoại trưởng Syria là chiếc bẫy gài đối lập Syria. Nếu đối lập bất bình và bỏ đám phán thì họ sẽ bị qui trách nhiệm phá vỡ hoà đàm.
Tình hình đình chiến được ngoại trưởng Mỹ mô tả là yên tĩnh nhưng rất mong manh. Hôm 12/3, một chiến đấu cơ MIG 21 của Damas bị nhóm Hồi giáo vũ trang Ahrar Al Sham bắn rơi ở Hama, miền trung Syria.
Ngoại trưởng John Kerry đã có một cuộc họp với các đồng nhiệm Pháp, Anh, Đức, Ý tại Paris để kiểm điểm tình hình Syria. Ông cho biết là chỉ trong ba tuần qua, tổ chức Daech đã bị thiệt hại 600 chiến binh và mất 3.000 km vùng chiếm đóng. Tại Iraq, do bị thiệt hại nặng, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo phải rút bỏ thành phố Routba thuộc tỉnh Al Anbar, miền tây Irak, theo AFP trích dẫn phát biểu của một viên tướng Iraq.