Sức mạnh “sát tinh” Pantsir-S/S1 canh trời Việt Nam

Hệ thống phòng không tầm gần Pantsir dùng để bảo vệ các mục tiêu tĩnh, trong đó có các hệ thống phòng không tầm xa, chống các phương tiện tiến công đường không. Khi tổ chức một lực lượng phòng không, Pantsir cho phép xây dựng hệ thống phòng không nhiều tầng, có chiều sâu vững chắc.
Sức mạnh “sát tinh” Pantsir-S/S1 canh trời Việt Nam

Lịch sử đã cho thấy, những mẫu vũ khí phòng không loại này là của Liên Xô và Nga.  Một trong số đó chính là 96K6 Pantsir-S, hệ thống vũ khí phòng không tầm gần tối tân nhất của Nga hiện nay.

Pantsir do Viện thiết kế dụng cụ Tula (KBP) lừng danh phát triển. KBP từng nổi tiếng với các sản phẩm: súng ngắn 9 mm Makarov (tức PM, hay K59), súng ngắn tự động tiểu liên (súng ngắn Stechkin) 9 mm APS, pháo hàng không 23 mm АМ-23, pháo phòng không tự động 23 mm 2А7 dùng cho hệ thống pháo phòng không ZSU-23-4 Shilka, pháo phòng không 23 mm ZU-23 dùng cho hệ thống pháo phòng không tự động 2А14.


KBP đạt đến thời hoàng kim dưới thời Arkady Shipunov, người giữ chức tổng công trình sư lỗi lạc KBP từ năm 1962-2006. Trong khoảng thời gian này, KBP đã chế tạo hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-E, hệ thống đạn pháo có điều khiển Krasnopol М-2, các hệ thống pháo/tên lửa phòng không Tunguska, cũng như hệ thống pháo/tên lửa phòng không Kortik (Kashtan). Nhưng đỉnh cao ý tưởng thiết kế là hệ thống pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S.

Hệ thống phòng không tầm gần Pantsir dùng để bảo vệ các mục tiêu tĩnh, trong đó có các hệ thống phòng không tầm xa, chống các phương tiện tiến công đường không. Các hệ thống này thường không được triển khai ở dạng đơn lẻ. Khi tổ chức một lực lượng phòng không, Pantsir cho phép xây dựng hệ thống phòng không nhiều tầng, có chiều sâu vững chắc (cùng với các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung) và có khả năng giải quyết các nhiệm vụ sau đây:

- phòng thủ trực tiếp cho một số lượng lớn các mục tiêu điểm, nhỏ trọng yếu của quân đội, các ngành công nghiệp quốc phòng, năng lượng, hóa dầu, lọc dầu, kho tàng, đường sá… với bán kính tác chiến từ 50-100 m đến 1,5-3 km;

- phòng thủ các mục tiêu của lục quân cấp trung đoàn ở tất cả các loại hình chiến đấu;

- bảo đảm khả năng sống còn của các cụm phòng không khi bảo vệ trực tiếp các hệ thống tên lửa phòng không, sở chỉ huy, khí tài radar trực thuộc;

- bảo đảm sự vững chắc đồng đều của các cụm phòng không bằng cách tăng cường khả năng tác chiến cho chúng ở các độ cao nhỏ và cực nhỏ trong điều kiện bề mặt địa hình phức tạp.

Mỹ có kho tên lửa hành trình lớn nhất thế giới và là quốc gia sử dụng nhiều nhất loại vũ khí này trong ba thập kỷ qua. Nhiều quốc gia đang phát triển các hệ thống phòng không có khả năng phát hiện và tiêu diệt tên lửa hành trình.

Tên lửa hành trình Tomahawk bay ở độ cao cực nhỏ nên khó bị phát hiện ngay cả đối với radar mạnh. Chế độ bay này gọi là “bay bám địa hình.

Hệ thống Pantsir bao gồm:

- xe chiến đấu (đến 6 xe/1 đại đội);
- sở chỉ huy đại đội (ở phương án biên chế đại đội cùng các trang bị, khí tài, vũ khí đồng bộ);
- tên lửa phòng không có điều khiển 57E6-Е (8-12 quả/xe chiến đấu);
- đạn pháo 30 mm (đến 1.400 viên/xe chiến đấu);
- xe vận tải/tiếp đạn (1 xe/2 xe chiến đấu);
- các phương tiện bảo dưỡng kỹ thuật;
- các phương tiện huấn luyện (các thiết bị huấn luyện kiểu lớp học 9F676-1 và kiểu cơ động 9F676-2).


Các đặc tính chủ yếu của hệ thống điều khiển:
- sử dụng trạm radar phát hiện thể rắn 3 tọa độ với anten mạng pha bán chủ động;
- sử dụng trạm radar bám mục tiêu và tên lửa 2 dải tần, sóng cm/mm, cho phép tận dụng các ưu điểm của từng dải sóng .
- sử dụng các kênh hồng ngoại và các dải bước sóng khác nhau để bám mục tiêu và tên lửa, mở rộng các điều kiện tác chiến cho hệ thống;
- khả năng chống nhiễu cao đối với bất kỳ loại nhiễu nào do sự hợp nhất các khí tài radar và quang-điện tử thành một hệ thống thống nhất làm việc ở các dải bước sóng dm, cm, mm và hồng ngoại;
- đồng thời bắn 2 mục tiêu bay từ các hướng khác nhau nhờ có ư chế độ làm việc độc lập là radar và quang học (góc bắn 2 kênh theo phương vị và góc tà là 90° x 90°);
- cho phép bắn đuổi ở tầm bắn 16-18 km và độ cao đến 10 km, nên làm tăng 2 lần chiều dâu bảo vệ liên tục của hệ thống chống các mục tiêu máy bay có người lái (từ 15-17 km lên 30-35 km);
- khả năng bắn loạt 2 tên lửa vào 1 mục tiêu nhờ sử dụng hệ thống radar bám mục tiêu và tên lửa 2 bước sóng (cm và mm);
- thời gian phản ứng ngắn (4-6 s) nhờ khả năng bám tự động đến 20 mục tiêu của trạm phát hiện mục tiêu và truyền dữ liệu chỉ thị mục tiêu với độ chính xác theo phương vị là 0,3°; theo góc tà là 0,5° và theo cự ly là 60 m;
- khả năng chống nhiễu và độ tin cậy cao;
- bảo đảm hiệu suất hỏa lực cao (đến 10-12 mục tiêu/phút) nhờ có 2 kênh mục tiêu độc lập, tốc độ bắn trung bình cao của tên lửa phòng không và thời gian phản ứng ngắn;
- cho phép bắn tên lửa và pháo trong hành tiến, điều mà không hệ thống phòng không nào khác trên thế giới làm được;
- tính toán các tham số thông tin có tính đến các tham số chuyển động và các tham số của mục tiêu, lựa chọn vũ khí và xác định chế độ bắn;
- thực hiện đầy đủ chu trình tác chiến từ tìm kiếm mục tiêu cho đến khi tiêu diệt chúng ở chế độ tự động;
- khả năng thực hành tác chiến bởi kíp xe ở chế độ bán tự động.

Một trong những thành tố quan trọng nhất của hệ thống Pantsir-S là tên lửa phòng không 2 tầng có điều khiển 57E6-Е. Tên lửa này có:

- Thời gian bay ngắn ở giai đoạn khởi tốc (t=1,5 s, Vmax=1300 m/s);
- Khả năng cơ động cao sau khi tách động cơ khởi tốc;
- Độ trễ đường đạn nhỏ khi bay không có động cơ khởi tốc (40 m/s trên 1 km đường bay);
- Tốc độ trung bình cao - 900 m/s trên cự ly 12 km và 700 m/s trên cự ly 20 km;
- Phần chiến đấu có trọng lượng lớn (20 kg) trong khi tên lửa có trọng lượng xuất phát nhỏ.

Ngoài ra, xe chiến đấu Pantsir còn được trang bị 2 pháo phòng không tự động 2 nòng 2А38М lấy từ hệ thống Tunguska-М1 và có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay và mục tiêu mặt đất ở cự ly đến 4 km và độ cao đến 3 km.

Pantsir có 3 chế độ hoạt động chính:

- Tác chiến độc lập của một xe chiến đấu độc lập, cho phép thực hiện đầy đủ chu trình tìm kiếm, phát hiện, nhận dạng, lựa chọn mục tiêu nguy hiểm, chỉ thị mục tiêu cho kênh bắn, sục sạo bổ sung, bắt, bám và bắn mục tiêu bằng tên lửa và pháo;

- Chế độ “dẫn bắn và được dẫn bắn” của đại đội đủ hoặc thiếu. Một xe chiến đấu bất kỳ được giao nhiệm vụ sở chỉ huy đại đội và có thể được chỉ định làm xe “dẫn bắn”, còn các xe khác dù có chung các tính năng thì được xác định là “được dẫn bắn”. Xe chiến đấu “dẫn bắn” làm việc với tư cách sở chỉ huy đại đội và thực hiện các chức năng của nó, còn sau khi đưa ra thông tin chỉ thị mục tiêu cho các xe chiến đấu “được dẫn bắn” thì lại thực hiện các chức năng của mình như khi tác chiến độc lập.

Mỗi xe trong số các xe chiến đấu “được dẫn bắn” tiếp nhận thông tin chỉ thị mục tiêu từ xe chiến đấu “dẫn bắn”, tiến hành tìm kiếm bổ sung, tự động bắt để bám và bắn 1 trong 2 mục tiêu tùy thuộc vào điều kiện đánh trả cuộc tấn công của các phương tiện tiến công đường không;

- Chế độ tập trung hóa có sử dụng sở chỉ huy đại đội. Thực hành tác chiến là cả đại đội, gồm 1 sở chỉ huy đại đội và từ 3-4 đến 5-6 xe chiến đấu. Mỗi xe chiến đấu đều là “được dẫn bắn”, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu dưới sự chỉ huy của sở chỉ huy đại đội, kể từ việc xử lý thông tin chỉ thị mục tiêu. Việc điều phối hoạt động chiến đấu và chỉ thị mục tiêu được thực hiện từ sở chỉ huy đại đội.

Pantsir có nhiều biến thể khác nhau như:

  • Pantsir-S1-О, đời 2005: trang bị 2×2 pháo 30 mm 2А72, 2×4 tên lửa 57E6Е, hệ thống điều khiển vũ khí (với 1 kênh mục tiêu).
  • Pantsir-S1, đời 2005: trang bị 2×2 pháo 30 mm 2А38М, 2×4 tên lửa 57E6Е, hệ thống điều khiển hỏa lực cải tiến với radar bám 2 bước sóng 1RS2-Е Shlem.
  • Pantsir-S1, đời 2006: trang bị 2×2 pháo 30 mm 2А38М, 2×6 tên lửa 57E6Е, radar bám với 4 kênh mục tiêu, vùng bắt mục tiêu theo cự ly từ 200 m đến 20 km, theo độ cao từ 15 (ở một số trường hợp là từ 5 m) đến 20 km.
  • Pantsir-М, đời 2011: Biến thể trang bị cho hạm tàu của Pantsir-S1,.

Ngoài ra, module chiến đấu của hệ thống Pantsir-S còn có thể tháo gỡ khỏi khung gầm bánh lốp và lắp đặt như một đơn vị chiến đấu độc lập, bảo đảm bảo vệ liên tục vùng trời bên trên một mục tiêu riêng lẻ xác định (tổ hợp công nghiệp, trận địa tên lửa phòng không S-300 hoặc Tor).

Các đặc điểm thiết kế độc đáo của hệ thống cho phép sử dụng nó chống lại gần như tất cả các loại vũ khí tiến công đường không, đặc biệt là tên lửa hành trình vốn có nhiệm vụ tiến công nhanh, chính xác cao.

Pantsir-S1 bắn tên lửa
Pantsir-S1 bắn tên lửa

Năm 2011-2012, KBP đã tiến hành bắn đối với Pantsir-S, trong đó các hệ thống đã bắn rơi 2 tên lửa hành trình phóng từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95 từ khoảng cách 800 km. Các tên lửa hành trình được phóng vào một tòa nhà mà cách đó không xa các hệ thống Pantsir-S được bố trí. Các thử nghiệm này được tiến hành để thu hút sự chú ý của các nước có nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa hành trình để họ mua sắm tích cực hơn hệ thống pháo/tên lửa phòng không này.

Pantsir-S1 đã được quân đội Nga nhận vào trang bị từ 4 năm trước sau hơn 10 năm phát triển. Chương trình phát triển hệ thống phòng không tầm gần này bắt đầu trong thập niên 1990, nhưng thực tế được tiến hành theo kiểu “khi nào rỗi thì làm” do thiếu tiền. Pantsir có thể lắp đặt trên các loại khung gầm khác nhau, nhưng biến thể phổ biến nhất trong quân đội Nga có trọng lượng 20 tấn, kíp xe 3 người. Mỗi xe chiến đấu có giá gần 15 triệu USD.

Theo VND