Phá giá NDT đã nhìn thấy trước
Nếu quan sát tình hình dòng vốn và tỷ giá Trung Quốc 10 năm qua, mức 7NDT/USD chỉ là sớm hay muộn sẽ bị xuyên thủng. Bởi đồng NDT đang trong chiều hướng xuống giá từ năm 2014 trở lại đây, dưới tác động đảo chiều của dòng vốn tư nhân ở Trung Quốc. Dòng vốn đảo chiều do nhà đầu tư thất vọng với triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và chính sách nới lỏng tiền tệ, khiến chênh lệch lợi nhuận đầu tư kỳ vọng ở Trung Quốc so với nước ngoài giảm đi.
Theo tính toán trong báo cáo nghiên cứu “Xu hướng trong tài khoản tài chính của Trung Quốc” của NHTW Australia (RBA), từ quý I-2009 đến quý I-2014, dòng vốn tư nhân ròng (private capital flows) của Trung Quốc nhận một dòng vốn ròng 927 tỷ USD (bình quân mỗi quý nhận 44 tỷ USD). Thế nhưng, từ quý II-2014 đến 2016, có 1.525 tỷ USD đổ ra khỏi Trung Quốc (bình quân mỗi quý đổ ra 127 tỷ USD). Trong năm 2017, tốc độ vốn đổ ra có chậm hơn, nhưng cũng là 18 tỷ USD vốn ra ròng.
Nếu quan sát tình hình dòng vốn và tỷ giá Trung Quốc 10 năm qua, mức 7 NDT/USD chỉ là sớm hay muộn sẽ bị xuyên thủng. Bởi khi nền kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã không còn là nơi mà dòng vốn ngoại cuồn cuộn chảy vào. |
Bởi lẽ Trung Quốc muốn vươn bàn tay ra toàn cầu thì họ phải là người đi cấp vốn và đầu tư ra nước ngoài. Theo tính toán, dòng vốn FDI của Trung Quốc tăng từ 26,5 tỷ USD năm 2007 lên 183,2 tỷ USD vào năm 2016. Trong năm 2017, mức ODI của Trung Quốc giảm gần 30%, về mức 120 tỷ USD, tuy nhiên các dự án tư nhân đầu tư ra nước ngoài trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường vẫn được khuyến khích.
Bên cạnh đó, các công ty sản xuất đã bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc từ trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do cấu trúc tuổi tác, chi phí lao động và chiến lược công nghiệp của chính phủ không còn thích hợp nữa (giảm bớt các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và hao tốn tài nguyên). Xu hướng này ngày một nhanh hơn sau chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Cuộc đua các nước bắt đầu nới lỏng tiền tệ để kích thích nền kinh tế. |
Tổng hợp các yếu tố dòng vốn ở trên, có thể thấy từ khi nền kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và buộc phải nới lỏng tiền tệ, cộng với tham vọng của chính sách vươn ảnh hưởng ra toàn cầu nhanh và mạnh, Trung Quốc đã không còn là nơi mà dòng vốn cuồn cuộn chảy vào. Đồng NDT vì vậy chịu sức ép mất giá.
Xu thế mất giá của NDT không nhất thiết là vì Trung Quốc muốn kích thích xuất khẩu bằng cách thao túng tiền tệ, mà là vì sức ép dòng vốn. Duy trì mức tỷ giá dưới 7NDT/USD là một thách thức thường trực trong hơn một năm nay. Trong thời điểm Mỹ chấm dứt tình trạng “ngừng bắn” trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, bước điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc chỉ cho thấy họ đón đầu trước phản ứng thị trường và chủ động kiểm soát tốt hơn tỷ giá trước khả năng vốn ngoại tiếp tục đổ ra.
Đây không phải là một động thái chiến tranh tiền tệ toàn diện, mà đơn giản là một bước phòng thủ của Trung Quốc. Về cơ bản, vẫn chỉ là Mỹ ra đòn, Trung Quốc đỡ đòn. Điều chỉnh tỷ giá không phải là một bước leo thang chiến tranh, chỉ là một cú đỡ đòn.
Cuộc đua các nước nới lỏng tiền tệ
Những phân tích trên cho thấy, trong cuộc chiến tiền tệ, kẻ khơi mào là Mỹ, không phải Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Trump và nhiều ứng viên tổng thống khác đều nhận định đồng USD mạnh bất lợi cho Mỹ.
Cũng chính ông Trump là người gây sức ép lên Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cần phải cắt giảm lãi suất USD, và ngay cả sau khi lãi suất giảm đi 0,25%, ông ta vẫn chưa hài lòng. Một nhà kinh tế ở London nói với người viết một cách hài hước “ông ta ép FED cắt lãi suất, ra đường tuyên bố USD mạnh thì xấu cho nền kinh tế, nhưng khi nước người ta điều chỉnh tỷ giá giảm, thì ông ta đi xếp hạng nước người ta thao túng tiền tệ”.
Những mức lợi suất âm của trái phiếu chính phủ Đức đang được bàn tán như một bằng chứng cho sự hoảng loạn của thị trường. Và khi lợi suất trái phiếu càng âm càng phản ánh người ta đang lo ngại suy giảm kinh tế và thị trường cổ phiếu sụp đổ như thế nào. |
NHTW của New Zeland, Ấn Độ và Thái Lan đều đồng loạt cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự đoán vào ngày 7-8 vừa qua, trong đó mức cắt 0,5% của NHTW New Zeland có thể là một cú sốc bất ngờ nhất. NHTW Anh và NHTW châu Âu (ECB) được dự báo cũng sẽ gia nhập cuộc đua này trong những tháng còn lại của năm 2019.
Xu thế này phản ánh sự lo ngại của NHTW các nước về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở nước họ. Nếu nhiều nền kinh tế như vậy đều có thể suy thoái, một tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu là có khả năng xảy ra, hoặc ít nhất là suy giảm tăng trưởng. IMF đã xếp chiến tranh thương mại vào một trong những rủi ro chủ chốt đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và nay phản ứng của NHTW và thị trường chứng khoán các nước đơn giản là phản ánh điều đó.
Tiền mặt, vàng và trái phiếu lên ngôi
Trong bối cảnh thị trường cổ phiếu toàn cầu đều ở trong trạng thái bi quan, nhà đầu tư tất yếu sẽ tìm đến những tài sản thay thế. Vàng và trái phiếu đang được các phương tiện truyền thông chú ý trong nhiều ngày qua. Có người dự đoán giá vàng quốc tế có thể lên đến 2.000USD từ mức trên 1.495USD hiện tại (có lúc đã vượt mức 1.500USD). Những dự đoán như vậy thật ra luôn tồn tại ở mọi thời điểm trên thị trường, ngay cả khi vàng trong xu thế giảm.
Ngoài vàng, những mức lợi suất âm của trái phiếu chính phủ Đức đang được bàn tán như một bằng chứng cho sự hoảng loạn của thị trường. Thực tế đã có 15.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ trên toàn cầu đang có lợi suất âm. Vì sao người ta chấp nhận mua trái phiếu có lợi suất âm (nghĩa là chẳng những cho người ta vay tiền mà còn trả thêm phí để được cho vay)? Đơn giản, người ta đoán rằng mức lợi suất đó sẽ còn âm hơn nữa, hoặc mức âm đó vẫn ít hơn mức mất tiền nếu để vào nơi khác, thí dụ cổ phiếu.
Một số nhà phân tích dự đoán trái phiếu của chính phủ Mỹ cũng sẽ sớm có lợi suất âm. Nói cách khác, nếu lợi suất ngày một âm, người mua trái phiếu lợi suất âm hôm nay lại sẽ kiếm được tiền (lợi suất giảm thì giá trái phiếu sẽ tăng). Lợi suất trái phiếu càng âm càng phản ánh người ta đang lo ngại suy giảm kinh tế và thị trường cổ phiếu sụp đổ như thế nào.
Ngoài những người nắm vàng và trái phiếu, trên thị trường vẫn còn một lượng không nhỏ những nhà đầu tư đang nắm rất nhiều tiền mặt. Lượng tiền mặt mà Công ty Berkshire Hathaway của Warren Buffett đang tích lũy là 122 tỷ USD, một mức cao kỷ lục nhiều năm trở lại đây. Buffett đã từ chối dùng số tiền này mua lại cổ phiếu, cho thấy ông vẫn đang ngồi chờ đợi cơ hội. Mức giảm giá mạnh của cổ phiếu có thể sẽ kích thích những nhà đầu tư như Buffett “ra tiền”. Nhưng mức giảm giá hiện tại có thể chưa đủ nhiều và họ sẽ vẫn chờ đợi.
Vậy còn bitcoin? Bitcoin vẫn chưa phải là một tài sản thay thế của đa phần quỹ đầu tư chính thống, do đó dòng tiền chủ đạo từ các thị trường tài chính lớn sẽ không đổ vào đây. Tuy nhiên, các nhà đầu tư bitcoin vẫn có thể tận dụng tin tức bất lợi từ thị trường cổ phiếu để đưa ra các nhận định về sự lên ngôi của tiền ảo, và cho rằng nó là một điểm trú ẩn an toàn.
Với tính biến động cao của bitcoin và khả năng làm giá của những con “cá voi tiền số”, chắc chắn bitcoin không phải là một tài sản “an toàn”. Nhưng sẽ vẫn có những người chạy theo cơn sóng làm giá lên khi thị trường cổ phiếu giảm giá. Tất yếu trong con sóng đó sẽ có người kiếm nhiều tiền và có người mất tiền. Người ta có thể kiếm tiền từ bitcoin, nhưng đó sẽ không phải là một tài sản thay thế có tính phòng thủ.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng - Đầu tư tài chính
Link: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/su-len-ngoi-cua-cac-tai-san-thay-the-71071.html
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu