Su-27 Nga “chặn đầu nguy hiểm” RC-135 của Mỹ

Lầu Năm góc xem vụ Su-27 của Nga chặn đầu RC-135 ở khoảng cách ngắn là nguy hiểm và không chuyên nghiệp. Sự cố xảy ra hôm đầu tuần này, khi tiêm kích Su-27 của Nga chặn đầu máy bay do thám RC-135 của Mỹ ở khoảng cách tầm 6m trên bầu trời Biển Đen.
Máy bay do thám RC-135 của Mỹ. Ảnh: US Navy
Máy bay do thám RC-135 của Mỹ. Ảnh: US Navy

Lầu Năm góc xem đây là hành động gây hấn mới nhất của Moskva liên quan đến khả năng đụng độ trên không. “Trong ngày 25/1, chiếc RC-135 đang thực hiện hành trình bay trên không phận quốc tế ở Biển Đen thì bị một tiêm kích Su-27 của Nga chặn đầu theo một cách thức không an toàn và thiếu chuyên nghiệp. 

Vụ việc đang được điều tra làm rõ”, Đại tá hải quân Daniel Hernandez, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đặc trách châu Âu (EUCOM) chia sẻ với tờ Washington Free Beacon.

Giới chức quân sự Mỹ nói rằng, chiếc Su-27 đã bay song song chiếc RC-135 sau đó bất ngờ bay bẻ lái ngang đầu. Sức nén từ động cơ máy bay Nga tỏa ra gây ra bất ổn về khả năng kiểm soát trên máy bay do thám điện tử của Mỹ. Một quan chức khác tiết lộ, chiếc RC-135 khi đó bay cách bờ biển Đen khoảng 48km (30 dặm) và hoàn toàn nằm trong không phận quốc tế, cách rất xa không phận Nga.

Trong một diễn biến khác, Lầu Năm góc hôm 28/1 cho biết đã ký Bản ghi nhớ an toàn bay với Moskva sau cuộc hội thảo qua truyền hình với giới chức Bộ Quốc phòng Nga. 

Bên cạnh việc tránh va chạm trên bầu trời Syria, giới chức hai bên còn thảo luận về cách thức, công cụ nhằm không để xảy ra các sự cố đối đầu không mong muốn giữa liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu với không quân Nga tại bất kì thời điểm tác chiến trên phạm vi, khoảng cách sát nhau – Phát ngôn viên Lầu Năm góc Peter Cook nói. Tuy nhiên, ông Cook không đả động gì đến sự cố ngày 25/1. 

Đây không phải là lần đầu tiên máy bay hai Nga, Mỹ bay sát nguy hiểm. Một tiêm kích của Nga đã chặn đầu chiếc RC-135 cũng ở Biển Đen hôm 30/5/2015, cùng thời điểm là vụ cường kích Su-24 Nga bay sát trên đầu tàu khu trục USS Ross (Mỹ) gần bán đảo Crimea. 

Trước đó, hôm 7/4/2015, một chiếc Su-27 (Nga) cũng đã “áp sát” máy bay do thám RC-135 ở khoảng cách chưa đầy 7m, nhưng là trên bầu trời biển Baltic. Đến tháng 10/2015, hai máy bay ném bom Tu-142 của Nga đã tiến sát tàu sân bay USS Reagan (Mỹ) khi đang neo đậu ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, gần bán đảo Triều Tiên. Mỹ đã tức tốc điều tiêm kích F-18 để chặn đầu máy bay Nga. 

Cựu chuyên gia về Nga tại Lầu Năm góc Mark Schneider bình luận, những vụ “suýt đụng độ” trên không xảy ra liên tục trong thời gian gần đây cho thấy Nga luôn dị ứng trước các hành động do thám của nước ngoài, kiên quyết bảo vệ các bí mật quốc gia. 

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, đô đốc Cecil Haney thì nhìn nhận, Nga đang muốn chứng tỏ sức mạnh của một siêu cường đang trở lại, thông qua việc gia tăng các hoạt động bay quân sự. Đô đốc người Mỹ cũng tỏ ra quan ngại về việc Nga tăng cường các chuyến bay do thám trên khắp thế giới bằng máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân, cùng với đó là hoạt động tập trận của lực lượng hạt nhân mặt đất. 

Quan hệ của Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên căng thẳng sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 4/2014. Liên minh quân sự này tăng nhanh số lượng các cuộc tập trận, tái bố trí và triển khai lực lượng nhằm đối phó với Nga.

 Mới nhất, ngày 28/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, tổ chức này sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Đông Âu, trong bối cảnh Nga nổi lên là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với cả khối. 

Clip đồ hoạ Su-27 Nga “chặn đầu” RC-135 tháng 7 năm 2014

Hoài Thanh - Theo W.F.B, RT, Tin tức