“Stop Hate for Profit”: Làn sóng tẩy chay Facebook bắt đầu lan rộng ra toàn cầu

VietTimes – Các nhà tổ chức chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook đang nhận được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của các công ty lớn, và giờ chuẩn bị nâng tầm chiến dịch lên cấp độ toàn cầu để gây sức ép cho công ty này phải gỡ bỏ các nội dung mang tính chất thù hận.
Facebook mỗi năm kiếm 70 tỷ USD doanh thu quảng cáo, và 1/4 số đó đến từ các tập đoàn lớn như Unilever (Ảnh: Reuters)
Facebook mỗi năm kiếm 70 tỷ USD doanh thu quảng cáo, và 1/4 số đó đến từ các tập đoàn lớn như Unilever (Ảnh: Reuters)

Chiến dịch có tên “Stop Hate for Profit” (Ngừng thù hận vì lợi nhuận) sẽ bắt đầu kêu gọi các công ty lớn ở châu Âu tham gia tẩy chay Facebook; Jim Steyer, Giám đốc điều hành của Common Sense Media, nói trong một cuộc phỏng vấn với Reuters.

Kể từ khi chiến dịch được khởi động hồi đầu tháng này, đã có hơn 160 công ty, bao gồm Tập đoàn truyền thông Verizon và Tập đoàn Unilever, ký kết ngừng mua các đoạn quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới trong tháng 7 năm nay.

Được biết, Free Press và Common Sense, cùng với các nhóm quyền dân sự Mỹ như Color of Change và Anti-Defamation Lague, đã khởi động chiến dịch này sau sự kiện cái chết của George Floyd, người đàn ông da đen bị cảnh sát ở Minneapolis giết hại.

“Mặt trận tiếp theo chính là sức ép toàn cầu” – ông Steyer cho hay, thêm rằng phía chiến dịch hy vọng sẽ thuyết phục được các nhà điều hành ở châu Âu đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với Facebook.

Ủy ban châu Âu trong tháng này đã công bố các hướng dẫn mới đối với các công ty công nghệ, trong đó có Facebook, phải gửi báo cáo hàng tháng về cách mà họ xử lý thông tin sai lệch về việc ứng phó virus corona trên thế giới.

Sự phẫn nộ trước cái chết của Floyd ở nước Mỹ đã dẫn tới phản ứng trước nay chưa từng thấy từ các tập đoàn trên khắp thế giới nhằm vào Facebook. Tầm ảnh hưởng của nó thậm chí còn vượt ra khỏi biên giới Mỹ. Điển hình là Unilever, tập đoàn đã đổi tên một sản phẩm làm trắng da khá nổi tiếng của mình ở Ấn Độ có tên gọi “Fair and Lovely” (Trắng và Đáng yêu).

Chiến dịch toàn cầu chắc chắn chưa dừng lại ở đây khi mà các nhà tổ chức đang tiếp tục kêu gọi thêm các công ty Mỹ tham gia. Jessica Gonzales, đồng Giám đốc của Free Press, nói rằng bà đã liên hệ với các Tập đoàn và công ty truyền thông lớn ở Mỹ và yêu cầu họ tham gia chiến dịch.

Cổ phiếu Facebook giảm mạnh

Về phần mình, phản ứng trước những lời kêu gọi phải có thêm hành động, Facebook trong hôm cuối tuần qua thừa nhận rằng họ còn nhiều việc cần phải làm và đang phối hợp với các tổ chức quyền dân sự, chuyên gia để phát triển thêm công cụ chống lại các nội dụng mang tính chất thù hận. Facebook nói rằng các khoản đầu tư mà họ đổ vào trí tuệ nhân tạo (AI) đã cho phép công ty phát hiện tới 90% lượng nội dung thù hận trước khi người dùng báo cáo về chúng.

Việc mở rộng chiến dịch ra khỏi biên giới Mỹ chắc chắn sẽ đe dọa tới doanh thu từ quảng cáo của Facebook, nhưng khó có thể gây ảnh hưởng lớn tới tài chính của công ty này.

Ví dụ, Unilever hôm thứ Sáu tuần trước tuyên bố ngừng quảng cáo trên Facebook ở Mỹ cho tới hết năm nay. Thực tế thì khoản này chỉ chiếm có 10% tổng chi phí quảng cáo ước đạt 250 triệu USD mà họ chi cho Facebook mỗi năm; theo công ty phân tích công nghệ và truyền thông LightShed Partners.

Ông Steyere cho hay chiến dịch của ông sẽ kêu gọi các hãng vốn chi mạnh tay cho quảng cáo trên toàn cầu như Unilever và Honda – vốn đã cam kết ngừng quảng cáo trên Facebook ở Mỹ - ngừng quảng cáo trên Facebook trên phạm vi toàn cầu.

Hàng năm, Facebook kiếm được khoảng 70 tỷ USD nhờ vào doanh thu quảng cáo và khoảng ¼ số này đến từ các công ty lớn như Unilever.

Tuy nhiên, việc công khai các chính sách liên quan tới nội dung mang tính chất thù hận của Facebook đã khiến công ty này chịu tổn hại lớn. Hôm thứ Sáu tuần trước, giá cổ phiếu của Facebook giảm 8,3% đã quét sạch 56 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của công ty này.

Cần chính sách tổng thể

Ông Steyer và bà Gonzales nói rằng nỗ lực của Facebook trong tuần trước khi đưa ra một số biện pháp mới cấm các chính trị gia đăng tải nội dung có tính chất thù hận mặc dù là bước đi tốt, nhưng vẫn chưa là gì so với những yêu sách mà chiến dịch đưa ra.

“Nếu họ nghĩ rằng chuyện này đã xong nhờ động thái hôm thứ Sáu tuần trước, thì họ đã cực kỳ lầm lẫn” – bà Gonzales nói – “Chúng tôi không cần kiểu chính sách một lần cho qua. Chúng tôi cần một chính sách tổng thể”.

Chiến dịch “Stop Hate for Profit” trước đó đã công khai danh sách của họ, trong đó yêu cầu Facebook áp dụng một quy trình để giúp đỡ những người dùng đang hứng chịu nạn phân biệt chủng tộc, minh bạch hơn về số lượng các nội dung thù hận được báo cáo và ngăn chặn việc thu lợi từ các đoạn quảng cáo có nội dung độc hại.

Thêm nữa, Facebook đã không đáp ứng được một số yêu cầu rằng họ cần phải hoàn tiền cho các công ty có đoạn quảng cáo được đăng ở vị trí sát với các nội dung bị gỡ bỏ vì vi phạm chính sách; Ian Orekondy, Giám đốc điều hành của AdCompanyRx, công ty quảng cáo công nghệ đã tham gia vào chiến dịch tẩy chay.

Chiến dịch tẩy chay này hiện còn tăng tốc tấn công vào các nền tảng quảng cáo nội dung số khác như Twitter. Hôm Chủ nhật vừa qua, hãng Starbucks tuyên bố sẽ ngừng quảng cáo trên tất cả nền tảng mạng xã hội, đồng thời phối hợp với các tổ chức quyền dân sự để “ngăn chặn sự phát tán của nội dung thù hận”.