Năm 2015 được coi là năm bản lề cho nhiều chặng đường mới, hứa hẹn đầy bất ngờ với các thương vụ M&A, làn sóng xáo trộn nhân sự, kế hoạch niêm yết…
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 10 ngân hàng công bố ngày tổ chức ĐHĐCĐ.
Cụ thể, NamABank và LienVietPostBank sẽ là hai ngân hàng đầu tiên mở màn với thời gian lần lượt vào ngày 27/3 và 28/3.
Các ngân hàng còn lại đều dồn dập tổ chức vào tháng 4 như VietinBank (14/4), BIDV (17/4), Sacombank (21/4), Eximbank (22/4),Vietcombank (24/4), SHB (24/4). Hai ngân hàng Quốc dân (NCB) và Quân đội (MBBank) đều chưa ấn định ngày nhưng thông báo sẽ diễn ra vào cuối tháng 4…
Ngân hàng Á Châu (ACB) đã thông báo chốt danh sách cổ đông đăng ký tham dự ĐHĐCĐ vào 10/2, nhưng ngân hàng này chưa công bố thời gian và địa điểm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015.
Theo thống kê của BizLIVE, hiện còn hơn 20 ngân hàng chưa công bố lịch ĐHĐCĐ như: VIB, TPBank, SouthernBank, Maritime Bank, MDB, MHB, BaoVietBank, DongABank, ABBank, PGBank, OceanBank,...
Điều gì được mong chờ nhất?
Có lẽ “sáp nhập” là từ được nhắc đến nhiều nhất trong ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua. Bởi theo như lời Thống đốc NHNN, năm nay sẽ có 6-8 thương vụ hợp nhất. Chưa bao giờ làn sóng sáp nhập lại diễn ra đồng bộ và ráo riết như năm nay.
Mới đây Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, NamABank và Eximbank đang có kế hoạch “góp gạo thổi cơm chung”, trong đó sau hợp nhất cái tên NamABank sẽ biến mất.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á – TS. Cao Sỹ Kiêm cũng xác nhận Đông Á và An Bình đang trong quá trình tìm hiểu nhau. Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng công bố ngân hàng này đang lên kế hoạch sáp nhập PGBank.
Ngoài ra, thị trường còn xuất hiện nhiều tin đồn về việc VietcomBank sẽ sáp nhập SaigonBank, hay BIDV sẽ sáp nhập với ngân hàng MHB… Tất cả sẽ được giải đáp trong vòng vài tuần tới.
Bước ngoặt của những ngân hàng “cá biệt”
Đầu tiên phải kể đến cái tên VNCB - Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (nay đổi thành Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam). Ngày 31/1/2015, VNCB đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, tuy nhiên Đại hội đã không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.
Sau đó, NHNN đã mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/cổ phần và trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB. Và đương nhiên là, cổ đông đã mất trắng số tiền đã bỏ ra để mua cổ phần tại ngân hàng này.
Một cái tên khác là GPBank cũng được mong chờ tại mùa ĐHĐCĐ năm nay. GPBank là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu từ đầu năm 2012. Đây cũng là ngân hàng thu hút sự quan tâm của thị trường do có thông tin nhà băng này đang đàm phán để bán một lượng cổ phần lớn cho đối tác trong nước để thực hiện phương án tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN.
Trước đó, có thông tin bán 100% cổ phần GPBank cho ngân hàng UOB đến từ Singapore. Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, phương án này đã gián tiếp được thông báo là không đi đến hồi kết. Đối tác nước ngoài đến từ Malaysia cũng không chốt phương án sẽ mua lại ngân hàng này.
NHNN đã có lần gửi công văn đến LienVietPostBank đề nghị ngân hàng này xem xét nhận GPBank vào hệ thống, tuy nhiên lãnh đạo ngân hàng này đã từ chối với lý do đang còn phải đầu tư vào hệ thống sau khi sáp nhập với Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện.
OceanBank là ngân hàng vừa mới bộc lộ yếu kém khi chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng, đã có tới 4 lãnh đạo bị khởi tố và bắt giam do những vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bốn lãnh đạo này là ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Nguyễn Văn Hoàn - nguyên Phó Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng tín dụng; bà Nguyễn Minh Thu - người vừa ngồi vào vị trí thay ông Thắm sau 2 tháng và ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Giám đốc Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược.
Sự xáo trộn nhân sự ở cấp cao nhất của ngân hàng đã khiến cho OceanBank gần như bị “tê liệt”. Liệu kỳ ĐHĐCĐ sắp tới có thể diễn ra thành công, giúp ngân hàng thoát khỏi trạng thái này vẫn là điều khiến nhiều cổ đông băn khoăn.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết cơ quan này đang xem xét mua lại 2 ngân hàng là GPBank và OceanBank với giá 0 đồng, nếu hai ngân hàng này không thể khắc phục được tình trạng âm vốn và cũng không tìm được đối tác mua lại.
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số ngân hàng lại “tiết lộ” những kế hoạch và chiến lược kinh doanh đầy tham vọng sẽ được trình tại ĐHĐCĐ năm nay, như tăng vốn, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, mùa ĐHĐCĐ năm nay sẽ còn hứa hẹn nhiều bất ngờ mà ít ai lường tới.
Theo: BizLive