Không phải tình huống nào HLV, cầu thủ trách cứ trọng tài đều chính xác, nhưng xem lại băng hình, không ít tình huống các trọng tài đã thổi oan. Ngay đến các trọng tài FIFA cũng bị khá nhiều đội bóng lên tiếng phản đối cách điều hành thì đúng là cần phải nhanh chóng có VAR để “trắng đen, rõ ràng”. Các đội bóng cũng không thể dùng chiêu “cả vú lấp miệng em” để che đậy sự yếu kém của mình.
Đẳng cấp FIFA cũng bị treo còi
Trước tiên phải khẳng định, không phải trọng tài FIFA thì sẽ không có sai sót, bằng chứng là mùa giải năm nay hàng loạt trọng tài FIFA và trọng tài kỳ cựu của V.League đã bị đình chỉ làm nhiệm vụ. Có thể kể ra đó là trọng tài Trần Đình Thịnh, Trương Hồng Vũ, Nguyễn Ngọc Châu cùng trợ lý trọng tài Nguyễn Trung Hậu đã bị tạm đình chỉ làm nhiệm vụ.
Khá buồn là trong số này, có 2 người vừa được công nhận là trọng tài FIFA trong năm 2019 là Trương Hồng Vũ, Trần Đình Thịnh. Ông Nguyễn Trung Hậu có thâm niên là trợ lý trọng tài FIFA từ mùa bóng 2014. Riêng trọng tài Nguyễn Ngọc Châu từng đoạt danh hiệu Còi vàng Việt Nam ở mùa giải 2016.
VAR kiểu Viêt Nam sẽ được bố trí trên xe ô-tô 16 chỗ thay vì phòng cố định (ảnh FIFA)
|
Nghĩa là trọng tài FIFA cũng bị treo còi, rồi cựu Còi vàng rồi cũng bị treo còi. Trong đó có cả những lỗi “quên luật” như trọng tài Trần Đình Thịnh, hệt như trẻ con đi học quên bảng cửu chương. Sai lầm của trọng tài là một phần của bóng đá nhưng những sai lầm sơ đẳng như thế chỉ khiến cho khán giả quay lưng với sân cỏ.
Dù ghi nhận những quyết tâm của các quan chức VFF khóa 8, Ban trọng tài VFF đã được cải tổ với những khuôn mặt mới. Tuy nhiên, điều mà khán giả quan tâm là chất lượng chuyên môn của công tác trọng tài thì lại có sự chuyển biến quá chậm.
Ngay sau lượt đi, Ban trọng tài đã có những chấn chỉnh về mặt chuyên môn. Mới đây, 49 trọng tài và 56 trợ lý trọng tài đã được kiểm tra thể lực. Trọng tài tự do Hoàng Công Khanh không được cầm còi với lý do thể lực chứ không phải như tố cáo “cầm còi chui” cũng ít nhiều làm yên dư luận.
Lại kêu trọng tài
Nhưng ngay vòng 14, đã có 2/7 sân các trọng tài đã bị các đội phàn nàn. Khá lạ là trên sân Plei-ku thì trọng tài Ngô Quốc Hưng bị HLV cả 2 đội kêu ca trong các tình huống thổi phạt. Theo đó, trọng tài này đã đưa ra ít nhất 3 quyết định gây tranh cãi trong trận đấu giữa HAGL và Quảng Nam.
Thời gian gần đây trọng tài Ngô Quốc Hưng bị khá nhiều đội phàn nàn (ảnh VPF)
|
Tình huống Hồng Sơn đã ngã trong vòng cấm của HAGL nhưng anh lại phải nhận thẻ vàng. Trọng tài Hưng cho rằng cầu thủ đội khách đã cố tình ăn vạ để kiếm quả 11m.
Trước đó Hoàng Lâm ngã trong vòng cấm Quảng Nam, ngay lập tức trọng tài Hưng chỉ tay vào chấm 11m cho đội chủ nhà. Các cầu thủ đội khách Quảng Nam đã phản ứng quyết liệt khi cho rằng cầu thủ của mình không phạm lỗi.
Trong tình huống Hà Minh Tuấn lao vào đá bồi nâng tỷ số lên 2-1 cho Quảng Nam. Các cầu thủ đội chủ nhà HAGL lại phản ứng với trọng tài Hưng khi cho rằng tiền đạo đội khách ở thế việt vị.
Còn ở trận đấu giữa Nam Định và chủ nhà Bình Dương, trọng tài Đỗ Thành Đệ đã nhận những phản ứng dữ dội khi thổi phạt đền đội khách ở phút 26. Đó là tình huống va chạm diễn ra trên không giữa hai cầu thủ mà khi xem lại băng, có thể thấy trọng tài chính đã đưa ra nhận định có phần cảm tính.
Nếu có VAR như thế này, chắc chắn trọng tài Đỗ Thành Đệ sẽ không thổi phạt đền Nam Định (ảnh FIFA)
|
Sau trận đấu HLV Nguyễn Văn Dũng của Nam Định đã bức xúc: “Không nói chuyện trọng tài sai sót nhiều, nhưng có những tình huống ông ấy khiến đội bóng phải chịu thiệt. Đặc biệt là tình huống thổi phạt đền".
"Tôi không hiểu sao tình huống hai cầu thủ cùng nhảy lên tranh chấp nhưng trọng tài lại thổi phạt đền 11m cho Bình Dương. Tôi nghĩ đó là lỗi gì? Trọng tài đã thổi rất nặng tay với Nam Định ở trận đấu này”.
Trước đó, ở vòng 12, trọng tài Ngô Quốc Hưng không công nhận bàn thắng hợp lệ cho Nam Định trong cuộc chạm trán Thanh Hóa.
Ở tình huống này, Diogo đã đưa bóng đi qua vạch vôi trước khi bị hậu vệ Thanh Hóa phá bóng. Quyết định cảm tính của trọng tài Hưng khiến đội bóng thành Nam ngậm ngùi nhận thất bại 2-3 chung cuộc. Và lần đầu tiên trong lịch sử có chuyện CĐV đâm đơn đi kiện trọng tài... rồi mọi chuyện lại chìm xuồng.
Đây là những tình huống nếu có VAR thì có lẽ mọi chuyện sẽ khác đi, các đội bóng sẽ không còn ấm ức. Cách đây vài tháng, ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF cho biết, dự kiến công nghệ VAR sẽ được đưa vào thử nghiệm ở giai đoạn lượt về V.League 2019.
Đành chờ
Để đỡ tốn chi phí VPF dự định VAR theo kiểu Việt Nam nghĩa là không xây dựng phòng VAR như chúng ta vẫn thường thấy trên truyền hình mà sử dụng trên các xe lưu động 16 chỗ. Trận đấu nào dự báo là quan trọng, căng thẳng thì xe VAR sẽ được điều đến sân đó. Chính vì VAR “Made in Vietnam” nên VPF cần được phê duyệt của FIFA trước khi áp dụng.
Công nghệ VAR chỉ có tác dụng hỗ trợ trọng tài trong một số trường hợp nằm ngoài tầm kiểm soát do tình huống diễn ra quá nhanh, có thể thay đổi kết quả trận đấu. Gốc rễ vẫn là tìm cách để nâng cao chất lượng tiếng còi, cải tổ bộ phận quản lý, điều hành trọng tài. |
Nói cách khác, VPF vẫn chưa thể áp dụng công nghệ VAR ở giai đoạn lượt về V.League 2019 như đã thông báo.
Bởi vậy, chúng ta chỉ còn cách trông chờ vào sự công tâm của các ông vua sân cỏ và thực tế với các quốc gia áp dụng VAR thì thiết bị này cũng không thể cứu cánh cho những sai sót của trọng tài.
Nhanh lên VPF!