Trong hàng loạt các cuộc họp của ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia, từ Na Uy cho tới Nam Phi, nhiều trong số họ đã quyết định nâng lãi suất với mức cao hơn so với dự đoán. Sự kiện này được các nhà phân tích tại ING gọi là “Siêu thứ Năm.”
Ngân hàng trung ương Anh đã nâng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp trong hôm 22/9. Trước khi thông tin này xuất hiện, đồng bảng Anh đã có thời điểm chạm mốc thấp nhất trong vòng 37 năm so với đồng USD, trước khi phục hồi lại chút ít và giữ ở mức 1 bảng đổi 1.13 USD.
Mặc dù một số quốc gia không nâng lãi suất – Ngân hàng trung ương Nhật Bản để lãi suất ở mức thấp như trước đây – nhưng họ vẫn đưa ra biện pháp khác nhằm giảm sức ép về lạm phát tăng.
Trong hôm thứ Năm, Nhật Bản cho hay họ đã can thiệp vào các thị trường tiền tệ để bán USD và mua đồng yen, đây là đầu tiên diễn ra sự can thiệp như vậy trong vòng 24 năm, nhằm làm chậm đà giảm của đồng yen. Đồng tiền của Nhật đã giảm xuống còn 145,87 yen đổi 1 USD, yếu nhất kể từ năm 1998. Sau khi có sự can thiệp, nó tăng lên 141 yen đổi 1 USD.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda (Ảnh: Bloomberg) |
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nói rằng chính phủ sẽ hành động một lần nữa nếu cần, tuy nhiên không chỉ rõ mức độ can thiệp. “Mặc dù tỷ giá hối đoái về nguyên tắc nên được quyết định bởi thị trường, nhưng chúng tôi thể ngồi yên khi những hoạt động đầu cơ và quá độ liên tục diễn ra,” ông nói.
Những cuộc họp của ngân hàng trung ương các nước, phần lớn là đã được lên kế hoạch trước, xuất hiện sau khi Fed tuyên bố nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm trong hôm trước đó.
Nhiều quan chức ngân hàng trung ương đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng về niềm tin của công chúng, bởi ban đầu họ cho rằng lạm phát tăng sẽ chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, và giờ phải chạy đua tăng lãi suất để bắt kịp với giá cả tăng mạnh. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương lại không dám tăng lãi suất quá nhanh bởi điều đó có thể gây ra những nỗi đau không cần thiết cho nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ đã gia nhập cuộc đua lãi suất khi tuyên bố tăng lãi suất trong hôm thứ Năm, trong đó lãi suất cơ bản của họ đã ở mức trên 0% lần đầu tiên kể từ năm 2014, đánh dấu sự chấm dứt của lãi suất âm cuối cùng còn xuất hiện ở châu Âu. Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã nâng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm từ trước đó, và cũng là mức tăng lớn nhất trong gần 3 thập kỷ.
Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ lại đứng ngoài lề, dường như không quan ngại về mối đe dọa lạm phát đang lan rộng. Ngân hàng trung ương của họ đã giảm lãi suất cơ bản từ 13% xuống còn 12%, bất chấp lạm phát vượt ngưỡng 80% trong tháng 8 và đồng tiền có nguy cơ tiếp tục trượt giá. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lâu nay vẫn gây sức ép cho ngân hàng trung ương để giữ lãi suất ở mức thấp, bởi quan điểm của ông là lãi suất cao sẽ chỉ khuyến khích chứ không thể ngăn chặn lạm phát. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Trong số 9 thành viên của Hội đồng chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng trung ương Anh, có 5 người bỏ phiếu ủng hộ tăng lãi suất nửa điểm phần trăm, lên 2,25% trong khi 3 người bỏ phiếu tăng 3/4 điểm phần trăm, và 1 người ủng hộ tăng 1/4 điểm phần trăm. Quan điểm chia rẽ này cho thấy nhiều mối quan ngại khác nhau và những tín hiệu kinh tế mâu thuẫn của giới chức ngân hàng trung ương các nước, trong lúc họ đang căng mình chống tình trạng lạm phát tồi tệ nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.
Giới chức ngân hàng trung ương các nước đặc biệt lo ngại rằng lãi suất cao hơn có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế và làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra.
Dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy rằng có nhiều dấu hiệu lạm phát đang giảm ở Anh, nhưng cũng cho thấy GDP đang suy yếu hơn so với dự kiến. Còn ở Mỹ, thị trường lao động khỏe mạnh cùng tỷ lệ thất nghiệp thấp đã trở thành nguồn sức mạnh của nền kinh tế, bất chấp sự suy yếu kinh tế ở bên ngoài.
Trước khi đưa ra quyết định nâng lãi suất trong hôm thứ Năm, giới chức Ngân hàng trung ương Anh từng tính đến lựa chọn tăng lãi suất cao hơn, đó cũng là điều mà nhiều người dự đoán. Ngân hàng này tiếp tục thể hiện rõ sự thận trọng của mình trong cuộc chiến chống lạm phát, có thể nói là thận trọng hơn nhiều so với ngân hàng trung ương các nước khác.
“Ở Ngân hàng trung ương Anh, họ vẫn đi theo hướng đi chung, nhưng tính toán rất nhiều về rủi ro đổ vỡ của nền kinh tế, ngay cả khi Anh đang có một trong số những vấn đề lạm phát tồi tệ nhất trong nhóm G-10,” Altaf Kassam, người phụ trách bộ phận chiến lược đầu tư khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của hãng State Street Global Advisors, nhận định.
Bằng lựa chọn tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm, giới chức Ngân hàng trung ương Anh chỉ ra các biện pháp mới đây của chính phủ nhằm giảm hóa đơn năng lượng, vốn được cho là sẽ trở thành một trong số những yếu tố lớn nhất góp phần gây ra lạm phát ở Anh.
Ngân hàng trung ương Anh cho hay giá tiêu dùng có thể đạt đỉnh ở mức dưới 11% trong tháng 10 (Ảnh: Bloomberg) |
Trong cuộc họp gần đây nhất, Ngân hàng trung ương Anh từng cảnh báo rằng lạm phát có thể đạt đỉnh ở mức trên 13%. Trong hôm thứ Năm, họ nói rằng biện pháp mới được công bố có thể sẽ giúp cho mức tăng giá tiêu dùng đạt đỉnh ở mức chỉ dưới 11% trong tháng 10, nhưng lạm phát vẫn có thể duy trì ở mức 2 con số trong nhiều tháng, trước khi giảm xuống. Sự hỗ trợ của chính phủ có thể sẽ khiến người tiêu dùng tăng chi tiêu, làm tăng lạm phát ở trung hạn.
Việc Ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất cũng có nghĩa rằng họ lựa chọn bỏ qua lời chỉ trích mới đây cho rằng họ chưa đủ cứng rắn trong cuộc chiến chống lạm phát. Thủ tướng Anh Liz Truss, người mới nhậm chức, nói rằng bà sẽ xem xét lại nhiệm vụ chống lạm phát của Ngân hàng trung ương. Trong khi đó, các nghiên cứu mới do Ngân hàng trung ương thực hiện cho thấy lòng tin của công chúng đối với khả năng kiểm soát lạm phát của họ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Đồng USD mạnh làm chậm đà tăng trưởng toàn cầu, nhiều NHTW đau đầu, 3 nước đã phải nhờ IMF giải cứu
[ĐỌC CHẬM] Đồng USD đang mạnh nhưng cũng đừng quên sự trỗi dậy của NDT và EUR
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Chu kỳ mạnh lên của USD mới chỉ bắt đầu?
Theo Wall Street Journal