Được phát triển chung giữa Ấn Độ và Nga, tên lửa hành trình siêu thanh có vận tốc cao nhất thế giới hiện nay, BrahMos PJ-10, có thể được phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay và các hệ thống phóng mặt đất. Tên lửa này, có tầm bắn khoảng 290 m và có vận tốc gấp 3 lần vận tốc âm thanh, đã được thử quân đội Ấn Độ thử nghiệm trên biển và đất liền vài lần trong năm ngoái.
Truyền thông Ấn Độ mới đây đưa tin rằng quân đội của họ đã triển khai một số lượng tên lửa BrahMos tại các điểm thuộc khu vực tranh chấp biên giới với Trung Quốc, còn gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).
Thỏa thuận được ký trong hôm 2/3 giữa Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Raymund Elefante và Đại sứ Ấn Độ Shambu Kumaran đã tạo nền móng để Manila mua mẫu tên lửa này từ phía New Delhi, và xuất hiện trong lúc hai nước đang phát triển mối quan hệ an ninh gần gũi hơn.
Nếu một thỏa thuận mua bán được ký kết, Philippines sẽ trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên của Ấn Độ mua hệ thống tên lửa này, và nó sẽ là thương vụ trang thiết bị quốc phòng lớn đầu tiên của Ấn Độ đối với Philippines, một trong hai đồng minh hiệp ước an ninh với Mỹ ở Đông Nam Á.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao những diễn biến này, bởi Philippines trước nay hầu hết mua vũ khí từ phía Mỹ.
“Hiển nhiên bên phản đối ở đây là Trung Quốc” – Jose Antonio Custodio, cố vấn an ninh và quốc phòng thuộc Viện Stratbase ADR, nhận định – “Chúng tôi cần những tên lửa này để tăng cường sức phòng thủ trước Trung Quốc”.
Nếu so sánh với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông thì quân đội Philippines yếu hơn cả về mặt lượng và chất.
Năm ngoái, Tổng thống Philippines Rodrigo Dutertes nói rằng tốt hơn là Philippines nên theo đuổi “nỗ lực ngoại giao” với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông bởi “Trung Quốc có vũ khí. Chúng ta không có, đơn giản vậy thôi”. Trong một phiên điều trần tại Thượng viện tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana thừa nhận rằng Philippines “còn chưa đi được 25%” con đường tới khả năng quốc phòng đáng tin cậy.
Ông Custodio nói rằng các tên lửa BrahMos thường được lắp đặt trên các nền tảng di động trên đất liền, nhưng Philippines cũng có thể lắp đặt nó trên tàu.
“Chúng tôi có nhiều con tàu hiện đại để phóng chúng” – ông nói – “Chúng tôi có nhiều nền tảng, như các tàu khu trục mua từ Hàn Quốc, tàu lớp Hamilton mua từ Mỹ, nhưng lại chưa có đủ ngân sách để chỉnh sửa các con tàu này”.
Nhà phân tích nói thêm rằng Philippines từ lâu đã nhắm tới việc mua tên lửa hành trình. “Điều này đã lên kế hoạch từ rất lâu, từ thời chính quyền Tổng thống Benigno Aquino III (2010-2016), thời điểm mà Hải quân đang thực hiện nhiều nghiên cứu. Lúc đó họ đã bắt đầu nói về tên lửa BrahMos”.
Trong năm 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana nói rằng họ sẽ mua tên lửa BrahMos trong năm tiếp đó, với nhiều kế hoạch sẽ trang bị nó cho đơn vị pháo binh, nhưng nguồn quỹ sau đó lại bị chuyển hướng để giúp Philippines đối phó đại dịch COVID-19.
New Delhi được cho là đã đề xuất hỗ trợ tài chính 100 triệu USD khoản vay mềm để mua tên lửa BrahMos trong tháng 12 năm ngoái, nhưng Tổng thống Rodrigo Dutertes chưa chấp nhận đề xuất này.
Khi thỏa thuận được ký trong hôm thứ Ba tuần này, ông Lorenzana không công bố chi tiết về mức giá mà Manila phải trả để mua BrahMos.
“Có ý định mua không có nghĩa rằng nó đã được rót ngân sách” – nhà phân tích Custodio nói, thêm rằng vẫn chưa rõ có các điều khoản nào về tên lửa BrahMos trong ngân sách quốc phòng năm nay của Philippines hay không.
Ông nói rằng việc mua tên lửa BrahMos không chỉ có ý nghĩa là mua tên lửa. “Một chương trình hiện đại hóa cần phải có các biện pháp thận trọng và chính xác để đảm bảo rằng các thương vụ là hợp lý. Các bạn không thể chỉ mua tên lửa mà không xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ và đào tạo nhân lực để duy trì hệ thống. Bạn phải mua toàn bộ gói”.