Tạp chí Forbes Mỹ ngày 10/1 cho rằng năm 2017 Trung Quốc đã đạt được tiến triển to lớn trong lĩnh vực quân sự, năm 2018 sẽ tiếp tục xu thế này dựa vào những nhà chế tạo trang bị lớn của Trung Quốc.
Năm 2017, quân đội Trung Quốc, một đội quân lớn thứ ba thế giới và đang phát triển nhanh chóng, đã tiếp nhận máy bay chiến đấu tàng hình J-20 của Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô, đồng thời còn đặt tên cho một chiếc tàu sân bay chế tạo tại Công ty TNHH công nghiệp nặng tàu thủy Đại Liên.
Những phần cứng này còn cho thấy các nhà thầu quốc phòng nhà nước Trung Quốc có khả năng công nghệ tinh vi hơn và có năng lực tài chính tốt. Năm 2018, các nhà thầu quốc phòng chính của Trung Quốc sẽ đạt được tiến bộ về các trang bị quân sự tự chế dưới đây:
"Siêu vệ tinh"
Tháng 12/2017, chính phủ Trung Quốc cho biết một viện nghiên cứu viễn thám ở tỉnh Hải Nam có kế hoạch phóng 10 vệ tinh ở vùng biển lân cận trong giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó, hai vệ tinh sẽ có thể phân tích từng điểm ảnh trong ảnh để phát hiện ra vật thể và tình hình. Vài vệ tinh khác có thể tạo ra hình ảnh ba chiều.
Những công cụ này có thể giám sát hiệu quả hành động của các nước khác trên rất nhiều đảo nhỏ (500 đảo nhỏ) và vùng biển xung quanh ở Biển Đông (một hành động khiến tình hình khu vực có thể gia tăng căng thẳng).
Nhà nghiên cứu Jonathan Spangler, viện nghiên cứu Biển Đông tại Đài Bắc, Đài Loan cho rằng: "Nếu Trung Quốc muốn thu thập số liệu và không chia sẻ với nước khác thì đó là một ưu thế chiến lược".
Báo Mỹ không đề cập đến việc những vệ tinh này do ai chế tạo, nhưng theo truyền thống, Công ty TNHH vệ tinh phát sóng trực tiếp Trung Quốc rất có thể nhận được quyền quản lý một khối lượng khá lớn vệ tinh.
Tàu sân bay thứ hai
Tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông cho hay sau khi Trung Quốc đưa ra tàu sân bay tự chế đầu tiên vào tháng 4/2017, Công ty TNHH đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải dự định sẽ tiếp tục đưa ra một tàu sân bay trong năm 2018.
Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 1865, thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc, một doanh nghiệp quốc doanh không ngừng phát triển.
Những nhân viên kỹ thuật đến từ Thượng Hải và Đại Liên, hai thành phố cảng, tham gia chế tạo tàu sân bay này, lượng giãn nước có thể đạt khoảng 80.000 tấn, vượt tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc. Tàu Liêu Ninh được cải tạo từ tàu Varyag do Liên Xô chế tạo.
Tàu khu trục tên lửa
Theo dự báo của nhà nghiên cứu an toàn hàng hải Collin Koh, Đại học kỹ thuật Nanyang, Singapore, năm 2018, Trung Quốc sẽ bắt đầu sử dụng một chiếc tàu khu trục tên lửa lượng giãn nước 10.000 tấn.
Tàu khu trục tên lửa này được gọi là Type 055, chi phí 750 triệu USD, dài 180 m, xuất hiện tại Thượng Hải trong năm 2017, cũng do Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc thiết kế. Giá thành của nó thấp hơn tàu khu trục lớp Arleigh Burke Flight IIA do Mỹ sản xuất, có lượng giãn nước lớn hơn một chút.
Collin Koh cho rằng tàu khu trục Trung Quốc "sẽ được nhanh chóng được đưa vào chiến lược tàu sân bay của Trung Quốc". Điều này có nghĩa là "không lâu sau khi bàn giao sử dụng, tàu khu trục tên lửa này sẽ bắt đầu xuất hiện và tiến hành huấn luyện, diễn tập ở các vùng biển Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông".
Các nhà máy đóng tàu ở Đại Liên và Thượng Hải, Trung Quốc đang chế tạo loại tàu khu trục tên lửa này.
Máy bay chiến đấu
8 năm trước, quan chức tình báo Mỹ và các nhà phân tích quân sự châu Á từng dự đoán, đến năm 2018, máy bay chiến đấu do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo sẽ tiếp cận máy bay chiến đấu F-22 của không quân Mỹ về tính năng.
Có quan điểm cho rằng loại máy bay chiến đấu mới này đến nay còn chưa cất cánh. Nhưng máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc đưa vào biên chế trong quân đội năm 2017 đã có thể so sánh với máy bay chiến đấu Mỹ.