Trong một bản thông cáo, ban chỉ huy nhóm tác chiến của tàu Carl Vinson xác nhận họ đang hoạt động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để phối hợp với các đối tác và đồng minh, phát huy quyền tự do trên biển và cải thiện an ninh khu vực.
Phát biểu với báo giới có mặt trên tàu sân bay USS Carl Vinson ngày 14/2, ông Fuller khẳng định: “Sự hiện diện của Mỹ có ý nghĩa quan trọng. Rõ ràng chúng ta đang ở trên Biển Đông. Chúng ta đang hoạt động ở đây".
USS Carl Vinson, một trong những tàu sân bay hoạt động thời gian dài nhất, bắt đầu đợt điều động tới Tây Thái Bình Dương từ tháng 1/2018.
Các quan chức Mỹ mô tả đây là nhiệm vụ thường lệ của tàu, đi qua những vùng biển nóng vì tranh chấp. Theo Fuller, con tàu dài 333m hiện diện tại đây là cách để tái đảm bảo với các đồng minh.
Chỉ huy tàu sân bay Carl Vinson khẳng định: “Các quốc gia tại Thái Bình Dương là các quốc gia trên biển. Họ đề cao sự ổn định... Đó chính là lý do chúng tôi có mặt ở đây. Đây là sự hiện diện rõ ràng và có thật. Mỹ đã trở lại đây một lần nữa.”
Tuy nhiên, vị trí của nhóm tàu sân bay này, gồm đội bay và tàu tuần dương mang tên lửa có điều khiển, cũng phát đi thông điệp trực tiếp. Giới quan sát từng đánh giá chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bị vấn đề Triều Tiên thu hút sự quan tâm nên "lơ là" tình hình ở Biển Đông. Khu vực này có các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp và cơ sở quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép.
Trước động thái tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông, Trung Quốc được cho là đã bật đèn xanh cho Hoàn Cầu thời báo phát đi những thông điệp cảnh báo. Ngay vào lúc tàu USS Carl Vinson ghé Manila, tờ báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc đã khẳng định rằng việc cho chiếc tàu này vào biển Đông phản ánh một thái độ “bất an” của Washington trước đà trỗi dậy của Trung Quốc
Hoàn Cầu Thời Báo đã trích dẫn một nhà nghiên cứu Lưu Vệ Đông, thuộc Viện Nghiên cứu Mỹ ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng: “Chính quyền Donald Trump đang cố gắng gây áp lực trên Trung Quốc bằng cách tạo ra nhiều vấn đề hơn, bao gồm cả vấn đề Biển Đông… bởi vì họ cảm thấy không thoải mái, không hài lòng trước khả năng cạnh tranh đang lên cao của Trung Quốc. Những động thái “khiêu khích” của Mỹ ở Biển Đông có thể sẽ còn xảy ra trong tương lai”.