Sẽ khôi phục để phát huy vai trò của phục hồi chức năng trong hệ thống y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chương trình phát triển hệ thống Phục hồi chức năng (PHCN) do Thủ tướng vừa phê duyệt sẽ giúp khôi phục lại vai trò rất quan trọng của PHCN trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân, vốn chưa được đánh giá đúng mức thời gian qua.

Phục hồi chức năng có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh
Phục hồi chức năng có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh

Vai trò của PHCN bị đánh giá thấp

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế - PHCN là một yếu tố không thể thiếu trong hệ thống y tế hoàn chỉnh và đóng góp rất lớn trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân (CSSKND), từ tuyến TW đến cơ sở, trước viện và sau viện, nhất là trong khắc phục hậu quả chiến tranh, phục vụ các cơ sở điều dưỡng thương binh.

Sáng nay, 18/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì với sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vv…

Nhưng, thời gian qua, ngành PHCN đã gặp nhiều thử thách: Do chưa được đánh giá đúng vai trò của PHCN, đã có 10 địa phương sáp nhập bệnh viện PHCN vào bệnh viện y học cổ truyền, nhiều khoa PHCN bị giải tán, làm giảm sức mạnh của hệ thống này.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất đa số đơn vị PHCN còn chật hẹp, thiếu trang thiết bị hiện đại, chưa phù hợp với người khuyết tật: Không có lối đi cho người đi xe lăn, không có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu; tỉ lệ nhân lực PHCN còn thấp so với thế giới: 0,25 cán bộ PHCN/10.000 dân; thiếu sự phối hợp, liên kết trong hoạt động chuyên môn; thiếu sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn đối với cơ sở PHCN thuộc các bộ, ngành khác quản lý.

VT_ Khue.jpg
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế: PHCN là một yếu tố không thể thiếu trong hệ thống y tế hoàn chỉnh

Cũng theo ông Khuê, các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ PHCN chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ, là gánh nặng với người khuyết tật và gia đình; kinh phí thực hiện PHCN cho người khuyết tật của các địa phương hầu như chưa bố trí, nhất là công tác PHCN dựa vào cộng đồng…

"Việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực PHCN còn khiêm tốn về số lượng và chưa đủ mã ngành đào tạo đáp ứng các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực PHCN" - đại diện Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế cho biết thêm.

Mở cánh cửa tương lai

Trong bối cảnh hệ thống PHCN có nguy cơ bị “thoái trào”, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê khẳng định quyết định này có ý nghĩa đặc biệt, trở thành cơ sở để Bộ Y tế bảo vệ sự tồn tại của hệ thống PHCN trong CSSKND.

VT _ thuấn.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin về 2 nội dung của Chương trình phát triển hệ thống PHCN

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã thông tin về 2 nội dung của Chương trình phát triển hệ thống PHCN, nhằm bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN chất lượng và công bằng:

Thứ nhất, PHCN là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh; là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật, người bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mãn tính, được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng để nâng cao sức khỏe.

Thứ hai, duy trì và phát triển mạng lưới PHCN phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế, điều kiện kinh tế, xã hội; phát triển dịch vụ PHCN trong các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, người có công với cách mạng và PHCN dựa vào cộng đồng.

Đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết ngành LĐTB&XH có hệ thống liên quan đến công tác PHCN rất lớn khi có hơn 400 cơ sở trợ giúp xã hội có hoạt động PHCN: điều dưỡng thương binh; người có công, người cao tuổi vv… Tuy nhiên, áp Luật khám, chữa bệnh thì một số sơ sở như tâm thần không đủ tiêu chuẩn để cấp phép. Vì thế, Bộ LĐTB&XH sẽ cùng Bộ Y tế xây dựng các văn bản hướng dẫn.

Liên quan đến nhân lực trong PHCN, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Bộ Y tế - đã chỉ ra rằng hiện cả nước có khoảng 15 triệu người cần chăm sóc PHCN, nhưng PHCN vẫn thiếu trong cộng đồng. Mà, PHCN trong cộng đồng rất quan trọng.

Vì thế, theo ông Hưng, cần phải có chính sách phù hợp để đảm bảo công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y ổn định, không bị xáo trộn.

Đại diện Vụ Tổ chức - Cán bộ đề xuất sửa đổi Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật.

Để thúc đẩy hệ thống PHCN ở các địa phương trong cả nước, đại diện các bệnh viện PHCN, các địa phương đề nghị bảo hiểm y tế thanh toán đầy đủ cho các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ PHCN.

GS.TS. Trần Trọng Hải - Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ - bày tỏ vui mừng khi quyết định của Thủ tướng ban hành đã “giúp cho ước mơ 40 năm của tôi trở thành hiện thực và là dấu mốc với lĩnh vực PHCN, khi giờ đây, 15 nghìn người làm công tác PHCN đã thực sự trở thành “con đẻ” của ngành y tế”.

"PHCN cộng đồng rất quan trọng, cần được phát triển song hành với các trung tâm/khoa ở các bệnh viện hiện mới chỉ giải quyết được 15-20% người khuyết tật trong cộng đồng" - GS.TS. Trần Trọng Hải nhấn mạnh.

Picture1.png
Phục hồi chức năng giúp nhiều người bệnh trở lại cuộc sống bình thường sau điều trị

Để sớm thực hiện Chương trình mà Thủ tướng đã phê duyệt, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các bộ, ngành liên quan, các địa phương phối hợp với Bộ Y tế trong các nội dung: Có chế độ chính sách phù hợp để thu hút nhân lực trong lĩnh vực PHCN; xây dựng chương trình đào tạo sau đại học về PHCN; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đưa vào danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế các kỹ thuật PHCN; các bộ, ngành xây dựng các chương trình hợp tác, đưa các chuyên gia sang Việt Nam để phát triển PHCN.

5 chỉ tiêu cụ thể của Chương trình phát triển hệ thống PHCN:

Trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; trên 90% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình PHCN dựa vào cộng đồng.

Trên 90% cơ sở PHCN bao gồm: BV, Trung tâm, khoa được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển.

Trên 90% BV PHCN đạt mức chất lượng từ khá trở lên

100% BV, Trung tâm Chỉnh hình - PHCN, đơn vị cung cấp dịch vụ PHCN thuộc Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, PHCN theo quy hoạch, kế hoạch.

Tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực PHCN đạt tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.