Vào lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ chuẩn bị công du Philippines, trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng, các ảnh vệ tinh chụp đầu tháng 4/2015 cho thấy quân đội Trung Quốc lại triển khai hai máy bay chiến đấu trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi mà Bắc Kinh đã thiết lập hệ thống phòng không.
Đài truyền hình Fox News, ngày 12/4, đưa tin các ảnh vệ tinh thuộc công ty ImageSat International (ISI), chụp ngày 7/4 và đã được các quan chức quốc phòng Mỹ xác thực, cho thấy hai chiến đấu cơ Trung Quốc J-11 (Shenyang J-11) hiện diện trên đảo Phú Lâm.
Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, tiêm kích J-11 của Trung Quốc còn được biết đến với tên «Flankers» được đưa vào hoạt động từ năm 1998. Đây là một phiên bản có sửa đổi của loại tiêm kích Nga Sukhoi Su-27, tương đương với tiêm kích F-15 của không quân Mỹ hoặc F/A-18 Hornet của hải quân Mỹ.
Trước đây, Trung Quốc cũng đã có lần điều máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Theo đài truyền hình Fox News, chiến đấu cơ Trung Quốc J-11 đã tới hòn đảo này vào cuối tháng Hai vừa qua, trong lúc ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp đồng nhiệm Trung Quốc tại Washington. Tháng 11/2015, truyền thông Trung Quốc đã đăng ảnh máy bay J-11 ở trên đảo Phú Lâm.
Cũng theo các ảnh vệ tinh vừa được công bố, Trung Quốc đã lập một hệ thống radar trên đảo Phú Lâm, hoàn chỉnh hệ thống phòng không mà Bắc Kinh đã bắt đầu lắp đặt ở đây từ hồi tháng Hai.
Qua các ảnh vệ tinh, giới quân sự Mỹ lo ngại là hệ thống radar mới sẽ cho phép Trung Quốc theo dõi hoạt động của các tiêm kích, máy bay ném bom và máy bay trinh sát Mỹ trong khu vực này. Vệ tinh đã chụp rõ 4 trong số 8 giàn tên lửa phòng không của Trung Quốc sẵn sàng hoạt động, đặt ở phía đông đảo Phú Lâm.
Trung Quốc đã cho triển khai hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm vào thời điểm tổng thống Barack Obama đón tiếp lãnh đạo các nước dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Palm Springs.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa Biển Đông khi ông Tập công du nước Mỹ hồi tháng 9/2015. Trong cuộc họp báo chung hồi tháng Hai vừa qua với ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tại Washington, ngoại trưởng Trung Quốc đã đề nghị quân đội Mỹ chấm dứt «các hoạt động vì tự do lưu thông» trên biển và trên không.
Các quan chức quốc phòng Mỹ lo ngại là sau Phú Lâm, Hoàng Sa, Trung Quốc có thể điều chiến đấu cơ đến vùng quần đảo Trường Sa.
Trong cuộc hội thảo về chính sách Thái Bình Dương ở Los Angeles tổ chức ngày 12/4, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc mưu đồ khống chế biển Đông.
Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh rằng Mỹ ý thức tình thế rất nghiêm trọng tại châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và quyết liệt tranh giành biển đảo với một số nước trong khu vực. Tuy Mỹ không bênh vực bên nào trong cuộc xung khắc này nhưng lập trường của Mỹ là yêu cầu các bên không được đơn phương có hành động quân sự hóa Biển Đông mà phải giải quyết bằng ngoại giao và thương thuyết.